Mỗi lần nhắc tới nỗi khổ khi đi làm dâu, người ta thường nghĩ ngay đến cảnh mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, chị dâu – em chồng… Nhưng có rất nhiều chị em phụ nữ lại gặp tình huống khó xử bởi chính từ gia đình bên ngoại của mình.

Bố mẹ cãi nhau như… cơm bữa

Người ta đi làm dâu nếu có gặp khó khăn thì thường là bởi những vấn đề từ phía gia đình chồng, nhưng phải lắng nghe những gì mà chị Loan (Từ Liêm) kể người ta mới biết, đôi khi, nỗi khổ của những nàng dâu lại đến từ chính gia đình nhà đẻ của mình. Số là bố mẹ chị Loan là những người ít học, mặc dù con cái đã phương trưởng cả nhưng hai người vẫn đánh cãi, chửi nhau như cơm bữa. Người ta bảo “vợ chồng đóng cửa bảo nhau” nhưng mỗi lần cãi vã, mẹ chị Loan như chỉ sợ thiên hạ không ai biết nên bà lao ra ngoài đường, chu chéo, thậm chí còn gào lên cho bàn dân thiên hạ biết: “Ối giời ơi, làng xóm láng giềng ơi, ra mà xem thằng chồng khốn nạn của tôi này”. Mà khổ một nỗi, nhà chồng chị Loan lại chỉ cách nhà đẻ của chị có vài chục mét nên tất cả những sự bê bối đó họ đều tỏ tường.

Theo chị Loan kể, trước khi chị đi lấy chồng bố mẹ chị đã hay cãi vã nhau rồi nhưng chị nghĩ khi con cái đã có gia đình, bố mẹ chị sẽ tiết chế những cái không hay đó hơn. Nhưng chính chị cũng không ngờ, số lần “va chạm” của bố mẹ chị ngày càng nhiều khiến chị không khỏi xấu mặt với gia đình nhà chồng vì nhà chồng chị vốn là một gia đình gia giáo, nền nếp.
 

Chị Loan nghẹn ngào chia sẻ: “Ngay từ lúc đầu bố mẹ chồng đã không muốn mình về làm dâu. Tất cả cũng chỉ vì những phức tạp trong gia đình mình, mà cụ thể là vì bố mẹ mình sống không hạnh phúc. Biết thế nên khi về làm dâu mình đã cố gắng rất nhiều để xóa tan đi ác cảm của bố mẹ chồng. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, mình có cố gắng bao nhiêu cũng chẳng thấm bằng việc thi thoảng bố mẹ đẻ lại lôi nhau ra đường, chửi bới nhau bằng đủ thứ lời lẽ thiếu văn hóa. Nhìn mọi người bên nhà chồng, mình chỉ muốn độn thổ cho đỡ xấu hổ”.

Bố mẹ đẻ là người thực dụng

Cùng mang nỗi khổ từ gia đình bên ngoại mang lại, chị Huyền (Hà Đông) gặp phải một tình huống éo le khác. Bố mẹ chị Huyền không đánh cãi chửi nhau, thậm chí trước mặt con rể và thông gia, ông bà tỏ ra vô cùng ngọt ngào, dễ chịu. Nhưng theo lời chị Huyền, cái mục tiêu duy nhất để ông bà thường xuyên “ghé thăm” nhà thông gia là vì muốn “nhờ cậy, xin xỏ” con rể. Mà điều đó làm sao qua nổi mắt bố mẹ chồng chị Huyền.

Chị Huyền kể, mỗi lần bố mẹ đẻ chị tới chơi, gia đình nhà chồng chị đều giữ lại dùng cơm. Trong bữa cơm, ông bà không ngớt lời khen ngợi và so sánh: “Phải công nhận gia đình anh chị sướng thật đấy, cái tủ lạnh to đùng thế kia đựng được bao nhiêu thứ ấy nhỉ? Giá vợ chồng tôi cũng có một cái thì tốt”. Chị Huyền và cả những người bên nhà chồng đều hiểu, mục tiêu mà ông bà muốn hướng tới chính là chồng chị. Bởi lẽ, sau nhiều lần “gợi ý” như thế, ông bà đều có được thứ mình muốn do con rể mua tặng.
 

“Nhà chồng mình khá giàu có, với mình điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều nhưng dường như với bố mẹ mình đó là ‘lộc trời ban’ hay sao ấy? Bố mẹ không hề nghĩ gì tới thể diện, nay tới nhờ con rể mua cho cái này, mai lại mượn cớ vay tạm ít tiền mà không khi nào thấy trả. Đâu chỉ có chồng mình, còn cả gia đình nhà chồng nữa chứ. Vậy mà bố mẹ cứ kệ tất cả miễn là ‘xin xỏ’ được cái mình muốn. Bố mẹ mình đâu biết, bên nhà chồng mình tỏ thái độ khinh thường như thế nào đâu” – Chị Huyền bẽ bàng chia sẻ.

Trước sự quá trớn của bố mẹ đẻ, chị Huyền nhiều lần bị mẹ chồng nói “mát”: “Đẻ con gái có khi lại sướng. Bố mẹ cứ như có cái ngân hàng vô điều kiện, cần gì là có, thích thật”. Chính vì vậy, nhiều lần chị Huyền đã thẳng thắn góp ý với bố mẹ không nên thái quá như vậy sẽ khiến gia đình nhà chồng chê cười, khinh bỉ là mình lợi dụng, cơ hội. Nhưng mẹ chị lại lý luận:“Mày dốt lắm con ạ. Nhà nó giàu như thế, mua cho bố mẹ cái này, cái kia cũng chỉ là cái phẩy tay thôi. Mà có gì quá đáng đâu, con rể mua biếu bố mẹ là quá hợp lẽ rồi có gì mà phải ngượng. Bố mẹ nuôi con bao nhiêu năm trời gả cho nhà nó còn mất nhiều bằng mấy ấy chứ”.

Vậy đấy, vẫn biết bố mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn, công lao là vô cùng to lớn nhưng đôi khi bố mẹ cũng có những cách hành xử chưa thực sự phù hợp gây ra những tình huống khó xử cho các con. Chắc chắn trong những trường hợp như vậy, nhiều chị em sẽ phải đối mặt với sự khinh thường, thậm chí là ghét bỏ từ phía gia đình trong do sự thiếu tế nhị của bố mẹ mình mà ra. Trong những trường hợp như vậy, cách tốt nhất là chị em phụ nữ nên thẳng thắn nói chuyện với bố mẹ để hiểu họ đúng tình hình mà thay đổi cách ứng xử. Cần thiết, có thể nhờ người thân xung quanh hỗ trợ thêm. Nếu vẫn không thể thay đổi được, hãy chia sẻ thật lòng với chồng để anh ấy thông cảm. Và hãy chứng minh bạn là một người hiểu biết bằng việc sống và đối xử với gia đình chồng thật tốt. Thời gian sẽ giúp mọi người hiểu và đánh giá đúng về bản thân bạn.