Nằm trên giường bệnh với chút sức lực cuối cùng, chị cố gắng gượng ngóc đầu dậy, với tay và cất tiếng gọi. Thế nhưng, giọng nói yếu ớt, thều thào không đủ để đánh thức đứa con gái đang ngủ gục ở phía đuôi giường sau những ngày mệt mỏi túc trực trông mẹ.
Chị bất lực buông tay và ngả người trở lại. Từ khóe mắt mệt mỏi, hai hàng nước từ từ lăn xuống. Quá khứ ùa về… Cái quá khứ mà chị đã dành cả đời để nói dối
1. Ngày đó chị mười tám, là cô công nhân xinh xắn và lí lắt nhất công xưởng. Cũng nhiều chàng trai theo đuổi nhưng chị một mực chối từ vì trên còn người cha mất sức lao động, dưới còn cô em gái vừa bước vào bậc trung học…
Rồi chị gặp anh – chàng kỹ sư lểnh khểnh có nụ cười duyên, trong một lần giao lưu văn nghệ giữa cơ quan anh và công xưởng chị. Sự duyên dáng cùng giọng hát trong veo của chị đã hút hồn chàng kỹ sư ngay từ lần đầu gặp. Còn chị, sau thời gian dài anh kiên trì đeo bám đã không thể khước từ được tình cảm…
Tình yêu của anh chị cứ nhè nhẹ, êm đềm như dòng suối. Sáng anh tới đón chị đi làm trước khi đến cơ quan chiều lại ngược vòng xe đưa chị về nhà… Cứ thế, anh chị mơ và vẽ nên bức tranh hạnh phúc cho cuộc sống tương lai. Viễn cảnh huy hoàng và thật đẹp có lẽ sẽ thành hiện thực nếu không có cái ngày bố chị đổ bệnh nặng.
Nghĩ đến bệnh tật sẽ cướp bố khỏi vòng tay mình, chị hoang mang tột độ. Cho dù từ khi bố không còn sức lao động thì với chị, bố vẫn là chỗ dựa vững chắc và bình yên nhất. Nhưng giờ đây, khi nhìn thấy bố nằm trên giường bệnh, chị chỉ còn nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông sức đã tàn và đang bị bệnh tật gặm nhấm, chị xót xa, đau đớn ước gì người nằm trên giường bệnh kia là mình.
Bố chị sẽ phải trải qua một cuộc đại phẫu mới có hi vọng sống. Trước giờ bố lên bàn mổ, bố nắm tay chị thật chặt và dặn dò đủ thứ nếu ông không qua khỏi. Chị cũng sợ, sợ tai ương kinh khủng sẽ lại ập đến với cái gia đình bé nhỏ của mình từ sau ngày mẹ chị mất.
Lúc chiếc cáng bố nằm được đẩy vào phòng mổ cũng là lúc chị rời bệnh viện và dành mấy tiếng đồng hồ để quỳ gối trước tượng bồ tát. Chị khẩn cầu, chị “mặc cả” rằng nếu bố khỏi bệnh và bình an trở lại chị sẽ từ bỏ tất cả hạnh phúc của mình…
Và khi bố chị ra khỏi phòng mổ, bình phục dần dần cũng là lúc chị lảng tránh và hờ hững với anh. Chị tìm đủ mọi cách để anh căm ghét, rời xa chị… Rồi ngày hôm đó, bàn tay rắn chắc của người đàn ông ấy đã không đủ mạnh để kéo chị trở lại với mình. Câu chia tay dứt khoát, lời tuyên bố “sắp lấy chồng” của chị khiến trái tim anh tan nát. Chị đành lòng nhìn bóng anh liêu xiêu khuất dần dưới ánh đèn đường hiu hắt.
2. Năm năm qua đi, chị vẫn một mình, cần mẫn với công việc cũ, gánh vác gia đình, chăm sóc cha già và nuôi em ăn học. Ngày em chị rời quê lên thành phố học đại học, chị hi vọng vào một tương lai tươi sáng: Em chị sẽ có một công việc ổn định, sẽ có được hạnh phúc riêng và chị sẽ có những đứa cháu xinh xắn, đáng yêu… Với hi vọng đó, chị bỏ lại những vất vả sau lưng, làm việc, đếm từng ngày qua đi.
Tháng cuối cùng của năm cuối đại học, cô em gái viết thư gọi chị ra Hà Nội gấp. Gặp nó, nhìn thấy cái bụng nhấp nhô dưới lớp áo, chị như chết sững. Chị không có cơ hội để đánh hay mắng nó, đơn giản vì lúc này, chị như người mẹ để nó vùi đầu vào lòng mà khóc lóc “mách” rằng: “Thằng đểu nó bỏ rơi em rồi”.
Lòng chị rối bời khi nghĩ muôn cách để giải quyết hậu quả mà đứa em dại dột gây ra. Nhưng có lối thoát nào đây? Chị cũng không đủ nhẫn tâm để dẫn em tới bệnh viện. Chị càng không dám dẫn em về nhà kể hết mọi chuyện với bố. Cuối cùng, để giấu nhẹm mọi chuyện, chị dựng nên một vở kịch em gái được một công ty nước ngoài đài thọ cho một khóa học trước khi trở về làm việc cho họ. Câu cuối cùng chị nói với em mình ngày hôm đó trước khi tất tưởi trở về quê: “Chị sẽ lo hết, em lo tốt nghiệp xong và sinh con. Việc tiếp sau là của chị”.
