Ngày xưa chị Thúy cũng hiền lắm, không nanh nọc như bây giờ. Ngày đó, chị lấy anh Thanh cũng bởi cảm mến cái tính hiền lành của anh. Anh chiều chị, chẳng mấy khi cáu giận khi chị quá đáng, cũng chẳng mấy khi “làm trái” ý chị. Chị cứ nghĩ đó là anh yêu chị nên chiều chị.
Sau này lấy nhau chị mới biết, đó là tật cố hữu của anh. Không phải anh hiền mà là anh chả muốn tham gia tranh luận, đúng ra là anh không quan tâm. Mối quan tâm duy nhất của anh là đỏ đen, lô đề, cờ bạc. Kiếm được bao nhiêu tiền anh đem nướng hết vào các sòng bài, thành ra, hai vợ chồng cưới nhau đến cả năm trời rồi mà vẫn chưa có gì trong tay. Bố mẹ anh ở quê cứ nghĩ con mình giỏi giang, kiếm được nhiều tiền nhưng từ khi lấy vợ bị vợ quản chặt và tiêu pha thế nào mà giờ đến một đồng biếu bố mẹ cũng không có.
Tiếng oan lan ra cả cái làng quê vốn nhỏ bé và yên bình đó khiến không ít lần theo chồng về quê mà chị Thúy phải muối mặt ngồi nghe “giáo huấn” của cả họ nhà chồng, rồi cứ phải cúi mặt trước những cái nhìn xoi mói, tò mò của làng xóm. Chồng chị vẫn tỉnh bơ như không. Anh cũng không thay đổi cái tính chơi bời, phá của của mình. Nhà chồng chị đâu biết rằng, mình chị phải cáng đáng tất thẩy công việc nội ngoại, anh không những không giúp gì chị mà còn lấy trộm cả tiền tiết kiệm của chị để đi chơi. Không ít lần anh bị công an bắt chị cũng phải lo chạy chọt cho anh thoát tội. Chị có nói thì anh lại tỏ thái độ bất cần. Sự quan tâm, yêu thương cũng đi đâu mất. Không ít lần chị nói chuyện với bố mẹ chồng về thói cờ bạc của chồng nhưng mọi người đều không tin chị. Họ gạt đi cho rằng anh chỉ chơi cho vui thôi mà chị cứ trầm trọng hóa lên.
Có lần, bố anh đi xe máy gây tai nạn phải đền rất nhiều tiền mới mong không bị truy tố. Ông bà “lệnh” cho vợ chồng anh Thanh chị Thúy phải lo đủ số tiền đó cho bố mẹ bởi anh chị là con trưởng trong nhà, kinh tế lại khá giả nhất, “bấy lâu không biếu bố mẹ tiền thì chắc là tích lũy được nhiều lắm rồi…”. Bố mẹ chồng chị còn bóng gió: “Lúc này bỏ tiền ra cho bố mẹ mới đúng là con dâu hiếu thảo, mới đáng là dâu con nhà này, chứ không thì chồng nó bỏ cũng đáng”.
Chị Thúy vừa tủi thân vừa hận mà không dám nói ra. Lấy đâu ra từng đó tiền ngay lúc này? Thế mà chồng cứ ì ra, bỏ mặc chị lo liệu, xoáy xở, bố mẹ chồng thì liên tục gọi điện giục mang tiền về, chị đành muối mặt về vay đằng ngoại để lo cho nhà chồng. Nhưng từ đó tâm tính chị cũng thay đổi hẳn.
Ở quê chồng chị lại xôn xao rỉ tai nhau rằng chồng chị lấy phải “con vợ ghê gớm, chửi chồng như hát hay”. Họ đồn rằng, chị không còn xưng hô anh – em với chồng mà toàn là anh – tôi, chị không còn đi làm về sớm nấu cơm cho chồng nữa mà để chồng nhịn đói hoặc tự nấu mà ăn, hôm nào “cao hứng” chị mới nấu cơm. Chị không đưa tiền cho chồng nữa mà thu vén cất hết vào quỹ riêng, thậm chí khi chồng có lớn tiếng là chị sẽ gào lên còn to hơn. Bố mẹ chồng có lên chơi thì mặt chị cứ nặng ra, Bố mẹ chồng có trách chị chăm sóc chồng chưa tốt thì chị bảo chị "mới đang tập làm con dâu hiếu thảo thôi chứ chưa thành công". Bố mẹ chồng có nói đóng góp này nọ là y như rằng chị bảo hỏi chồng chị vì chị không có tiền…
Những gì họ nói đều không sai. Chị Thúy biết nhưng tảng lờ như không. Chị không muốn lấy lại “thanh danh” làm gì khi mà mọi người trong gia đình chồng không tin và không coi trọng chị. Chị ghê gớm ư? Chị ghê gớm là vì đâu? Chị cũng đã ấp ủ ý định ly hôn nhưng chị muốn trước khi ly hôn nhà chồng phải thấy được bộ mặt thật của chồng chị đã.
Chính vì vậy mà chị không ngần ngại gào lên với chồng dù biết bố mẹ chồng cũng có thể nghe thấy:“Anh mà cũng dám nói những lời đó với tôi à. Anh có biết anh còn được như ngày hôm nay là nhờ ai không chứ hả? Cả họ nhà anh mang ơn tôi còn không hết ấy”. Tiếng quát the thé của chị Thúy làm anh Thanh giật mình. Nhưng điều lạ là anh không có một chút phản ứng gì, chỉ bởi anh lại đang hỏi “vay” tiền vợ để đi chơi lô đề.