Vừa đến cổng cơ quan, anh Lâm bị bạn đồng nghiệp chặn lại, hớt hải: “Cho em vay tạm 200 nghìn. Có việc gấp quá”. Anh Lâm cười khẩy, thoăn thoắt mở ví nhưng lục qua lục lại, tổng tài sản của anh vẫn chỉ vẻn vẹn hai tờ 50 nghìn đồng…

Đang ngượng đỏ mặt với cô bạn thì di động của anh kêu “tít, tít”. Anh mở điện thoại và nhận được dòng nhắn nhủ của vợ: “Sáng em đi chợ nhưng cầm nhầm ví của anh. Tối về, em trả nhé”. Anh Lâm thừa biết, đây là kiểu “bóc lột” tinh vi của vợ, chứ không có sự nhầm lẫn nào cả. Đó cũng không phải lần đầu tiên, anh Lâm bị vợ đặt vào tình thế: “Tiền lấy trước, báo lại sau”.

Anh Lâm kể: “Tiền nước gõ cửa, cô ấy bảo: ‘Ôi, anh ơi, em không có tiền lẻ’. Nói xong, cô ấy chạy lên tìm ví chồng, lấy mớ tiền lẻ tổng cộng hơn 100 nghìn. Bà hàng gạo đòi nợ, cô ấy ngọt nhạt nịnh: ‘Anh trả luôn đi. Em đang dở tay, em sẽ đưa lại cho anh sau’… Cứ thế, dù nộp đủ tiền lương cho vợ nhưng tháng nào, tiền tiêu vặt của tôi cũng bị méo mó”.

Biết vợ “khéo moi”, anh Lâm luôn đề cao tinh thần cảnh giác. Tuy nhiên, nhiều tình huống, anh không thể “đỡ” nổi. Anh thì tự ví mình chẳng khác gì mồi cho cá đói.

Những dịp vợ chồng anh cùng cô con gái 2 tuổi đi siêu thị. Nếu con “mè nheo” đòi bánh kẹo, váy đẹp hay bộ đồ ăn cho búp bê là vợ anh đùn đẩy trách nhiệm sang cho chồng: “Con xin bố đi. Tiền của mẹ để mua sữa”. Thế là, anh động lòng thương con, lại móc ví sắm đồ. Ngay cả hộp sữa cho con, được vợ anh bỏ vào giỏ hàng siêu thị nhưng đến khi xếp hàng tính tiền, anh lại “mắc lừa” vợ bởi những lời đường mật: “Anh chịu khó thanh toán, hai mẹ con em ra ngoài trước”. Nói xong, vợ anh nhanh chân đi luôn mà không thèm để lại tiền cho chồng.

Lần khác, cả nhà đi công viên, con gái muốn chơi đu quay hay đi tàu điện thì thể nào cũng được mẹ dạy “chìa tay” xin tiền bố. Còn lúc ở nhà, muốn ăn kem hay snack thì: “Con đợi bố về, bố mua. Mẹ không có tiền đâu” – “giáo trình” dạy dỗ con gái của vợ anh. Cũng có khi, đèo con đi lớp mẫu giáo, đến giữa đường thì anh Lâm nhận được điện thoại khẩn cấp của vợ: “Anh ơi, hôm nay là hạn cuối đóng học phí cho con đấy”. Anh “méo mặt” nhăn nhó, còn lầm bầm trách vợ: “Không chịu nói sớm, nước đến chân mới nhảy”. Trách xong, anh mới ớ người, gật gù: "Lại bị vợ lừa rồi".
 



Anh Lâm thường xuyên được vợ khuyến khích: "Dạo này, em thấy bà nội hơi yếu đấy. Anh đi làm về thì rẽ qua cửa hàng, mua biếu mẹ lọ sâm. Chỗ anh gần hàng sâm còn gì" hoặc: "Cái máy giặt đời mới kia đẹp thật. Anh mua cho mẹ con em thì tốt biết mấy"... Thấy vợ tha thiết, anh đâu nỡ chối từ. Cũng may anh làm kinh doanh nên ngoài lương cứng, còn có đồng nọ - đồng kia. Mà nguyên nhân cũng do vợ anh biết không thể thâu tóm toàn bộ lương của chồng nên tìm cách “câu khéo”. Vì thế, không chỉ tiền tiêu vặt mà tiền trong tài khoản kinh doanh của anh cũng bị "lẹm" đi ít nhiều.

Nhiều lần, anh Lâm tìm cách đòi tiền của vợ nhưng chưa thành công. Vợ anh toàn giải thích: “Ôi trời, tiền của anh hay tiền của em thì cũng vì cái nhà này thôi”, anh thấy có lý nên thôi. Một lần, anh hơi tức, bảo: “Lương của anh nộp đủ rồi. Em khéo mà chi tiêu. Tiền khác còn để anh tiêu vặt và bàn chuyện làm ăn”… thì nàng cười cười: “Em biết rồi. Có vài lần nhỡ thì mới lấy tiền của anh chứ”. Sau đó, vợ anh chuyển sang chủ đề khác. Còn những lần “nhỡ”, phải cần tiền chồng vẫn không ngừng nở rộ.

Tâm lý sợ chồng có tiền rồi sinh hư

Là vợ, ai cũng muốn vẽ vòng kiểm soát chồng. Chồng đi đâu, làm gì, nói cười với ai và đặc biệt, tiêu tiền vào những việc gì là những thứ tò mò kinh điển của người vợ. Tâm lý phổ biến của vợ là muốn chồng mình khi ra ngoài, có càng ít tiền trong ví càng tốt. Thứ nhất là để chồng không tiêu hoang. Kế nữa là sợ chồng có tiền rồi mang “cho gái” hoặc lao vào con đường xấu…

Với những anh chồng “lương chỉ có thế” thì không đáng ngại. Chị em lo nhất là những anh giỏi kiếm tiền, khoản chính thì ít, khoản phụ thì nhiều, tiền đưa vợ chỉ là hạt cát, còn tiền nằm ngoài túi vợ thì như sa mạc… Thế nên, không ít phụ nữ rủ nhau cách “moi khéo” tiền chồng, để tài khoản riêng của chồng phải đổ vào của vợ (cũng là của chung). Anh nào khó tính, khi bị vợ “đẽo thêm”, thì tức tối hoặc phản ứng lỳ, không chịu chi tiêu, muốn vợ tính sao thì tính. Anh chồng nào “ngoan” thì nỗ lực trợ giúp vợ nhưng khó tránh khỏi những lúc bực dọc vì mở ví ra mà tiền thì hết.

“Moi khéo” tiền chồng không phải là chuyện xấu; thậm chí, đó còn là việc làm hay. Nó giúp người chồng có trách nhiệm hơn với gia đình khi được tham gia vào chi tiêu chung. Nó cũng giúp quỹ của vợ tăng thêm một khoản. Từ đó, chuyện tích lũy trong gia đình được cải thiện. Nhưng mâu thuẫn sẽ xảy đến nếu người chồng không tuân theo “kế sách” của vợ hoặc sau một thời gian, người chồng “tỉnh giấc”, không muốn để vợ “moi” nữa… Cách giải quyết xung đột lúc này đòi hỏi vợ chồng phải tâm lý, tôn trọng nhau và tránh nghi kỵ, muốn kiểm soát nhau gắt gao.
 
Theo Mẹ&bé