Mỗi nhà mỗi cảnh

Sáng nào cũng vậy, nhiều người trong khu phố đều trông thấy bà Tính (Việt Trì, Phú Thọ) đi chợ trung tâm từ sớm tinh mơ. Bà nói với người xung quanh: “Đi chợ sớm vừa mua được thực phẩm đầu mối giá rẻ, vừa kịp về nhà sớm kẻo tới giờ cháu thức giấc”.

Hơn 3 năm nay, Diệu - đứa con gái duy nhất của bà đã “đứt đoạn thuyền tình” với chồng. Từ ngày đường ai nấy đi, Diệu đưa đứa con gái 2 tuổi về nhà mẹ đẻ ở. 

Nghĩ cảnh con gái vừa lấy chồng chưa được bao lâu đã không chốn dung thân, lại thương cháu ngoại nhỏ tuổi đã sớm phải chịu cuộc sống thiếu vắng tình cảm của cha nên bà ngậm ngùi dang rộng vòng tay đón hai mẹ con về sống cùng.

Hơn nữa, chồng bà cũng đã mất mấy năm nay. Từ ngày con gái đi lấy chồng, nhà chỉ có bà sống thui thủi một mình. Vì thế, nhà cửa lúc nào cũng trống vắng. Giờ con gái khó khăn, bà "không cưu mang thì còn ai đón nhận hai mẹ con nó đây?".

Ba phận nữ sống chung dưới một mái nhà được chừng gần năm thì Diệu đã “rổ rá cạp lại” với người đàn ông có một đời vợ. Không muốn chịu cảnh mâu thuẫn “con anh, con em”, Diệu nhờ mẹ đẻ cho cháu ở hẳn đấy.

Vậy là, đã gần 70 tuổi, nhưng thương con, thương cháu, bà đành nhận trách nhiệm làm bà, làm mẹ chăm chút cho cô cháu gái nhỏ từng miếng ăn, giấc ngủ.

Nhà vốn neo người, có tiếng trẻ nhỏ bà Tính cũng thấy vui cửa, vui nhà. Song mỗi lúc cháu ốm đau, gào khóc đòi mẹ, bà lại không cầm nổi nước mắt.

Suốt mấy tháng đầu, cháu gái nhớ mẹ đêm nào cũng không chịu ngủ yên. Bà gần như phải thức trắng đêm. Cứ vừa chợp mắt mà cháu quấy khóc thì bà lại tỉnh giấc, ôm cháu ra khỏi giường, vừa bế vừa nịnh nọt, dỗ dành đủ kiểu cháu mới chịu yên.

Rồi một lần đang đêm thì bé bị sốt cao. Bà không biết xoay sở ra sao, một mình gọi taxi đưa bé đi viện. Nhà chồng mới của con gái thì ở xa, bà gọi điện báo con gái nhưng cũng phải cả tiếng sau Diệu mới đến nơi...

Đồng cảnh ngộ với bà Tính là bà Hoan (Cầu Giấy, Hà Nội). Bà Hoan cũng nhận nuôi cháu ngoại 3 tuổi để mẹ cháu yên tâm đi lao động ở nước ngoài.

Bố cháu đi làm tối ngày, về nhà lại hay tụ tập rượu chè. Sợ những tính xấu của con rể ảnh hưởng đến cháu nhỏ, bà ngoại đành đảm nhiệm vai trò làm mẹ bất đắc dĩ.

Những đêm cháu quấy khóc, bà phải lọ mọ thức dậy dỗ dành. Tuổi già khó ngủ, mỗi lần bà Hoan đưa cháu ngoại đi vệ sinh rồi quay lại giường thì khó khăn lắm bà mới có thể chợp nổi mắt ngủ tiếp.

Trẻ nhỏ xa mẹ nên hay cáu bẳn, ưa nịnh nọt. Bà Hoan nắm bắt được tâm lý của cháu nên cũng cố kiên nhẫn chăm chút cháu cho thật tốt để con gái yên tâm khi đang xa nhà.

