Gặp bạn già tới chơi, chị Hai xăng xái kéo ghế, phủi bụi, rót trà.

- Ngồi, ngồi chị Mười! Tôi đang trông có người tới để nhờ nối lại đường dây bị đứt đây.

- Ủa, đường dây nào bị đứt vậy chị Hai? Có ai ở nhà với chị không?

-  Thì đường dây liên lạc trong nhà này chớ có đường dây nào khác đâu. Sáng dậy mạnh ai nấy ra khỏi nhà. Hỏi gì cũng lắc đầu nguầy nguậy, câm như hến, giống như kỷ luật bảo mật đằng mình hồi chiến tranh...

Chị Hai với chị Mười là bạn già chí cốt, hai ông chồng rủ nhau đi “mua muối” (1) hồi thuở đánh giặc Pháp. Chị em trôi dạt theo thời cuộc từ cái “làng nho nhỏ ở ven sông” theo con cháu lên Sài Gòn. Hai chị đều xuất thân cô giáo làng nên nhìn đời không khó mà cũng không dễ. Tánh chị Mười biết vậy thấy vậy nhưng hay bỏ qua, còn tánh chị Hai, tuy giọng nói thầm thì hơi gió nhẹ, nhưng vừa dễ chịu lại vừa ray rứt. Hai người chơi với nhau từ hồi còn trẻ, tuy thân tình nhưng chị Mười cũng ý tứ nếp tẻ ngô khoai đâu ra đó, cũng không gò bó, cũng không bung thùa, để giữ bền một tình bạn thời giặc giã có nhau, đồng trang đồng lứa mà đời nay lần hồi thỏn mỏn hết trọi, khó chọn bạn mà chơi.
 

Hai bà già ngồi to nhỏ, nhổ tóc ngứa tới trưa trờ thì cháu gái chị Hai về. Con nhỏ bước vô như một luồng gió tạt, nó không chào bà mà dường như không thấy khách của bà? Chị Hai gọi với cháu gái: Hồi tối má cháu bị cảm, giựt gió rần rần, vậy mà má cháu sáng ra cũng đi làm hả cháu? Cháu chịu khó chạy ra chợ mua một nắm lá xông, chỗ sạp mấy bà bán thuốc nam.

Cô cháu gái nói vọng ra: cháu có biết gì đâu, cháu mắc học bài, cháu đâu có nghe má cháu nói gì đâu, sáng ra má cháu đi từ đời nào, cháu có thấy má cháu đau ốm gì đâu... mà má cháu bệnh đã có ba cháu lo, bà lo làm gì. Chiều cháu mắc sinh hoạt lớp, cháu đâu có rảnh mà mua lá xông...

Con nhỏ nói một hơi, chị Hai cười nhẫn nhịn, kiểu như hết thuốc chữa. Chị Hai nhét bọc bánh men vô tay chị Mười, tiễn bạn già về. Ngoài đường hầm hập mùi xăng dầu cát bụi, còn niềm nở pha thêm chút dịu dịu mùi bánh thơm thơm bột đậu xanh, mùi lá dứa, cốt dừa. Cái mùi gợi nhớ mùa Tết thời con gái - nơi ấy có “một làng nho nhỏ ở ven sông”.

...Chiều mát, chị Mười giũ chiếc võng đay, rồi cũng nằm ngó mong đong đưa kẽo kẹt ngoài hàng ba. Chị treo bọc bánh men trên đầu võng, đặng cơm chiều xong thì chia cho cả nhà ăn tráng miệng. Tuy nhiên, mùi bánh xôm xốp thơm thơm cắc cớ, khiến chị không an lòng tâm sự của chị Hai:

“Cái cây ở dưới đất mọc lên còn có gốc, có rễ, có nhánh có cành, có lá có hoa, huống hồ con người đâu phải bỗng dưng từ dưới đất nẻ chui lên. Con người sẵn có sợi dây máu mủ ruột thịt ràng buộc sự chăm sóc, yêu thương, gắn bó. Đằng này vợ chẳng biết chồng đi đâu, làm gì, đi về thất thường, con cái về tới nhà là đóng cửa phòng như nhốt dế trong hộp quẹt. Hỏi thăm con dâu thì thằng chồng nói má hơi đâu để ý chuyện hà rầm hà rì của vợ con, má lo ăn lo ngủ tốt là đỡ lo cho con cháu rồi. Còn cháu nội cháu ngoại của má, nó có thổi vô lỗ tai của má, má cũng không biết tình cảm và ý nghĩ nó đâu. Cha mẹ nó còn phớt lờ, chúng nó có thích nói chuyện với cha mẹ nó đâu!”.

...Reng...reng... Chị Mười vội chụp cái alô:

- Cháu gái của nội phải không? Ừ, sao? Bỏ quên di động trên xe taxi hả? Có người lượm được gọi cháu đến nhận lại hả? Ôi tốt quá! Người tốt còn nhiều mà cháu! Cháu có cảm ơn và chúc anh ta mọi sự tốt lành hả? Anh ta đi công việc từ Hà Nội vô Sài Gòn hả? Ừ, bà khỏe, hôm nay ngồi chơi mãi mà lưng không thấy đau. Ba cháu mới vừa về, mẹ cháu đang nấu cơm, ừ, chiều ăn cá ngác nấu canh chua, tép rang với thịt ba rọi. Chờ cháu về, cả nhà cùng ăn cơm. Ừ, sẽ bất ngờ, bà đãi cho cả nhà món bánh men đậu xanh tráng miệng. Nhớ đi đâu phải cẩn thận, đừng hấp ta hấp tấp. Ừ... Bay!

Đó là niềm vui mỗi chiều sắp bước sang ngày mới nghe điện thoại giọng cháu gái, không chuyện này cũng chuyện nọ, giọng của cháu bà trong trong ngòn ngọt như chè bột sắn nấu nha đam, như bà đang là cây kiểng đang xào héo vì cái nắng xiên khoai dưới mặt đường hắt lên, chờ nghe tiếng “alô, bay nội nhen” bỗng dần tươi trở lại.

Chị Mười vội chụp cái điện thoại bấm bấm bấm...

- Alô, chị Hai hả! Ủa, ai tới mà cười vui dữ vậy? Bộ có kỹ sư tới nối lại đường dây trong nhà bị đứt hả? Bữa nào tôi tới nghe chị Hai kể lại công cuộc nối lại đường dây tình cảm trong nhà chị Hai, nhen! (Và, bắt chước cháu gái, chị Mười cũng bái bai... Chị Hai nghe vui vui, ngộ ngộ...).
 
(1) Ý nói hy sinh.
 
Theo Phụ nữ