Những tháng sau đó, hàng xóm thi thoảng thấy chị nhanh nhảu bóc phong bì thư đọc lướt qua rồi chuyển cho bố mình.
3. Sáu tháng sau, chị bế một đứa trẻ còn đỏ hon hỏn trở về quê sau vài ngày vắng nhà. Chị thông báo đó là đứa con nuôi chị mới vừa nhận. Bố chị ngỡ ngàng phản đối vì chị vẫn chưa lấy chồng, rồi còn hàng xóm nhìn vào. Nhưng nhìn chị cưng nựng đứa trẻ với khuôn mặt rạng rỡ, ông chỉ còn cách lắc đầu.
Bồng đứa bé trên tay, đứng lặng nhìn theo bóng bố khom khom đi vào phòng, tim chị như có ai bóp chặt. Chị biết chị có lỗi nhiều lắm với bố nhưng chị không còn cách nào khác. Chị biết làm việc này, em gái chị không thể thanh thản khi nhìn thấy con mà không được gọi một tiếng con…
Chị biết nó sẽ còn phải dấm dứt khóc ròng nhiều ngày nữa sau ngày chị mang con nó rời đi. Nhưng sẽ là bất hạnh hơn nếu để bố biết sự thật, chắc chắn ông không thể chịu nổi. Rồi lời đàm tiếu của những người xung quanh sẽ khiến cô em gái không còn tương lai! Cũng như ngày chia tay anh, chị lại đến quỳ dưới chân tượng bồ tát… Chị muốn em gái chị còn cơ hội lựa chọn về sau, để tương lai của em sẽ hạnh phúc, tươi sáng hơn cuộc đời mình.
4. Tuổi 35, sau nhiều lần khuyên nhủ em quên quá khứ, chị mãn nguyện khi được chứng kiến em gái kết hôn với một người ngoại quốc. Dù không nỡ để em rời xa mình, rời xa quê hương nhưng nghĩ đến việc em định cư ở nước ngoài sẽ giúp nó quên hẳn quá khứ và không còn nhức nhối hàng ngày việc “bỏ rơi/từ chối con”, chị lại mong ngày đó nhanh chóng đến.
Ngày tiễn em ra sân bay, chị ôm em chặt vào lòng và thì thầm: “Hãy tha thứ cho chị vì chị đã làm điều đó. Đừng trả thù chị bằng việc phải trông thấy em sống không hạnh phúc! Rồi em sẽ có những đứa con đáng yêu. Chị sẽ chăm sóc con bé tốt nhất”… Mắt chị nhòe đi…
5. 18 năm rồi nhưng tất cả mọi chuyện cứ như mới vừa xảy ra ngày hôm qua thôi. Ngày hôm qua ấy, chị còn nhận được thư của em gái thông báo mình đã có thai. Ngày hôm qua ấy, chị nhận được những tấm bưu ảnh có hình em gái chị và một đứa trẻ tóc hoe, mắt đen.
Ngày hôm qua chị thấy em gái rạng rỡ trở về với 2 đứa con lai khỏe mạnh và tinh nghịch. Ngày hôm qua chị phải cài vành khăn trắng lên đầu tiễn bố đi xa mà không thể nói cho bố biết sự thật. Ngày hôm qua, chị thấy bóng dáng anh mỉm cười với mình hạnh phúc trước khi quay lưng đi. Ngày hôm qua… Ngày hôm qua… chị ngất lịm khi bị một chiếc xe đi ngược chiều lao vào, rồi chị nghe thấy tiếng người xôn xao, tiếng con gái chị khóc…
Chị luồn tay xuống dưới gối, lấy ra một bọc nilon được gói ghém cẩn thận. Tiếng xột xoạt làm con gái chị bừng tỉnh. Nó dụi mắt nhìn mẹ rồi chạy nhanh đến tò mò, ngập ngừng cầm lấy cái bịch mẹ đang chìa về phía mình. Trong đó là những phong thư sờn cũ chỉ ghi một dòng chữ duy nhất “Gửi anh”.
Khi bàn tay nó vừa giữ chặt được cái bọc nilon ấy thì cánh tay chị buông xuống khiến nó giật mình gào khóc: “Mẹ ơi, mẹ ơi…”. Chị gắng gượng mở đôi mắt ra để nhìn nó, nhưng không được nữa rồi. Hơi thở chị yếu dần. Lần cuối cùng trước khi từ giã cõi đời, chị không muốn nói dối con nữa. Chị muốn cho con biết rằng dì nó mới thực sự là người sinh ra nó nhưng cuối cùng chị thì thào: “Mẹ là mẹ của con! Mãi mãi thế…”. Chị thấy bố và mẹ chị ở đằng xa vẫy tay gọi chị…
Cái tin vợ chết như một gáo nước buốt giá dội thẳng vào anh. Trước khi chị ra đi đã gọi cho anh 12 cuộc gọi... Anh gục ngã, không ngừng gào thét tên vợ.