ATM
Ảnh minh họa
 
Người vợ trẻ tên Như (Quận 10, TP HCM) chia sẻ thẳng thắn: “Mình lấy chồng nghèo, mình không có gì phải xấu hổ khi nói ra điều ấy, vì mình yêu chồng. Nhưng với nhà chồng thì đến giờ gần như hết chịu nổi”Như kể rằng, từ khi bắt đầu đi làm, được bao nhiêu tiền chồng cô đều gửi hết về quê lo cho bố mẹ và các em ăn học, không có xu tiết kiệm nào. Gia đình cô thì cũng thuộc diện có điều kiện nên toàn bộ chi phí cho đám cưới Như bỏ tiền tiết kiệm mấy năm đi làm của mình và xin thêm bố mẹ để lo hết.
 
Nhưng sau đó, khi bước vào cuộc sống hôn nhân cô mới té ngửa khi mọi chuyện thật quá sức tưởng tượng của mình. “Cưới xong, vì em trai chồng vẫn chưa học xong nên chồng vẫn chu cấp đều đặn cho cậu em. Lương của anh không nhiều cho nên chỉ đủ cho em trai và anh tiêu vặt. Vậy là mọi khoản chi tiêu trong nhà một tay mình gánh hết. Mình cũng vui vẻ vì nghĩ vợ chồng, anh em mà, đi đâu mà thiệt”, cô giãi bày.
 
Nhưng điều khiến Như băn khoăn là bố mẹ chồng cô biết con trai mình không đóng góp được xu nào cho gia đình nhỏ mà vẫn vòi vĩnh tiền vợ chồng Như như thường. Rất nhiều lần ông bà gọi điện lên hỏi tiền, khoản ít ít thì bảo xin, khoản nhiều thì bảo vay. Mấy lần đầu Như đều vui vẻ gửi cho ông bà, đều bảo là con biếu bố mẹ, bố mẹ không cần trả lại đâu. “Nhưng hình như họ thấy bở nên cứ đào mãi, sau đó ông bà suốt ngày than túng thiếu và mình phải đưa tiền thì mới yên ổn. Càng ngày ông bà càng lắm chiêu để moi tiền mình. Đám cưới, đám giỗ, ngày lễ ngày Tết, công nọ việc kia, đủ thứ hết, lúc nào cũng tiền và tiền…”, Như ngán ngẩm nói.
 
“Em trai chồng ngoài khoản tiền ăn học thì tiền mua máy tính, mua xe đi lại đều đến đòi vay bọn mình, mặc dù biết thừa anh trai cậu ta đâu có tiền. Mà cái vay ấy cũng làm gì có trả. Mình thoái thác thì cậu ta đến nhà mình ăn vạ không đi, kết hợp với bố mẹ chồng ở quê gọi điện lên nhì nhèo đến khi nào vay bằng được mới thôi. Quá đáng hơn là mẹ chồng còn bảo mình về vay bố mẹ đẻ giúp bà khi mình than không có. Mình lì mặt ra thì ông bà trực tiếp gọi cho bố mẹ mình hỏi vay tiền khiến mình không còn gì để nói”, Như bức xúc nói liền một hơi.
 
Không chỉ dừng lại ở bố mẹ chồng và em trai chồng cô mà đến họ hàng cô dì chú bác nhà chồng cũng gọi cho Như hỏi vay tiền: “Mình thực sự không hiểu họ đang nghĩ gì trong đầu nữa, nghĩ mình là tỷ phú chắc hay là cây ATM cho họ thoải mái rút tiền. Đối với họ hàng nhà chồng mình đều cự tuyệt vì nguyên một bố mẹ chồng đã khiến mình đứt hơi rồi. Mình bảo họ là mình dạo này làm ăn thất bát, nợ ngập đầu, bố mẹ mình cũng khó khăn lắm chẳng cho mình được cái gì. Có vẻ như họ đi loan tin với mẹ chồng mình, thế là bà tức tốc gọi lên cho chồng mình và mình đã vô tình nghe được. Từng câu từng chữ bà nói mình vẫn nhớ như in. Nguyên văn bà nói như thế này với con trai: “Sao đợt trước con bảo nhà nó khá lắm mà. Như thế mẹ mới đồng ý cho mày lấy, chứ nếu biết nghèo thế này mẹ không đời nào chấp nhận đâu. Mẹ dặn con bao nhiêu lần rồi, nhà mình đã nghèo thì phải lấy dâu giàu mới được nhờ vả chứ, dâu nghèo nữa có mà ăn cám hả con?”.
 
