Chị Thúy An (Hải Phòng) đã ly hôn chồng được gần 3 năm nay. Chưa bao giờ chị nghĩ đó là một quyết định sai lầm. Chị sinh ra và lớn lên ở thành phố biển, gia đình chị thuộc tầng lớp trung lưu. Chị cũng như bao người con gái khác cũng mong mình sẽ tìm được bến đỗ hạnh phúc và "chuẩn" nhất. Thế nhưng chị nhận ra ước mong đó quá xa vời khi chung sống với nhà chồng.
Chị và anh Hữu Thắng (Xã Đàn, Hà Nội) yêu nhau từ khi còn là sinh viên. Ngày chị ra mắt gia đình anh, chị cứ lầm tưởng mẹ chồng thích vẻ dịu dàng, hiền thục, đảm đang của chị. Đằng sau sự ngon ngọt đó, bà đã ngấm ngầm ghét chị và chẳng cần lâu, ngay sau khi cưới, chị thấm thía hết mọi chuyện. Chị biết, bà rất yêu con, bà sợ rằng sự xuất hiện của một người phụ nữ mới sẽ “cướp trắng” tình yêu thương mà con trai bà đang dành cho mẹ.
Nhắc lại câu chuyện, giọng chị vẫn run rẩy, nghẹn ngào. Chị lấy chồng đã 7 năm trước, cuộc hôn nhân 4 năm với chị kéo dài trong sự đằng đẵng khổ đau, tủi nhục, không một ngày thấy yên ổn.
Chị nhớ như in ngày cưới – ngày trọng đại của đời chị. Chị tự nhận mình là cô dâu xấu xí nhất vì hôm đó chị chẳng thể nở một nụ cười nào trên gương mặt. Ngày cưới, gia đình hai bên tổ chức chung vui trong cùng một khuôn viên nhà hàng nhỏ.
Mỗi lần nói chuyện với mẹ chồng, chị thấy lạnh buốt khắp người (Ảnh minh họa).
Đang đón khách, chị tái mặt khi nghe thấy mẹ chồng đang ríu rít với bạn: “Tôi muốn tổ chức riêng cơ, làm chung với lũ chân đất mắt toét này khó chịu lắm. Làm hỏng cả dàn 'hàng xịn' nhà mình”. Nói rồi bà chỉ trỏ vào bố mẹ chị, khách nhà chị, bảo họ là “Xấu xí, thất học”.
Bàng hoàng, thất vọng, chị im lặng và cố gắng chịu đựng 2 tiếng tiếp theo. Chị biết, sứ mạng của nàng dâu mới rất quan trọng đó là hãy dang rộng cánh tay yêu thương gia đình chồng nhiều hơn. Chị cứ ngỡ chẳng có đối tượng nào lạnh lùng như gỗ đá nếu chị đã chủ động tấn công. Tự an ủi mình như vậy nhưng chị vẫn không tránh khỏi những cú sốc với mẹ chồng.
Ngày đầu tiên về làm dâu, chị đã được mẹ rót vào tai hàng loạt cái may mắn, diễm phúc khi chị lấy được con trai vàng ngọc của bà. “An sướng nhé, tự dưng được sở hữu cậu quý tử nhà này, con là con có phước lắm đó”; “Nó cao lồng lộng, đẹp trai, sau này mong là cháu mẹ sẽ giống bố nó chứ giống An hay họ nhà An thì chắc lùn tịt, xấu dáng, tổn thọ”…
Chị bị tổn thương ghê gớm nhưng chị vẫn cố gắng lấy lòng mẹ chồng hơn, cứ có dịp đi đâu chị lại mua cái này cái kia về nhà. Một lần, nhân dịp sinh nhật bà, chị tặng bà một áo khoác mỏng hàng hiệu và một phong bì nho nhỏ.
Chị cứ yên tâm rằng bà sẽ thích, vậy mà khi bóc quà, bóc phong bì, bà đùng đùng nổi giận: “Đúng là dân vô học mới chọn màu này cho tôi. Cô hỏi con tôi xem, màu lông chuột là màu không hợp mệnh với, tôi ghét nhất trên đời là con chuột cô biết không? Hay cô muốn biến mẹ chồng thành chuột?”; “Sinh nhật mẹ mà phong bì có 500 nghìn. Ky bo thế hả cô? Cô nghĩ công tôi nuôi thằng con vàng của tôi trong 28 năm qua đáng giá 500 nghìn à?”.
Nói rồi, bà trừng mắt vứt quà xuống đất.
Anh Thắng ra chiều không bằng lòng, mắng vợ: “Đã không có gu rồi, đã không biết gì rồi mà cứ tì tì làm một mình, chẳng hỏi ý kiến ai. Dốt!”.
