Làn da tai tái xù xì, cặp mắt thâm quầng, mái tóc vàng xơ xác. Suốt mấy ngày nay ả là đề tài nóng cho cả làng buôn chuyện. Từ quán bán thực phẩm đầu làng đến quán thịt chó lão Bảy ai cũng râm ran. Mấy gã đàn ông rượu ngà ngà thì hoa chân múa tay: “Chín phương làm đĩ còn một phương làm người, sướng thật”. Mấy mụ đàn bà thì tụm năm tụm ba thậm thà thậm thụt: “Loại ấy si đa đầy, dính vào là toi như chơi. Xài đã rồi trả về, khốn nạn thật!”.

Ả nghe thấy hết nhưng đành câm lặng cúi mặt. Ả thất thểu bước vào nhà nằm rủ xuống như tàu lá héo, mẹ hỏi gì cũng không nói, nhìn trân trân lên trần nhà. Tất cả hiện về rõ mồn một như cuốn phim quay chậm. Đúng là khốn nạn!

Khốn nạn cho cuộc đời ả. Ở cái làng quê nhỏ bé với những người đàn bà an phận, cự cãi chồng đã là khó chấp nhận huống gì ả dám cả gan bỏ chồng bỏ con theo trai. Số kiếp con người ả đúng là “lên voi xuống chó”.
 

Ả lấy chồng khi chưa đầy hai mươi tuổi, bố mẹ ả nghèo nên cả mấy chị em đứa giỏi lắm thì hết lớp mười còn đâu phải bỏ học kiếm sống, đứa phụ hồ, đứa vào miền Nam làm công nhân. Ả lấy chồng tưởng đã yên bề ai dè thằng chồng suốt ngày say xỉn, sau cơn say đánh vợ thừa sống thiếu chết. Nghề ngỗng không có, một mình ả phải xoay đủ thứ cũng không nuôi nổi thằng chồng nghiện ngập. “Đói ăn vụng túng làm liều”, ả hành nghề đạo chích, ăn trộm mủ cao su. Kiếm bẫm ra phết. Mà ả giỏi thật, mấy tay bảo vệ rình mò chặn đường đủ thứ mà đành chịu, cánh công nhân ai rủi thời bị ả đột nhập là ngày đó coi như nhịn đói, đành bấm bụng nộp cống vài bát mủ cho yên.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, ả bị cánh bảo vệ tháp tùng tay phó giám đốc bắt ngay tại trận. Nhìn ả thu lu run lẩy bẩy trong tấm áo mưa rách lỗ chỗ, tay phó giám đốc tha cho lại còn bo thêm trăm ngàn nữa với cam kết ả phải “bỏ nghề”. Ai ngờ đó là cuộc gặp định mênh, cuộc đời ả rẽ sang hướng khác.

Dưới con mắt một gian thương như gã thì ả chẳng khác gì một món hời. Phải công nhận ả đẹp, không còn ngây thơ nhưng không quá già. Dù lam lũ nhưng nước da ả vẫn trắng, cặp mắt to ươn ướt đa tình điểm xuyết đôi mày cong lá liễu, cơ thể phổng phao của gái một con khiến gã ngây ngất.

Ban đầu là những cuộc viếng thăm tình cờ với vài trăm nghìn mua sữa cho cháu, khi bộ quần áo mới, dần dà gã trở thành ân nhân. Thằng chồng ả khoái chí chỉ cần ăn ngon rượu say cóc cần biết đâu ra. Có bận gã đưa ả vào thị xã sắm sanh quần áo, đi ăn uống nhà hàng, đi Sài Gòn sửa sang sắc đẹp. Ả như quên hết. Công ty mở rộng sang Lào, tay phó giám đốc trở thành giám đốc, ả thành thư ký, kiêm cả nhân tình.
 

Một đêm mưa giông sấm chớp nhì nhằng, ả gửi con cho bà ngoại, theo gã đi mất tích. Chồng ả quen ăn nhậu giờ túng bấn phải làm thuê cho mụ chủ hiệu tạp hóa kiêm cho vay lãi nặng dưới thị trấn, sai gì làm nấy, công sá không là bao, chỉ cần cơm ba bữa rượu thoải mái là ổn. Đứa con được bốn tuổi, mụ bảo đưa về, chẳng phải thương yêu gì, có đứa nhỏ sai lau nhà nấu ăn khỏi phải thuê ô sin. Đùng một cái mụ vỡ nợ, nửa đêm cả mấy bà con dắt díu nhau vào Nam, ả mất con từ đó...

Nói chuyện ả bỏ nhà theo trai, xe đi qua cửa khẩu, gã phó giám đốc hiện nguyên hình là một tú ông. Gã bắt ả đi tiếp khách, thôi thì đủ loại Việt, Thái, Lào. Lũ đàn ông thối tha nốc rượu như uống nước rồi quần cho ả lên bờ xuống ruộng. Có lần ả bỏ trốn nhưng bị bắt lại, ăn trận đòn gần chết. Kiếp sau được làm người nhớ lại ả vẫn còn kinh.

Một tiếng sét đinh tai làm ả giật mình. Mưa trút xuống, hạt mưa quất sàn sạt vào ô cửa sổ. Ả khóc thật to. Ả tưởng tượng trong một cơn mưa như thế này, ở cánh rừng cao su nào đó, con bé con ả rách rưới đang nhặt nhạnh những váng mủ còn sót lại. Nghĩ đến đây thôi lòng ả quặn thắt, tiếng khóc to hơn. Ngoài kia sấm chớp nhì nhằng, mưa không biết bao giờ dứt.