Chia sẻ tình cảm, khó hòa hợp

Dũng và Linh lấy nhau được hơn nửa năm nhưng vì cả hai cùng công tác ngoài Hà Nội nên cũng ít có dịp gần gũi, tiếp xúc và hiểu hơn về nhà chồng. Công việc bộn bề cộng với nhịp sống tất bật đất Hà thành đã cuốn hai vợ chồng vào, khiến Linh cũng không có dịp để làm dâu và phụng dưỡng bố mẹ chồng, chỉ thỉnh thoảng gọi điện về nhà thăm hỏi sức khỏe của các cụ. Tết nhất thì cũng nghỉ có mấy ngày rồi lại đi, chồng Linh là kỹ sư công trình nên cũng chỉ nghỉ tranh thủ vài ngày trước Tết.
 
Mọi chuyện kể ra cũng yên ấm và mâu thuẫn chỉ thực sự phát sinh khi Linh bị ốm một trận thập tử nhất sinh vì bị suy nhược cơ thể và xuất huyết dạ dày. Dũng bận dự án dang dở nên cũng ít có điều kiện chăm sóc vợ. Thương vợ, Dũng đã quyết định đưa vợ về quê để tiện chăm sóc và với khí hậu trong lành ở quê thì bệnh tình cũng nhanh khỏi hơn. Mẹ đẻ Linh lại gần đó nên có gì cũng chạy qua đỡ đần con được.

Nhưng kể từ khi về ở với mẹ chồng, Linh mới có dịp hiểu được tâm tư, tình cảm và cả thái độ của mẹ chồng mà thời gian mới làm dâu chưa có cơ hội trải qua.
 

Mặc dù mẹ chồng vẫn chăm sóc mình rất chu đáo nhưng không hiểu vì lý do gì bà vẫn có những biểu hiện khó gần gũi với Linh. Nhìn thái độ không vừa lòng của mẹ chồng mỗi bữa lo cơm nước hay ăn uống cho mình và những câu nói mát mà Linh sợ hãi: “Con dâu gì mà sáng ngày ra không thấy dậy, mới vài tuổi đầu mà nay ốm mai đau...”.

Linh là cô gái nhẹ nhàng, đang dạy hợp đồng cho một trường cao đẳng và là cử nhân tâm lý học nên những lễ nghĩa cô điều hiểu hết. Không dám cãi lại nửa lời, chỉ nhẹ nhàng nói với mẹ những suy nghĩ của cô.

Nhiều đêm mất ngủ, Linh tâm sự với chồng thì anh động viên, “thôi kệ các cụ, bố mẹ thế nhưng không có ác tâm gì đâu”.

Từ ngày vợ về dưới quê, cuối tuần Dũng lại bắt xe về với vợ với mẹ. Nhưng mà những ngày đó, mẹ càng giận ra mặt khi thấy con trai cưng chăm sóc vợ từng tý một. Lắm hôm còn quát con trai là chỉ biết có vợ thôi, có thèm quan tâm đến bà già này nữa đâu. Thương vợ, thương mẹ anh chỉ biết vỗ về hai bên, mong sao yên ấm lại về.
 
Hơn 2 tháng trôi qua, sức khỏe của Linh cũng khá hơn và cũng phải lo hoàn tất luận văn cao học nên cô xin phép bố mẹ chồng ra Hà Nội. Trước khi đi mẹ chồng gọi điện cho con trai, nói rõ mồn một như cố ý để con dâu nghe rõ: “Con nhớ ăn uống đầy đủ, nếu nhà không nấu nướng thì con đi ra quán ăn nhé, con không phải hầu hạ ai đâu, thỉnh thoảng về thăm mẹ, có vợ rồi là không quan tâm gì tới mẹ nữa”.

Hiểu để yêu thương nhiều hơn

Theo bác sĩ, thạc sĩ Phan Bích Thủy, cố vấn cao cấp của tổ chức Foundatino: mẹ chồng và nàng dâu không phải dễ hòa hợp vì phần lớn khi con trai lấy vợ, người mẹ phải chia sẻ tình cảm bao nhiêu năm với một người phụ nữ khác nên khó chấp nhận ngay. Nếu các nàng dâu hiểu được tâm lý của mẹ thì hãy hiểu, thông cảm và yêu thương nhiều hơn. Đồng thời quan tâm đến tâm tư, tình cảm của mẹ. Trước khi lấy chồng hãy nghĩ, muốn người khác yêu mình thì mình hãy yêu quý mọi người.

Ngoài ra, vai trò của người con trai rất quan trọng trong việc xây đắp mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản đó là chuyện của hai phụ nữ, nên vô tư đứng ngoài cuộc, hoặc biết mà im lặng. Sai lầm nhất là nghiêng hẳn một bên: theo mẹ, hoặc theo vợ. Rõ ràng, trong gia đình, ngoài hai nhân vật chính là mẹ chồng, nàng dâu phải tự điều chỉnh những thiếu sót, thì khi xuất hiện mâu thuẫn, người con trai phải luôn đứng giữa. Anh phải đứng thật thẳng, làm chiếc gạch nối để hai người phụ nữ: một trẻ, một già hiểu nhau.