“Tuổi này còn phải lọ mọ nuôi cháu nhỏ vất lắm. Để bố nó nuôi thì cả mẹ nó và tôi đều không yên tâm. Nhiều lúc mẹ nó gọi điện về hỏi han, tôi cũng toàn phải nói dối, bảo cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng thực tình ngày nào tôi cũng đánh vật từ chuyện cho ăn, cho ngủ, đưa đi chơi...” - bà Hoan thở dài nói.

Ngậm ngùi cảnh "gà mái" nuôi cháu 1
Những người phụ nữ luống tuổi vẫn cặm cụi chăm cháu ngoại thay con gái đều có những nỗi niềm, hoàn cảnh riêng (Ảnh minh họa).

...Đến khi cò lớn lò dò cò đi

Nói về cảnh thân già nuôi cháu, bà Tính chia sẻ: “Tôi không ngại chăm cháu ngoại sớm tối. Chỉ e khi đến tuổi, nhà nội lại qua đòi cháu, tôi sao nỡ ngăn tình cha con của nó được”.

Nén tiếng nghẹn ngào, bà Tính bảo: “Tránh sao được quy luật 'Công anh xúc tép nuôi cò, cò ăn cò lớn, cò dò lên cây'. Dù có thương cháu, chăm cháu đến độ nào thì mình là bà cũng không thay thế được tình cảm của cha mẹ dành cho con".

Bà Tính còn lấy luôn dẫn chứng một gia cảnh khác ngay trong khu phố nhà bà. Nhà ấy cũng có con gái tái giá với một người chồng khác. Bà ngoại nhà ấy cũng lọ mọ nuôi cháu lớn khôn. Đến năm 9 tuổi, bố cháu đến đòi con và còn trút vào bà bao lời trách cứ vì tội… thương và chiều cháu ngoại quá.

Chưa hết, gia đình nhà thông gia ấy từ khi đón được con cháu về, không biết “uất ức” hay vì lý do gì mà còn ra lệnh cấm tiệt cháu nội qua lại với nhà ngoại.

Còn bà Hoan cũng đang đắng lòng khi biết trước chắc chắn sẽ đến ngày phải rời xa cháu ngoại để bé trở về sống cùng cha mẹ. Dù bà có yêu thương cháu đến đâu thì cháu vẫn luôn mong mỏi từng ngày được về sống chung với cả bố lẫn mẹ.

Bà Hoan tâm sự: “Nước mắt có bao giờ chảy ngược đâu. Chăm chút từng ly từng tí cho cháu cũng chỉ vì lòng thương cảm với con, với cháu nhưng chưa bao giờ tôi hy vọng sự đền đáp ở cháu cả".

Đặt chén nước xuống bàn, bà Hoan nhìn quanh. Có lẽ trong lòng bà đang tưởng tượng ra viễn cảnh căn nhà sẽ lại trống trải khi vắng tiếng trẻ thơ. Và nó càng hiu quạnh hơn khi khi bà sẽ nhớ nhung và ám ảnh mãi về khoảng thời hai bà cháu sống bên nhau.

Tạm kết

Những người phụ nữ luống tuổi vẫn cặm cụi ngày ngày chăm cháu ngoại thay con gái đều có những nỗi niềm, hoàn cảnh riêng. So với cảnh "gà mái" nuôi con thì cảnh "gà mái" nuôi cháu chắc chắn còn cơ cực, vất vả hơn nhiều. 

Hơn nữa, tình cảm của những phụ nữ này dành cho cháu không chỉ là tình bà cháu lớn lao mà còn cộng hưởng thêm cả tình mẫu tử thiêng liêng nên nó càng đáng quý, đáng trân trọng.

Dẫu biết ngày ngày cặm cụi “bắt tép nuôi cò”, song những người bà chăm cháu hoàn toàn vì tình cảm ruột rà, máu thịt chứ chưa bao giờ họ từng nghĩ đến bản thân mình.



Dù buồn nhưng sau 1 năm làm gà trống nuôi con, anh Khoa thông cảm cho vợ hơn.
Ngậm ngùi cảnh "gà mái" nuôi cháu 2