Em lấy chồng đã được 3 năm, cũng có một cháu nhỏ. Bố mẹ anh ấy làm nông, còn nhà em ở thành phố. Chồng em tốt tính, yêu thương vợ con chồng em vẫn giữ nếp sinh hoạt như ở quê, quá xuề xoà, cẩu thả.

Nhiều lúc em không muốn ra đường cùng chồng vì anh ấy sẽ "đánh" một cái quần soóc cũ, áo phông cũ, đi dép lê. Đến tắm anh ấy cũng chỉ dội ào một cái như chim sẻ tắm mưa. Đánh răng, rửa chân buổi tối cũng phải giục.

Ăn cơm thì anh ấy thu cả hai chân lên ghế và húp soàn soạt. Đi ăn với bạn cùng anh ấy em rất xấu hổ nhưng em góp ý thì anh ấy văng cùi văng cục, vặn vẹo: "Em thích một người chồng mộc mạc, chân thành hay chỉ được cái mã ngoài mà phản bội, chơi bời, vợ chồng làm gì phải màu mè, mệt mỏi lắm".

Càng ngày, em càng cảm thấy khoảng cách giữa chúng em rộng hơn. Em thường lén nhìn hành động cẩu thả của chồng thở dài. Chẳng nhẽ em hết cách sao?

Trần Bích Vân (TP. Đà Nẵng)
 
 
Trả lời của chuyên gia tư vấn:

Không phải người quê nào cũng có tác phong suồng sã, nhưng có thể gia đình nhà chồng bạn đã không coi trong việc giáo dục con cái trong ứng xử, giao tiếp. Tác phong "thoải mái là trên hết" đã ngấm vào thói quen và quan niệm sống của anh ấy.

Anh ấy cho rằng gia đình là chỗ có thể tin tưởng hoàn toàn, thoải mái sống theo cách của mình mà không sợ chê cười. Anh ấy không hiểu được rằng ai cũng yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp, sự trang nhã, lịch lãm. Càng yêu nhau, người ta càng kỳ vọng ở nhau những điều tốt đẹp.

Yêu không phải một lần là mãi mãi. Sau đám cưới càng cần phải củng cố tình yêu, nếu không làm sao các bạn có thể chung sống với nhau trong hết quãng đời còn lại. Nhưng không ít người chồng, sau đám cưới, yên tâm rằng mình đã "nhốt" được người yêu vào cái lồng hôn nhân, tự cho phép mình sống buông thả, bộc lộ tất cả các thói xấu, khuyết điểm, vợ có góp ý lại chặc lưỡi: "Đã là vợ chồng làm sao phải khách sáo".

Họ không biết rằng, bằng những cư xử thiếu lịch sự và coi trọng cảm xúc của người khác (mà ở đây là vợ), người chồng ngày càng "mất điểm" "thấp đi" trong mắt vợ. Sự thất vọng, chán nản đó sẽ tạo những vết nứt để tình cảm khác ngoài vợ, ngoài chồng xen vào.

Nếu bạn không muốn gia đình rạn nứt thì có lẽ phải "chấn chỉnh" các thói xấu của chồng. Tuy nhiên, việc góp ý phải hết sức tế nhị nên bạn có thể lựa lời trò chuyện nhưng không nên chê bai gốc gác của chồng. Điều đó khiến anh ấy càng tự ái và bất cần hơn.

Bạn có thể khiến cho những cái áo cháo lòng, dép tông cũ của anh ấy "bỗng dưng" bị rách, hỏng, anh ấy sẽ phải mặc đồ bạn mua. Mắc đẹp, sánh vai vợ đi đến mọi nơi, được mọi người đánh giá về gu thẩm mỹ, anh ấy cũng sẽ thấy vui vẻ và 'quen" hơn. Nếu anh ấy có thay đổi, dù rất nhỏ, hãy tán dương và động viên hơn nữa. Mong rằng một người yêu vợ, thương con chắc chắn sẽ không bỏ qua nỗi niềm rất tế nhị này của vợ.