Câu chuyện tình lãng mạn của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài được ví như chuyện tình Romeo và Juliet của nước Anh. Đó là truyền thuyết về chuyện tình bi thảm của đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Chuyện kể rằng thời Đông Tấn ở Trung Quốc, thiếu nữ Chúc Anh Đài xinh đẹp, thông minh, sinh ra trong một gia đình giàu có ở Chiết Giang. Ngay từ nhỏ, nàng đã theo các anh học tập thơ văn nhưng thời bấy giờ, con gái không được đi học nên Chúc Anh Đài đã xin phép cha mẹ cải trang thành con trai để tới Hàng Châu theo học. Duyên phận đưa đẩy nàng gặp gỡ Lương Sơn Bá - một chàng trai cũng đang trên đường đến Hàng Châu theo nghiệp bút nghiên. Họ tỏ ra tâm đầu ý hợp và kết nghĩa anh em từ đó.
Trong suốt 3 năm học tập, ăn ở cùng nhau, quan tâm đến nhau, tình cảm sâu đậm, thậm chí ngủ cùng nhau trên một chiếc giường, Lương Sơn Bá không hề hay biết Chúc Anh Đài là gái giả trai.
Họ tỏ ra tâm đầu ý hợp và kết nghĩa anh em từ đó (Ảnh: Internet)
Một hôm, Chúc Anh Đài nhận được thư gia đình gửi tới nói mẹ nàng vì thương nhớ con gái mà sinh bệnh, Anh Đài vội vàng xin phép về quê thăm mẹ. Trên đường đưa tiễn, nàng đã nhiều lần ám chỉ tình cảm của mình, nói ý thân phận nữ nhi thật của nàng nhưng Lương Sơn Bá không hiểu. Bất lực, nàng đành hứa hẹn sẽ gả em gái của mình cho chàng.
Chia tay nhau trở về quê nhưng cả hai luôn nhớ đến nhau. Một thời gian sau, khi Lương Sơn Bá đến thăm Chúc Anh Đài, chàng mới sững sờ khi biết người em gái mà nàng hứa hẹn không ai khác chính là Chúc Anh Đài. Từ tình anh em kết nghĩa, mối quan hệ của họ chuyển thành tình yêu lứa đôi. Họ thề sẽ chung sống với nhau suốt đời.
Vì tình yêu với người "anh em đồng môn", Lương Sơn Bá đến xin phép bố mẹ Chúc Anh Đài cho cưới nàng về làm vợ. Nhưng tình yêu say đắm của họ đã vấp phải sự một quyết định trọng đại của gia đình Chúc Anh Đài, đó là họ đã nhận lễ vật của một chàng trai con nhà danh giá là Mã Văn Tài.
Dù hết mực phản đối nhưng cha mẹ Chúc Anh Đài không đồng ý cho hai người yêu nhau bởi họ chê Lương Sơn Bá nghèo. Cái tin sét đánh ngang tai này đã khiến Lương Sơn Bá đau khổ đến mức lâm bệnh nặng rồi qua đời khi đang làm quan tri huyện.
Nghe tin Lương Sơn Bá mất, Chúc Anh Đài khóc rất lâu. Sau đó nàng không khóc nữa, nói với cha mẹ rằng nàng đồng ý lấy Mã Văn Tài, nhưng với điều kiện trong ngày kết hôn phải cho kiệu hoa của nàng đi qua mộ của Lương Sơn Bá. Cha mẹ nàng đành phải đồng ý.
Vào ngày diễn ra lễ cưới của Chúc Anh Đài và Mã Văn Tài, khi đoàn đón dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá, bỗng nhiên trời tối sầm lại, mưa to gió lớn nổi lên đã ngăn cản đoàn người đi tiếp. Chúc Anh Đài đã bước ra khỏi kiệu hoa và đến bên mộ Lương Sơn Bá thắp hương để bày tỏ lòng thành với người yêu đã khuất. Bỗng nhiên mộ Lương Sơn Bá bỗng mở ra và Chúc Anh Đài đi vào trong đó. Sau đó khi trời quanh mây tạnh, có một đôi bướm quấn quít bên nhau và cùng bay đi, người ta cho rằng đó là biểu tượng của đôi trai gái không bao giờ chia lìa.
Trải qua hàng nghìn năm, câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đẫm lệ này vẫn được người đời lưu truyền và trở thành câu chuyện tình yêu kinh điển trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa, có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới.
Cũng giống như chuyện tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, câu chuyện giữa Ngưu Lang và Chức Nữ cũng là một trong những truyền thuyết ca tụng tình yêu nổi tiếng ở Trung Quốc.
