Đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, nhiều cặp vợ chồng già vẫn bộc lộ tình cảm say đắm, sôi nổi với nhau chẳng kém gì lúc đang tuổi đôi mươi.
Lên lão vẫn còn ghen
Ông Hào và bà Tân (phố Hàng Trống, Hà Nội) đều đã 78 tuổi, sống cùng nhau vừa tròn 50 năm. Có 6 người con nhưng họ không ở chung với con nào, vì không muốn phiền con cháu, nhưng như thế vừa tiện cho con cháu và cái chính là muốn có không gian riêng tư giành cho nhau. Bà bảo đến lúc nào cả hai không tự lo được nữa mới nhờ đến con cháu, còn giờ ông bà vẫn thích tự chăm sóc cho nhau hơn. Hằng ngày họ cùng nhau đi dạo quanh hồ Gươm, luôn nắm tay thật chặt chẳng khác nào đôi trẻ đang tuổi hẹn hò.
Mặc dù đã có cháu nội vào đại học nhưng ông bà vẫn xưng hô “anh- em” rất ngọt ngào. Nhiều lúc cao hứng, ông còn gọi bà là “búp”, là “nõn” của ông. Ông còn trêu bà trước mặt đám con cháu mỗi khi chúng đến thăm: “Em xem có đẻ thêm được thằng cu hay cái cún nữa để vui nhà, chứ giờ chúng nó lớn hết rồi lại đâm ra thèm tiếng trẻ con khóc”. Nghe nói thế, bà liền véo ông một cái rõ đau.
Ngay từ hồi trẻ, ông Hào đã hay ghen mỗi khi thấy bà Tân trò chuyện, cười nói với những người đàn ông khác. Đến giờ đều đã ở tuổi “gần đất xa trời” rồi mà ông vẫn giữ vợ khư khư không kém gì cái ngày bà còn là cô Tân hoa khôi trường huyện.
Tình yêu ở nhiều đôi vợ chồng già càng đậm đà theo năm tháng. Ảnh minh họa: Inmagine. |
Có lần ở Bờ Hồ, nhân lúc ông đi mua chai nước, bà ngồi trên ghế đá chờ thì một cụ ông khác đến bắt chuyện. Lúc quay lại, thấy bà Tân đang cười nói với ông lão kia, ông Hào nổi cơn ghen, chẳng nói chẳng rằng tiến đến nắm tay bà kéo đi thẳng. Bộ dạng giận dỗi, ghen tuông của ông lão gần 80 khiến bà thấy vừa ngượng lại vừa buồn cười. Bà Tân bảo: “Nhiều lúc ông ấy làm tôi phát ngượng với mọi người, già mõm ra rồi mà còn bày đặt ghen với chả tuông”. Nói vậy nhưng trong mắt bà Tân vẫn ánh lên niềm hạnh phúc viên mãn.
Đôi sam già
Ông Thêm và bà Bình (ở phố Phương Mai, Hà Nội) cũng là một cặp vợ chồng giữ được tình yêu “còn mãi với thời gian”.
Bà năm nay 75 tuổi, bị viêm khớp, gần một tháng nay bệnh phát cấp tính nên phải vào Bệnh viện Bạch Mai nằm điều trị. Ông Bình ngày đều đặn ba lần đưa cơm cho vợ. Con cháu thương quá đề nghị đi thay nhưng ông không đồng ý. Thậm chí ông còn đòi vào ngủ trong bệnh viện với bà buổi tối vì “nhớ bà ấy không ngủ được”. Đã quen có bà Bình bên cạnh nên những đêm xa vợ, ông cứ trở mình liên tục, hết đi vệ sinh lại lấy nước uống, chỉ mong trời nhanh sáng để vào viện nói chuyện với bà.
Trong viện, tâm trạng của bà Bình cũng chẳng khác gì ông. Chỉ cần vắng bóng chồng một lúc là bà lại gọi điện như thể đã xa lâu lắm rồi, nào là “ông đã về đến nhà chưa”, “ông đang làm gì”, “ông đã đi chợ chưa, hôm nay mua món gì”.... Những người nằm chung phòng bệnh đều rất ngưỡng mộ đôi Romeo - Juliet đầu bạc này bởi hằng ngày chứng kiến cảnh ông lật đật xách cặp lồng cháo vào, bón từng thìa cho vợ dù bà chỉ bị… đau chân. Những lúc vắng chồng, nếu bà không gọi điện thì cũng luôn miệng kể với mọi người về “ông nhà tôi”...
Hôm trước, ông bận đi họp chi bộ, rồi họp hội cựu chiến binh mất cả ngày, tối mới vào được, thế là bà giận. Nhìn thấy chồng, bà quay ngoắt vào trong, mặc cho ông hỏi mấy cũng không thèm nói năng.
