Anh Toàn (Hoàng Mai, Hà Nội) vốn sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, bao đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thấu hiểu nỗi vất vả của người dân quê, anh quyết tâm học hành để có thể thoát ly lên thành phố. Rồi anh cũng tốt nghiệp đại học, ra trường, đi làm và quen chị Thủy. Anh vẫn còn nhớ như in cái cảm giác hãnh diện, sung sướng khi  về quê giới thiệu chị Thủy - vợ sắp cưới của anh là một cô thiếu nữ thành phố, học cao, con nhà danh giá.

Nhưng sau chuyến về quê, anh Toàn liếc thấy chị Thủy tay chân lểnh khểnh mỗi khi đụng chạm vào vật dụng trong nhà, lúc lại thở dài ngao ngán nhìn bàn tay đen đúa của mẹ anh. Đoán biết được thái độ của Thủy có phần thất vọng và biểu hiện ghê ghê, chảnh chọe thành thị khi bất ngờ phải thích ứng với cảnh quê “chân đất, mắt toét” dù trước đó anh đã “lên dây cót” tinh thần cho chị rất nhiều lần. Đụng vào việc gì chị cũng “ớ - á”, “ghê chết đi được”, “cù lần đến thế là cùng”… khiến cho cả bên nội lẫn bên ngoại nhà anh được phen “mắt tròn, mắt dẹt” ngỡ ngàng.

Cũng từ dạo đó cho tới khi lấy nhau, anh ít khi đưa chị về quê nếu không có việc gì quan trọng bởi anh không muốn vợ lại rùng mình, ngơ ngác bởi những tập tục cũng như thói quen “khoai lang” của gia đình anh như chị cười đùa định nghĩa. Anh cũng không muốn họ hàng, bố mẹ phải khổ sở, nhăn mặt khó chịu cố gắng để thích nghi với thói kênh kiệu của nàng dâu thành phố.
 

Cho đến khi vợ sinh con, anh vội vàng thông báo về quê, bà nội lật đật tay xách, nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ đồ từ dưới quê lên chăm cháu. Nhưng đáp lại sự hăng hái đó là thái độ lạnh nhạt của vợ anh chê mẹ chồng quê mùa, bẩn thỉu. Không câu nói nào chị nói dễ chịu cho lọt lỗ tai mẹ chồng, câu nào của chị cũng bắt đầu bằng từ “đừng”: Bà đừng bế cháu nhiều; Đừng cho cháu ra ngoài chơi; Đừng hôn hít cháu; Bà đừng nhai trầu ghê lắm; Đừng đụng vào đồ ăn... Câu trước câu sau chị nói với mẹ chồng đều ám chỉ sự không cẩn thận, sạch sẽ và quan trọng là sự hiểu biết của một bà mẹ quê. Ngày qua ngày, chẳng được động chân động tay vào việc gì, bà cụ không chịu nổi, đành viện lý do nhớ nhà để về quê sớm hơn dự định. Sợ anh Toàn lo nghĩ nên bà  không phàn nàn gì nhưng anh biết mẹ tủi thân lắm.

Cũng đứng giữa “hai làn đạn” đó, anh Hoan (Định Công, Hà Nội) lại nhiều phen xấu hổ vì cách cư xử của vợ mình, một bà vợ mang nhãn mác “nàng dâu thành phố”. Bởi thi thoảng, họ hàng bên nội có việc ra Thủ đô, tiện thể ghé nhà chơi, chị Thanh - vợ anh không tỏ thái độ, vẫn làm cơm tươm tất, nhưng lại  tiếp đón với một thái độ dửng dưng. Suốt bữa cơm chị hết mắng con, lại ca thán chuyện giá cả leo thang mà chẳng chuyện trò, hỏi thăm ai lấy một câu. Thức ăn thừa mứa, canh ngon, cơm dẻo nhưng không ai thấy ngon miệng vì thiếu sự hiếu khách của chủ nhà, đôi khi lại thấy giật mình thồn thột vì chị quát bóng gió thằng con để “đe nẹt” khách: “Dép đi ngoài đường sao lại tha lôi vào nhà thế kia?!”.

Vì thế, suốt bữa cơm anh Hoan phải kể hết chuyện nọ đến chuyện kia để lấp liếm cho thái độ của vợ. “Con người quý trọng nhau ở tình cảm chứ mâm cao cỗ đầy mà trong lòng trống rỗng thì cũng chẳng ích gì. Vợ tôi làm thế, được lần một, lần hai dần dần mỗi khi có họ hàng ra chơi mình có nhiệt tình đến mấy mời họ về nhà, các bác ở quê đều nhất loạt từ chối!”, anh Hoan chân thành chia sẻ.          

Anh Hùng (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng từng “méo mặt” vì tính khí thành phố của vợ mình. Năm nào, hè đến, anh cũng bảo vợ cho bọn trẻ về quê chơi vừa để thăm ông bà, cũng là gần gũi với anh em con chú, con bác thì chị Tâm - vợ anh viện đủ lí do nào là: “Bọn trẻ còn phải đi học hè, tham gia các hoạt động ngoại khóa, rồi là cho chúng về quê không ai trông nom sợ chúng làm sao thì khổ” nhưng kì thực chị muốn cách li hoàn toàn mấy đứa nhỏ với “cảnh quê” nhà chồng.

Có lần, trước thái độ kiên quyết của anh, chị đành miễn cưỡng cho con về. Nhưng trong một tuần đó, chị xin nghỉ làm để kè kè bên con không cho bà nội đụng vào cháu, bởi chị sợ bà cho cháu ăn hay làm một cái gì đó phản khoa học. Nước uống, chị mua sẵn nước đóng chai mang từ thành phố về, sợ các con uống nước ở quê lại đau bụng. Ngay cả khi ông bà hái trái cây trong vườn, đưa cho bọn trẻ nhưng mấy đứa con chị cứ nhìn mẹ nguýt dài là lại rụt tay lại, không dám ăn.
 
Một người phụ nữ thông minh sẽ luôn biết rằng khi lấy chồng cũng là lúc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với nhà chồng. Bởi thế chính thái độ lạnh nhạt thậm chí là coi thường nhà chồng đã đẩy mối quan hệ giữa họ với nhà chồng đi xa hơn đồng thời cũng cũng khoét sâu thêm sự xa cách giữa chồng và vợ.