Đa cảm, lãng mạn, sau khi kết hôn, Xuân, làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội, cảm thấy thất vọng khi sống cùng người chồng khô khan, gia trưởng, chỉ mải miết theo đuổi sự nghiệp mà chẳng bao giờ quan tâm đến vợ con. Sống với nhau được 5 năm, có cậu con trai 3 tuổi, nhiều lúc, Xuân thấy bế tắc về cuộc sống của mình nhưng không bao giờ nghĩ tới hai chữ "ly hôn" vì vẫn có tình cảm với chồng và sợ con khổ.
Rồi một lần, vào Sài Gòn công tác, cô gặp lại người bạn trai học cùng cấp ba - người ngày xưa từng thầm thương trộm nhớ nhưng không được Xuân đáp lại. Sự quan tâm dịu dàng, những kỷ niệm cũ ùa về khiến cô thấy xao xuyến. Người ấy vẫn chưa lấy vợ.
Sau chuyến công tác, Xuân và người bạn trai thường xuyên chat, viết mail và nhắn tin cho nhau. Xuân không hiểu sao cô có thể nói với anh mọi thứ, từ những buồn vui trong cuộc sống vợ chồng đến những suy tư mông lung về cây lá, thời tiết... Xuân cũng thấy nhớ nhung, mong ngóng nhưng cô cũng nói rõ với người ấy rằng mình chỉ muốn có một người bạn tri kỷ chứ không hề muốn mất gia đình. Sau đó, mỗi lần anh ra Hà Nội hay cô vào Sài Gòn họ đều gặp nhau, nhưng chỉ là cùng ngồi nhấm nháp ly cà phê, tay nắm tay, đi dạo loanh quanh thành phố chứ không hề làm gì vượt rào.
"Mình không muốn làm gì có lỗi với chồng. Và quả thực, từ ngày liên lạc lại với người ấy, mình cảm thấy cuộc sống của mình cân bằng hơn, mình cũng thôi không trách móc vì sự vô tâm của chồng nữa. Mọi thứ đang rất tốt và mình không muốn thay đổi gì hết", Xuân tâm sự.
Hôn nhân đổ vỡ nhưng lại không muốn ly hôn, chị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) đã coi mối tình qua mạng là cứu cánh giúp chị lại yêu cuộc sống.
Chị Tâm cho biết, 5 năm trước, chị từng khủng hoảng tâm lý khi phát hiện chồng có bồ, đúng lúc chị phải nằm nhà trị bệnh sau một tai nạn giao thông. Vẫn yêu chồng tha thiết và thương con, chị đã tha thứ để níu giữ gia đình. Thế nhưng, sau đó, anh vẫn ngựa quen đường cũ, cặp với hết cô nọ đến cô kia. Bị bệnh về cột sống, không thể đáp ứng được nhu cầu "chuyện ấy" của chồng, chị cắn răng chấp nhận để anh tìm sự thỏa mãn bên ngoài.
"Hồi đó, có lúc mình muốn chết đi vì cảm thấy cuộc sống bi đát quá. Ly hôn thì không muốn, vì anh ta vẫn rất tốt với con, nhưng hai vợ chồng hầu như không còn tình cảm gì nữa. Và rồi, chính internet đã mang lại niềm vui cho mình", chị Tâm thổ lộ.
Chị cho biết, trong những ngày một mình ở nhà gặm nhấm nỗi đau khổ, chị đã tìm tới các diễn đàn trên mạng để khuây khỏa. Và tại đây, chị đã gặp "tình yêu ảo" của mình. Chị và người ấy có thể trò chuyện thâu đêm suốt sáng về đủ mọi đề tài, từ văn học, âm nhạc, đến những vấn đề giáo dục, cuộc sống. "Chưa bao giờ mình thấy được sống đúng với chính mình như vậy. Mình có cảm giác trở lại là cô gái tràn đầy nhựa sống, khát khao yêu và được yêu", chị nói.
Theo lời chị kể, chị và "người yêu" chỉ biết nick chat của nhau. "Mình không quan tâm anh ấy là ai, làm gì, mặt mũi ra sao. Mình cũng không có ý định gặp gỡ. Mỗi ngày mới đều có cái gì đó để háo hức, để nhung nhớ, thế là đủ rồi", người phụ nữ 35 tuổi bộc bạch.
Mọi người xung quanh, từ bạn bè, con cái, hay cả người chồng đã ly thân nhưng vẫn sống cùng nhà đều biết chuyện chị có "người tình" nhưng không ai phản đối. Họ còn ủng hộ khi thấy chị lúc nào cũng rạng rỡ, vui tươi, sau một thời gian khủng hoảng trầm trọng.
Chị Tâm cho biết, nhhững "mối tình ảo" như kiểu của mình không hiếm. "Rất nhiều đôi yêu nhau thắm thiết qua những dòng chat, bức mail nhưng chưa bao giờ gặp nhau và họ cũng không có ý định gặp gỡ, trong số đó, đông nhất vẫn là những phụ nữ đã có gia đình nhưng không thể tìm thấy sự chia sẻ ở người bạn đời", chị kể.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, những mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng luôn chứa đựng nguy cơ gây đổ vỡ cho gia đình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những mối quan hệ ấy cũng có mặt tích cực, nhất là với những đôi không còn tình cảm nhưng vẫn muốn giữ lại gia đình cho con.
Nhà tâm lý cho biết, ở phương Tây, người ta thường đề cao cái tôi nên khi cảm thấy cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, việc ly dị sẽ rất đơn giản. Còn ở nước ta, dù hiện nay tỉ lệ ly hôn cũng tăng khá cao, nhưng thực chất, vẫn có rất nhiều người ngại đưa ra quyết định này. Nhiều cặp vợ chồng cố duy trì gia đình đầy đủ vì họ biết đó là môi trường tốt nhất để con cái phát triển. Và khi đó, họ chấp nhận để "nửa kia" có thế giới riêng.
Đặc biệt, nhiều người phụ nữ thiệt thòi trong cuộc sống riêng nhưng vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, trong thẳm sâu, họ vẫn luôn khao khát được yêu thương, được thừa nhận và đánh giá cao. Và không ít người đã tìm thấy điều đó ở một người đàn ông khác chồng. Họ coi việc dành tình cảm, sự chia sẻ cảm xúc cho người đó như một cách giải tỏa tâm lý và nghĩ rằng những mối quan hệ không sex sẽ không ảnh hưởng đến gia đình.
"Thực tế, mỗi người có quyền lựa chọn cách sống của mình, miễn là họ cảm thấy ổn và không ảnh hưởng đến những người xung quanh là được", nhà tâm lý bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, thực ra, khi đã ngoại tình, kể cả chỉ trong tư tưởng, ranh giới giữa có sex và không sex hay giữa ảo và thật rất mong manh, và đôi khi người trong cuộc khó mà đủ tỉnh táo để luôn giữ cho mình dừng lại ở vị trí an toàn.
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Vương Linh
Vnexpress