Chị Nhung (Quận 10, TP HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Như. Chị khổ sở bày tỏ: “Nhiều lúc nghĩ mình thấy chán nản với cả họ nhà chồng kinh khủng. Mỗi lần đến nhà ngoại chơi, bố mẹ mình lúc nào cũng hỏi có gì khó khăn không, có cần giúp đỡ gì không? Còn mỗi khi giáp mặt đằng nội là họ chỉ trực chờ cơ hội moi tiền, mình ốm đau cũng chẳng bao giờ hỏi thăm lấy một câu. Nói ra thì bảo mình nhỏ nhen, hẹp hòi ích kỷ”.

ATM
Ảnh minh họa
 
Chị Nhung kể, không giấu nổi nỗi bức xúc trong lòng: “Vợ chồng mình đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, tạo dựng từ 2 bàn tay trắng không mong nhờ vả gì 2 bên bố mẹ cả. Mình làm cho công ty nước ngoài nên lương cũng khá, chồng thì kém hơn. Vợ chồng mình thường gửi biếu bố mẹ chồng tiền và quà, và hình như chính vì thế mà ở quê mọi người đều tưởng bọn mình trên thành phố kiếm tiền như rác hay sao ấy”.
 
Chị bảo, chả thế mà hễ cứ có bất kì việc gì, nhỏ như mua cái vé tàu xe, đến lớn hơn như xây mộ các cụ đều gọi lên hò hét vợ chồng chị bao cấp. Nhà chồng chị có tận 4 anh em nhưng 3 người còn lại đều vô can, ông bà toàn nhè đầu vợ chồng anh chị mà gõ. Đã thế, mấy người anh em của chồng chị vẫn không biết điều, cũng học tập bố mẹ chồng moi tiền của vợ chồng chị. Động cần đến tiền họ lại gọi vợ chồng chị, từ tiền đóng học phí cho con, tiền cho các con đi thi đại học, tiền mua cho con máy tính, họ cũng đều gọi chị để xin hỗ trợ các cháu không ít thì nhiều. “Mà vấn đề là tất cả đều một đi không trở lại, thế mình mới ức chứ, nếu có vay có trả đàng hoàng thì mình tiếc gì đâu!” - chị trần tình.
 
Năm ngoái vợ chồng chị cố chắt bóp mua trả góp được căn chung cư nhỏ để gia đình ở cho đỡ khổ (phần lớn là phần đóng góp của chị). Nhưng cũng từ đó mà không biết bao nhiêu rắc rối và phiền phức kéo theo khiến chị điên tiết không chịu được.
 
“Các con anh chị em nhà chồng lên thành phố thi đại học rồi trọ học hay kiếm việc làm cũng đều đến nhờ vả vợ chồng mình. Có đứa ăn ở tại nhà mình cả nửa năm trời mà không một xu đóng góp. Họ cứ làm như mình giàu có lắm nên nuôi thêm một miệng ăn cũng chẳng thấm vào đâu vậy. Hay họ nghĩ mình phải có trách nhiệm lo cho con cái của họ không biết!"
 
Chị Nhung tiếp lời: "Khi mình bày tỏ sự không hài lòng thì tất cả họ đều nhảy dựng lên nói mình không ra gì, nào là giàu có mà keo kiệt bủn xỉn, đến con cháu trong nhà cũng chi li tính toán. Thế hóa ra họ coi mình là cái chum vàng và có có quyền móc à? Thật là ngán ngẩm khi suốt ngày phải là nhà tài trợ không hoàn lại và cái thẻ ATM cho họ hàng nhà chồng ngang nhiên rút tiền, thậm chí còn không lấy một thái độ biết ơn. Nói ra thì chồng bảo mình nên thông cảm cho họ, đừng tính toán nhỏ nhen quá vì nhà mình có điều kiện nhất” – chị ấm ức trút hết nỗi lòng.