Bị thoái hôn sau khi bị “phanh phui” lý lịch… hay… những đám cưới “chui”

Vẫn chưa thoát ra được nỗi ám ảnh từ cuộc hôn nhân sắp thành bỗng dưng đổ vỡ, nét mặt Hoài chưa hết u uất và đau khổ. Hoàn cảnh gia đình Hoài đặc biệt, bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi hai chị em Hoài. Bố mẹ chồng tương lai mới chỉ nghe đến đó đã tỏ ra cảm thông và khâm phục ý chí vươn lên của cô con dâu xinh xắn, lại đang là nhân viên tín dụng của một ngân hàng lớn. Hai bên thông gia gặp nhau bàn tính ngày giờ cưới xin đâu ra đấy rồi, bỗng dưng nhà chồng đổi ý. Chả là bố mẹ chồng tương lai của Hoài tình cờ chạm mặt bà thông gia cùng một người đàn ông từ nhà nghỉ đi ra, cất công tìm hiểu cặn kẽ lý lịch của nhà thông gia và đã nhất quyết huỷ bỏ đám cưới đã định trước. Theo ông bà, “giỏ nhà nào, thì quai nhà đó”, con gái mà có người mẹ như vậy chẳng lẽ lại không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nhà ông bà là gia đình gia giáo, không thể chịu được những điều tiếng xì xầm của thiên hạ. Bất lực trước sức ép quá lớn từ phía gia đình, người yêu đành ngậm ngùi chia tay Hoài trong nuối tiếc và nhiều day dứt.

Cùng chung hoàn cảnh với Hoài, phần lớn tuổi thơ của Lý là nỗi ám ảnh về cuộc sống bê tha của mẹ. Bố mẹ cô chia tay, bố đã lập gia đình, còn mẹ cô bấu víu vào những mối quan hệ không chính thức với nhiều loại đàn ông khác nhau. “Tiếng xấu đồn xa” khiến vị thế của Lý trở nên bấp bênh trong chuyện tình cảm, “cao không tới, thấp không thông”, dù bản thân cô là một cô gái tốt. Cuộc hôn nhân của Lý và Quyết không được sự đồng thuận của gia đình. Cuối cùng, vượt lên trên sự phản đối kịch liệt đó, họ tổ chức một đám cưới nhỏ, và giờ khi đã có một đứa con xinh xắn vừa tròn 2 tuổi, Lý vẫn ngày ngày mong chờ một sự chấp thuận, dù là “bất đắc dĩ” của bố mẹ chồng.
 

Nhẫn nhịn sống nép mình trong sự coi thường của nhà chồng

Có thể nói là Linh tốt số hơn Hoài khi đám cưới cô chờ đợi cũng đã diễn ra dù không trọn vẹn đúng nghĩa. Bởi đám cưới của cô vắng đi sự có mặt của mẹ đẻ. Mẹ cô có quan hệ với một người đàn ông đã có vợ, và lại đang mang trong mình đứa con ngoài giá thú của người đó. Sự vắng mặt của một bà mẹ vợ đang “bụng chửa vượt mặt” khó coi là điều đương nhiên để tránh người ta nhòm ngó, dị nghị. Linh chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong khi nghe người ta thắc mắc về sự vắng mặt của mẹ cô, còn bố mẹ chồng thì thở dài não nuột, buông vài câu khinh miệt: “Mẹ nó sắp đẻ đến nơi, làm sao lo chuyện đại sự cho con được. Đấy các vị xem, hoàn cảnh vậy, nhà mình phải gánh hết từ A đến Z, cũng vất vả lắm. Thương con trẻ, nên mình phải chịu, chứ cái ngữ nhà ấy… không duyệt nổi”.

Chẳng biết cuộc sống tương lai của Linh có dễ thở hơn không, nhưng với Nguyệt thì hôn nhân của cô thật ngộp thở, và áp lực vì sự coi khinh của nhà chồng. Từng câu, từng lời Nguyệt nói ra đều phải đắn đo, uốn lưỡi đến cả chục lần, vì sợ bị bắt bẻ. Mỗi lần làm trái ý bố mẹ chồng điều gì, là y như rằng Nguyệt sẽ bị đay nghiến là “con nhà ít được giáo dục”. Thậm chí, ông bà thẳng thừng không cho phép cháu nội qua lại với bà ngoại, vì sợ bị ảnh hưởng xấu.

Và nỗi lòng họ thổn thức lên tiếng…

Một lần thất bại trong tình trường, nhưng Hoài vẫn giữ cho mình một niềm tin tưởng mãnh liệt ở sức mạnh của tình yêu. Cô cho rằng: “Chẳng đứa con nào được quyền lựa chọn bố mẹ cho mình. Cuộc đời còn dài, cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mình tin là thế!”.

Nhưng với những người đang phải sống trong mớ bòng bong hậu quả do lịch sử để lại như Nguyệt thì không được lạc quan đến thế. Nguyệt tâm sự: “Mình rất muốn hận, rất muốn trách cứ mẹ, Càng trách nhà chồng bao nhiêu thì mình lại càng trách mẹ bấy nhiêu. Mẹ sống không ra gì, làm hại cả đời con. Giờ mình đã chai lì với bất kể sự chỉ trích nào, mình biết cam chịu và nín nhịn. Nhưng bài học cho mình là phải sống thật mẫu mực, để không lịch sử không lặp lại ở những đứa con mình nữa”.