Lần này, chị ái ngại và cũng nghĩ do mình láu táu, không chịu hỏi dò trước. Chị là một người nữ công gia chánh không đến nỗi nào, chưa nói là khá giỏi ấy vậy mà không cái gì chị làm khiến bà bằng lòng. Biết mẹ thích ăn cá, chị hay chế biến cá kho tẩm hành ớt, cá điêu hồng rán giòn rụm chấm mắm tỏi, vậy mà bà luôn chừa lại đồ ăn chị chế biến. Bà bảo: “Nhìn mâm cơm thô kệch, chẳng ngon mắt, cá chưa ăn đã thấy tanh lòm, kinh tởm”. Chị bưng bát cơm mà miệng đắng ngắt.
Khi yêu, anh Thắng luôn bảo chị là người nấu ăn ngon nhất, vậy mà trước câu nói của mẹ chồng, anh cũng im lặng. Tối đến, chị hỏi chuyện thì anh chỉ bảo: “Em chấp làm gì?”. Chị thất vọng về anh vô cùng, chị có chấp mẹ đâu nhưng sao anh không lên tiếng bênh vực chị, an ủi chị lấy một lời.
Ngày chị sinh con, mẹ chồng toàn kêu bận rộn việc này việc kia không giúp chị một tay. Những khi thấy con trai giúp vợ thì bà lại đon đả: “Thôi, Thắng giữ sức để còn làm việc, để mẹ chăm hai mẹ con nó cho”. Bà ra quyết định cách ly anh với mẹ con chị để anh đỡ bận rộn, chuyên tâm vào công việc.
Anh “cun cút” nghe theo, nhưng mẹ chồng chẳng ngày nào lên chăm con cùng chị. Cho con ăn, ru con ngủ, tắm cho con... một mình chị làm hết. Khi nào đói, chị ôm con xuống bếp nấu mì ăn.
Thấy sữa mẹ ngày càng ít, chị xót xa vô cùng. Chị chẳng có thời gian tự nấu cho mình cháo móng giò để có nhiều sữa như người khác.
Chị sinh con vào đợt lạnh nhất trong năm, cứ chờ đến khi cu Tũn ngủ, chị lại tranh thủ tắm nhanh. Nhưng cứ khi nào chị bật nước nóng, bà lại nhanh tay đóng cầu dao điện.
Khi Tũn được 1 tháng tuổi, chị xin bố mẹ chồng cho phép hai mẹ con về nhà mẹ đẻ ở một thời gian. Mẹ chồng mừng ra mặt bảo: “Ở luôn ở nhà mẹ đẻ cũng được. Nhưng đừng có hơi một tí là bắt chồng về chăm sóc đấy nhé. Cô để nó yên thân làm việc cho tôi nhờ”.
Anh tiễn vợ ra xe khách mà mẹ còn nói với theo: “Thắng ơi, nhanh rồi về mẹ nấu cơm chờ nhé”.
Về quê, Tũn không quen, cứ trở mình khóc suốt, được 3 tuần chị ôm con lên Hà Nội. Gọi điện cho anh không nghe máy, chị cứ chủ động về. Khi ra mở cửa, mẹ chồng sửng sốt: “Về sớm thế?”.
Thấy con dâu tay xách nách mang, tay bế cháu, bà không đỡ được gì còn hắng giọng: “Sao Thắng chưa nói với mẹ rằng con về nhỉ? Con phải thông báo với nó. Nó nói, mẹ sẽ để con vào nhà. Nhà này phải có phép tắc, không phải thích đi thì đi, về thì về”.
Cả sáng đó, chị tủi nhục ôm con đứng ngoài cổng nhà.
Hôm đó, anh về, biết sự việc, anh giận mẹ lắm. Anh trách thì mẹ khóc thét lên: “À, tôi nuôi anh đến từng này để anh nghe theo con vợ mất nết kia chống đối lại tôi đây”.
Cuộc sống gia đình chị cứ thế trôi qua và chẳng có ngày nào chị được yên thân với mẹ chồng quái ác. Bà luôn xì xèo, chia rẽ tình cảm anh chị. Bà còn kể với chị nghe về những mối tình cũ của anh, “chúng nó xinh đẹp thế nào, ngoan ngoãn ra sao”…
Rồi nhiều khi anh chị cãi nhau to chỉ vì mẹ chồng mách anh: “Con phải xem lại con vợ con, nhìn nó đĩ lắm, lúc nào cũng đầu mày cuối mắt khi ra chợ đấy”.
Khi con trai được 3,5 tuổi, anh chị cũng tích cóp được một khoản tiền và trước ước mong của chị, anh chị quyết định ra riêng. Vừa nghe thấy thông báo này, bà phản đối kịch liệt, chửi chị là “Mất dạy, đĩ điếm, ăn cắp tình cảm của gia đình nhà chồng”.
Chị khóc như mưa như gió khi anh quyết định ở lại với mẹ. Như giọt nước tràn ly, chị quyết định ly hôn với anh. Sau này khi đã ly hôn, chị vẫn khẳng định: “Mình chưa bao giờ mong muốn sẽ có ngày phải đơn thân nuôi con. Tất cả đều là sự cố bất đắc dĩ. Đơn thân vất vả khổ cực trăm bề nhưng nếu bảo quay trở lại và sống cuộc sống bên người mẹ chồng quái ác đó, chắc mình không thể chịu được”.