“Con ngoài giá thú” và nỗi đau chồng chất nỗi đau
Cuộc sống của Thi (Long Biên – Hà Nội) có lẽ sẽ là hoàn hảo, với một người chồng rất chí thú làm ăn, kiếm ra tiền lại luôn đối xử rất tốt với vợ con và hai đứa con một trai, một gái ngoan ngoãn, nếu không có một ngày Minh gục đầu dưới chân vợ thừa nhận trót có một đứa con gái riêng với người đàn bà khác. Đất trời như sụp xuống trước mắt Thi, nỗi đau lại càng lớn hơn khi Minh nói mẹ của đứa trẻ đã đi lấy chồng vì Minh nhất quyết không chịu bỏ vợ, và cô ta đã trả lại cho Minh đứa con như là một sự trả đũa. Không còn cách nào khác, Minh đành gửi gắm đứa con riêng ở nhà nội và buộc lòng phải thú tội với vợ, mong chờ một sự tha thứ và chấp nhận từ cô, dù biết điều đó là quá sức chịu đựng của Thi.
Còn Thành (Hà Đông – Hà Nội) thì thừ người, ngồi phịch xuống chiếc ghế nhựa bên ngoài phòng xét nghiệm ADN của bệnh viện. Nỗi uất ức cứ chực trào ra nơi khoé mắt đỏ hoe của Thành, người anh run lên bần bật. Sự ngờ ngợ về nguồn gốc của đứa con trai duy nhất gần đây luôn ám ảnh anh, giờ đã đã được chứng thực trên tờ giấy xét nghiệm anh cầm trên tay. Giờ thì anh vỡ lẽ bấy lâu nay anh yêu thương, săn sóc và làm mọi việc cho nó, “đứa con riêng” của vợ anh và người đàn ông nào đó. Không thể suy nghĩ được gì, trong đầu Thành bây giờ chỉ còn sự cay cú của một người đàn ông “bị dắt mũi” một cách ngoạn mục.
Còn với gia đình bà Dần (Nguyễn Lương Bằng – Hà Nội) vốn đang sầu thảm lại thêm loạn khi đám tang ông Dần trở thành một trận hỗn chiến. Đứa con trai riêng của ông Dần bỗng dưng “lù lù” xuất hiện và đòi được chịu tang cha. Cả nhà chỉ biết đến sự tồn tại của đứa con này khi ông Dần trăn trối lại trước khi trút hơi thở cuối cùng, với một bản sao lại di chúc viết tay trong đó có dặn dò kĩ càng về phần chia cho đứa con riêng ấy. Bà Dần sững sờ và đau đớn với nỗi đau bị phản bội gần hết cuộc đời làm vợ, còn những đứa con của bà thì đều phẫn nộ, chẳng những vì sự tổn thương do ông Dần để lại mà còn vô cùng bất bình vì thằng con “từ trên trời rơi xuống” bỗng dưng được hưởng thụ phần tài sản kếch sù bố họ để lại như một sự bù đắp tình cảm.
Ngậm đắng nuốt cay…
Quyết tâm ly hôn của Thi cứ dần chùng lại khi thấy hai đứa con vô tội đang tuổi ăn tuổi chơi mà phải âu sầu vì bố mẹ li thân và cái cơ nghiệp hai vợ chồng chắt chiu dành dụm gây dựng được bấy lâu, giờ tan đàn xẻ nghé thì quả thật Thi lại thấy tiếc công tiếc của. Không những thế, tình yêu cô dành cho chồng dù có sứt mẻ vì bị phản bội, thì trước giờ cũng vẫn luôn là tình yêu duy nhất của đời cô. Sự bao dung của người vợ hiền thảo cuối cùng đã chiến thắng, Thi chấp nhận sự thật, cho phép chồng trở về làm lại từ đầu, và thống nhất với chồng về việc nuôi dưỡng đứa bé. Mặc dù đã có lúc thoảng qua trong đầu, Thi nghĩ mình đủ độ lượng và nhân hậu để nuôi đứa bé ngay trong gia đình mình. Nhưng dù có bao dung đến đâu thì sự tồn tại của đứa trẻ kia trong nhà sẽ không thể làm lành vết thương lòng của Thi. Cuối cùng họ thống nhất gửi đứa bé cho ông bà nội nuôi và vợ chồng Thi sẽ có trách nhiệm trong việc hỗ trợ ông bà về mặt kinh tế.
Ngay giờ phút lẳng tờ kết quả xét nghiệm trước mặt vợ, Thành đã biết cái gia đình này đang đứng trước vực thẳm của sự đổ vỡ không thể tránh khỏi, và chẳng còn gì có thể níu kéo anh được nữa. Li hôn rồi, Thành vẫn chẳng thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn chút nào. Có đôi lúc anh cảm thấy ân hận vì ý muốn làm sáng tỏ mọi chuyện. Giá anh không làm vậy, giờ anh vẫn còn một gia đình để đi về, và một đứa con để yêu thương. Cuộc sống của anh bỗng dưng mất đi phương hướng và chẳng còn mấy ý nghĩa. Thú thực anh hận vợ lắm, nhưng lại cũng thấy nhớ đứa con “chẳng máu mủ ruột già” kia đến nao lòng. Chẳng thế mà khi biết tin thằng bé bị tai nạn giao thông đang nằm viện cấp cứu, Thành chẳng suy nghĩ nhiều vội vàng chạy đến ngay với nó. Dẹp hết sự uất hận lúc trước, trong lòng anh chỉ ao ước một điều “giá anh có chung dòng máu với nó, để có thể tiếp sức cho nó qua được cơn nguy kịch!”.
Với bà Dần, bà chua chát nhận ra gần cả đời người bà đã sống với người đàn ông đã thầm lặng phản bội bà, trong khi bà thì luôn tin tưởng và chung thủy. Còn những đứa con của bà thì nhất quyết không thừa nhận đứa con “giời ơi đất hỡi” của bố mình. Sau đám tang quá ồn ào của ông Dần, tai tiếng của người quá cố để lại khiến gia đình bà Dần không những phải đối mặt với những miệng lưỡi dị nghị của người đời mà còn lâm vào con đường lao lý khi đứa con út ít của ông Dần đâm đơn ra Tòa, đòi được hưởng số tài sản như di chúc để lại của bố.
Suy cho cùng, hậu quả của những mối quan hệ “ngoài vợ ngoài chồng” của mỗi người trong hôn nhân luôn luôn là những bi kịch và vết thương lòng cho những người còn lại. Đã có những đổ vỡ, đã có những vết thương đang dần khép miệng, nhưng luôn còn đó sự đau đớn, sự giằn vặt, hổ thẹn, và thậm chí, vẫn còn đó cái hậu quả được mang tên “con ngoài giá thú”.