Hiếm muộn con chỉ vì nạo phá nhiều lần!
 
Giờ này mấy năm trước, Hương đang rục rịch chuẩn bị cho đám cưới của mình! Thực tế, cuộc sống “vợ chồng” cô cũng đã trải qua mấy năm nay. Thiếu kinh nghiệm trong chuyện quan hệ với người yêu, cô đã từng phải vào viện để giải quyết hậu quả đến bốn lần. Có lúc Hương cũng muốn sinh con lắm. Nhưng cô còn 2 năm đại học, sao bỏ được giữa chừng.
 
Cuối cùng, ra trường xin được việc, Hương và người yêu cũng đã nên vợ nên chồng. Mấy năm trôi qua, hai vợ chồng vẫn sinh hoạt đều đặn nhưng Hương rất buồn vì mãi không thấy đậu thai.
 

Nghe bố mẹ chồng giục quá, cô và chồng mới đi khám thử. Giờ nghĩ lại, cô vẫn thấy dằn vặt và đau khổ khi nghe bác sỹ nói rằng khả năng có con của cô rất khó. Nguyên nhân cũng chỉ bởi tại những lần giải quyết hậu quả từ trước.

Cũng giống như Hương, Hùng lấy chồng về mãi không có con. Có lần, Hùng mới tâm sự với mẹ: “Không biết những lần phá thai chui có ảnh hưởng gì không?”, mẹ Hùng mới mắng cho cả hai vợ chồng một trận. “Thà cưới cả trâu lẫn nghé còn hơn cưới một đứa “tịt” về đây.

Hai vợ chồng Hùng giờ vẫn chạy chữa khắp nơi để mong có con, dù trai hay gái cũng là may lắm rồi. Có lúc, vợ Hùng tặc lưỡi: “Giá mà hồi trước chúng mình đừng như thế...” nhưng mọi chuyện có vẻ đã muộn.
 
Sống thử trước hôn nhân - không nên khuyến khích

Hiện nay, có khá nhiều bạn trẻ với lối sống gấp gáp, vội vã mà quên không bảo vệ mình và không lo cho sức khỏe của mình sau này. Chuyện đã rồi, nhiều ông bố, bà mẹ đành phải chấp nhận theo kiểu tặc lưỡi: “Thôi, chúng nó có nhỡ nhàng thì đành cưới cho xong. Phá bỏ sau này lại ân hận cả đời”.

Quay ngược thời gian chỉ mấy năm trước, nếu cô gái nào trót có bầu trước khi cưới thì sẽ trở nên lép vế và bị nhà chồng coi thường. Giờ đây, nhiều cô dâu thậm chí rất tự tin khi mang bụng bầu về nhà chồng. Được cả trâu lẫn nghé là sướng nhất rồi còn gì!

Điều đó cũng dẫn đến một hệ quả khác. Để kiểm tra thật kỹ khả năng có con hay không, nhiều bạn trai muốn “thử” trước xem bạn gái mình có thai hay không, rồi mới tính tới chuyện hôn nhân. Dù đúng hay sai, dù giải thích thế nào, đó cũng không phải là một lối sống đáng được khuyến khích với các bạn trẻ hiện nay.

Với kỹ thuật hiện đại, nạo phá thai bây giờ ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng đến sức khoẻ của sản phụ. Các thống kê cho thấy, nạo phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ. Ngoài ra, các thủ thuật này dễ dẫn đến thủng tử cung, băng huyết, tổn thương cổ tử cung hoặc âm đạo, tai biến do dùng thuốc gây mê, gây tê.
 
Các tai biến xuất hiện muộn hơn là sót thai, sót nhau, nhiễm trùng, chấn thương tâm lý (có người bị trầm cảm), nhiễm trùng gây viêm dính buồng tử cung dẫn đến vô sinh..... Nếu nạo phá nhiều lần dễ dẫn đến tình trạng vô sinh thứ phát. Lúc này, hiếm con, muộn con chỉ còn biết trách bố mẹ đã không biết quan tâm và bảo vệ tới sức khỏe của mình.

Chưa có con số thống kê mới nhất về tỷ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng trên thực tế, tỷ lệ này tăng rất nhanh. Điều đáng lo ngại hơn là nguyên nhân vô sinh thứ phát chiếm số lượng lớn mà nguyên nhân bắt nguồn từ những cách sinh hoạt và suy nghĩ sai lầm của các bạn trẻ.