"Chuyện ấy” vẫn mặn nồng
Ông Nghiêm 76 tuổi và bà Tuệ 72 tuổi (Phong Châu, Phú Thọ) tuy là một cặp vợ chồng quê, chưa đi đâu ra khỏi lũy tre làng nhưng “thiên tình sử” của họ cũng lãng mạn, tình tứ chẳng kém gì trong phim.
Trước đây bố bà Tuệ là một người có chức sắc trong vùng, bà cũng nổi tiếng là một tiểu thư nhan sắc. Còn ông Nghiêm chỉ là con nhà nghèo từ Hải Dương lên vùng trung du quê bà làm ăn buôn bán. Duyên số cho họ gặp nhau để rồi bà dám cãi cha mẹ, từ chối nhiều đám môn đăng hộ đối để về làm vợ ông Nghiêm. Như bao cặp vợ chồng nông thôn khác, họ cũng quanh năm chân lấm tay bùn, chồng cày vợ cuốc để lo miếng ăn cho đàn con. Nhưng tình yêu dành cho nhau không vì thế mà giảm bớt, đến giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm mà vẫn nồng nàn như thủa đầu. Thậm chí cả về “chuyện ấy”, ông bà cũng vẫn có lúc còn "thăng hoa" được.
Cách đây vài năm, hai ông bà còn bị con cháu “bắt quả tang” giữa ban ngày. Lần ấy gia đình nàng dâu cả có việc nên cả nhà kéo nhau đi hết. Nhà chỉ còn hai ông bà. Trời nóng bức, ông nảy ra ý định ra quán đầu làng mua bia về cùng bà uống. Lâu lâu hai vợ chồng già mới có dịp “ở nhà một mình” nên vui miệng uống cạn hai chai bia. Bà say nằm tại bếp nên ông phải bế lên nhà trên. Rồi có lẽ nhờ men bia mà hai cụ tuổi thất thập bỗng nhiên “bốc hỏa” và thế là xảy ra một "trận mây mưa”. Khi vợ chồng anh con trai về đến nhà, ông bà vẫn “giữ nguyên hiện trường” ngủ say không biết gì. Ông Nghiêm không xấu hổ khi lũ con cháu bụm miệng cười, còn nói đùa: “Sao chúng mày lại về sớm thế làm hỏng cả ngày trăng mật của tao và mẹ mày”.
Có lần ông đang ngồi chơi với lũ cháu thì thấy bà vừa tắm xong, đi từ ngoài giếng vào, liền chỉ tay bảo: “Hoa hậu đang lên kìa”. Nhìn theo tay ông, lũ cháu cười ngất thấy bà đang cởi trần, hai “quả mướp” dài thượt buông thõng phía trước. Tuy đùa tếu vậy nhưng quả thật với ông Nghiêm, bà Tuệ vẫn là “hoa hậu” duy nhất. Ông nói: “Ngày xưa bà ấy là cô gái đẹp nhất làng, đến giờ bà ấy vẫn là bà già đẹp nhất mà tôi thấy”.
Lý do là vợ chồng đã sống chung với nhau một thời gian dài, mọi tính nết tốt xấu đều tường tận “chân tơ kẽ tóc” nên đến lúc này, có thể nói họ đúng là hai nửa gộp thành một. Một lý do nữa khiến cho các cặp vợ chồng càng về già càng không muốn rời xa nhau là họ sự cô đơn. Lúc còn trẻ, công việc bận rộn, con cái và nhiều lo toan khác đã chiếm hết thời gian của họ. Đến lúc già, các mối quan hệ bị hạn chế, hầu như chỉ còn người bạn đời là vẫn luôn kề cận bên cạnh lúc khỏe cũng như khi ốm yếu. Hai người gần như trở thành “nhu cầu” không thể thiếu của nhau về tinh thần. Chỉ cần một người vắng là người kia sẽ có cảm giác rất trống trải. Vì thế mà nhiều cặp vợ chồng già “dính” nhau như đôi sam, đi đâu cũng phải có cả ông cả bà.
Bà Bình tâm sự: “Vợ chồng tôi lúc còn trẻ thì mỗi người một việc, ông ấy đi công tác suốt cũng chẳng thấy làm sao. Giờ già rồi tự dưng lại thấy cần nhau, chỉ vắng ông ấy một ngày là tôi đã thấy nhớ rồi”. Chuyên gia Thu Hiền cho rằng, đó là diễn biến tâm lý hết sức bình thường của người già. Vì vậy, tốt nhất là nên tạo điệu kiện để hai cụ được tự chăm sóc cho nhau, còn con cháu có thể trợ giúp “vòng ngoài” nếu cần.