Truyện kể rằng Ngưu Lang sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền nam Trung Quốc. Cha mẹ chàng mất từ khi chàng còn rất trẻ nên lớn lên, cuộc đời chàng đã phải chịu nhiều khổ cực. Chàng sống cô độc và chăn bò để kiếm sống qua ngày. Bản tính chân thật, chịu thương chịu khó lại tốt bụng, nhưng vì nghèo, chàng không thể tìm được một người phụ nữ để kết hôn.
Trong khi đó, Chức Nữ là con gái út của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nàng là cô gái khéo léo trong việc dệt nên các mẫu vải đẹp đầy màu sắc.
Một ngày, khi đang chăn bò trên đồng cỏ, Ngưu Lang trông thấy chín tiên nữ hạ xuống bên bờ sông. Ngưu Lang nấp phía sau những cái cây và quan sát các nàng tiên nữ trút bỏ xiêm y, đùa giỡn với nhau vui vẻ dưới nước. Trước vẻ đẹp tuyệt trần của họ, chàng đã vô cùng sửng sốt và người đã thu hút sự chú ý đặc biệt của chàng chính là Chức Nữ.
Đang lúc ngẩn ngơ vì người đẹp, chàng được người "bạn đồng hành" của mình - chú bò chàng chăm sóc nhiều năm này, mách nước hãy giấu quần áo của Chức Nữ đi thì nàng sẽ không thể trở về được và chàng sẽ cưới được nàng. Đúng như dự đoán, khi các nàng tiên nữ kia dời đi, chỉ còn lại một mình Chức Nữ đứng chơ vơ không thể bay về trời vì không tìm thấy quần áo của mình đâu. Lúc đó, Ngưu Lang từ phía cái cây đi ra, trao trả cho Chức Nữ quần áo, nhưng nàng đã không thể về trời vì cơ hội đã trôi qua.
Ngưu Lang và Chức Nữ nhìn nhau qua dòng sông rộng mênh mông mà nước mắt ngập tràn (Ảnh: Internet)
Thấy Ngưu Lang là chàng trai tốt bụng, trước lời cầu hôn của chàng, Chức Nữ đã đồng ý lấy chàng làm chồng. Họ đã có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau, yêu thương, tôn trọng nhau và cùng nhau chăm chỉ làm việc. Nhờ đôi tay khéo léo của Chức Nữ, túp lều đơn sơ của hai vợ chồng đã trở thành căn nhà ấm cúng. Hai năm trôi qua, hai vợ chồng sinh được hai đứa bé, một gái một trai.
Nhưng trớ trêu thay, hai năm dưới mặt đất chỉ là một chốc trên thiên đàng. Ngay khi những nàng tiên nữ trở về thiên đàng, Ngọc Hoàng nhìn thấy Chức Nữ đã ở lại cưới một chàng trai nghèo, ông đã nổi giận và ra lệnh dẫn một đội thiên binh xuống bắt nàng trở về.
Dưới hạ giới, khi bầu trời tối đen và gió bắt đầu gào thét cũng là lúc Chức Nữ bị bắt mang đi. Bất ngờ vì vợ bị bắt đi, ngay lập tức Ngưu Lang đã trở nên liều lĩnh. Chàng cho hai đứa con vào thúng và gánh lên vai và chạy theo níu kéo vợ. Khi thấy mình đã gần đến được chỗ vợ cũng là lúc chàng và các con đã có mặt ở thiên đàng. Khoảnh khắc đó, Vương Mẫu đã quẳng chiếc trâm cài đầu bằng vàng xuống trước mặt Ngưu Lang. Cái trâm đã trở thành một dòng sông bất tận chia cắt Ngưu Lang và Chức Nữ. Dòng sông này sau đó được gọi là dải Ngân Hà.
Ngưu Lang và Chức Nữ nhìn nhau qua dòng sông rộng mênh mông mà nước mắt ngập tràn. Cảm động trước tình yêu vĩ đại của họ, những con quạ đã tạo thành một cây cầu bằng thân thể của chúng để bắc qua con sông. Chứng kiến tình yêu sâu sắc của Chức Nữ và Ngưu Lang, Ngọc Hoàng cũng cho phép họ được gặp nhau một lần mỗi năm, vào buổi tối của cuộc chia ly bắt buộc của họ, ngày mùng 7 tháng 7.
Câu chuyện tình đẹp và xúc động này đã được lưu truyền qua nhiều đời sau và trở thành đề tài cho nhiều sáng tác thi ca, nghệ thuật. Chức Nữ và Ngưu Lang cũng trở thành một biểu tượng của tình yêu tự do trong lịch sử Trung Quốc.
(Nguồn: Vietnamnet, Wikipedia, Người Đưa Tin, Báo Ảnh Đất Mũi, sachxua...)