Trần đời, Hồng, 26 tuổi (Đống Đa, HN) chưa thấy người bố chồng nào đáng ghét và "hãm" như bố chồng mình. Thật ra Hồng chẳng muốn mang chuyện nhà mình ra vạch áo cho người xem lưng. “Nhưng mình nhịn ông bố chồng điên rồ của mình đến phát rồ rồi. Chưa thấy ông bố chồng nào hãm tài như bố chồng mình”.
Bố chồng Hồng là cán bộ tổ chức của một đơn vị sự nghiệp nhà nước đã về hưu. Nhìn bên ngoài, ai cũng nghĩ ông là trí thức, nói đâu vào đấy. Nhưng ra bên ngoài là vậy, về nhà ông nói với vợ con những câu không chủ ngữ rất khó nghe.
“Mỗi lần nghe bố chồng nói, mình đều cảm thấy ức chế. Ông nói câu nào, thật sự mình chỉ muốn cho cái ghế vào mặt câu ấy vì thấy ngán ngẩm và khó chịu quá. Ở nhà chồng chưa đến một năm mà mình đã muốn phát điên với ông bố chồng của mình rồi”.
Phát rồ nhất là thỉnh thoảng vợ chồng vừa đi làm về, bố chồng Hồng đi uống rượu ở đâu về nhà. Khi ấy không lại mượn rượu chửi rủa cả nhà.
“Những lúc như vậy, là con dâu mình toàn nhẫn nhịn để yêu cửa yên nhà. Rồi những lúc ấy, ông cứ lải nhải suốt. Chưa kể lại bắt các con phải ngồi nghe vì lúc ấy ông toàn hỏi han các con này nọ. Mình mệt mỏi vô cùng vì ông cứ toàn nhè lúc ông say để mượn rượu chửi cho sướng miệng ông”.
Thậm chí có lần bố chồng Hồng say xỉn rồi bắt con dâu và con trai xuống nhà ngồi lắng nghe để ông trò chuyện. “Mình ngán ngẩm không chịu xuống nghe những lời vớ vẩn thì bố chồng tức giận đập phá đồ đạc. Chồng mình và cả mẹ chồng cứ năn nỉ mình xuống nhà nghe cùng cho qua chuyện. Thương chồng và mẹ, mình lại phải xuống để chịu cái màn tra tấn điếc lỗ tai suốt 3 tiếng liền của bố chồng”.
Hồng buồn chán nói: “Mình biết, không ai có quyền lựa chọn ba mẹ và anh em. Nhưng thật sự sống cùng người bố chồng tồi tàn và có thể nói “hãm” vậy, mình không thể chấp nhận và không tôn trọng ông được. Mình chỉ muốn sớm ra ở riêng mà chồng không cho. Nhiều lúc xấu hổ với bố chồng bao nhiêu thì thương mẹ chồng thương thân mình bấy nhiêu”.
Mỗi khi nhắc tới nhà chồng, Minh (Hai Bà Trưng, HN) thật sự không giấu nổi cảm giác ngán ngẩm với ông bố chồng vừa cục cằn và vô duyên của mình.
Gần 2 năm làm dâu, thật sự Minh cũng phải công nhận bố chồng Minh khá chăm chỉ, chịu khó. Nhưng cái đức tính đó của ông chẳng thể bù lấp cho cái tính cục súc suốt ngày chửi mắng mẹ chồng và con cái của ông (dù cả nhà chẳng ai làm gì cả).
Suốt ngày, bố chồng Minh chê con chê cháu của ông ngu dốt. Ông toàn khen con cháu, họ hàng rồi mang ra làm gương cho con cháu mình: “Mình nghe ghét kinh khủng ý. Suốt ngày ông gọi con cháu là lũ chúng mày. Rồi hết chuyện, ông bảo cuối tuần người ta vẫn đi làm suốt ngày đêm còn lũ chúng mày chỉ suốt ngày đi công viên với siêu thị. Trong khi vợ chồng mình đi làm cả tuần mới nghỉ 1 ngày chứ có phải chơi đâu”.
Rồi có lúc thấy vợ chồng Minh phải tăng ca kíp, làm đêm làm hôm thì bố chồng Minh lại được thể nói kiểu khác: “Lúc này thì ông kêu lũ chúng mình đi làm suốt ngày đêm, không để ý đến nhà cửa thế nào. Trong khi cơm nước, chợ búa, mình và mẹ chồng vẫn lo đủ. Thật không biết đằng nào mà lần. Cứ nhìn thấy mặt bố chồng là ghét kinh lên”.
Minh bức xúc nói: “Nhất nhất việc gì dù sai ông cũng không bao giờ nhận sai về mình. Những việc ông làm là nhất. Với ông, một thằng lo bằng kho thằng làm. Con cái, vợ con ông đều khinh thường và nhìn bằng một con mắt”.
Mỗi khi đi làm về, đối mặt với bố chồng, Hồng cũng ngán tận cổ (Ảnh minh họa)
Ngán ngẩm với tính cục cằn, gia trưởng của bố chồng chưa hết, Minh còn choáng váng với độ vô duyên không thể tả được của bố chồng mình. Vì luôn cho đây là nhà của mình nên bố chồng Minh nghĩ không cần phải ý tứ gì hết.
“Nhà chồng, ai cũng có phòng riêng nhưng khi vào phòng vợ chồng mình ông cứ xồng xộc lên. Chưa bao giờ ông biết gõ cửa hay đánh tiếng. Ông cứ tự ý mở cửa vào”.
Nhiều lần vì quá bực mình, Minh đã góp ý và mắng thẳng vào mặt bố chồng khá gay gắt. “Nhưng hình như nước đổ lá khoai, bố chồng mình cũng chẳng biết ý hơn. Thậm chí, càng sống gần mình càng thấy mức độ vô duyên của ông trầm trọng hơn. Mỗi khi đi làm về, đối mặt với bố chồng mà mình ngán tận cổ”.