Bị “sàm sỡ” ngay trong nhà
Lấy chồng, chị Đặng Vương Phương Trâm, (ngụ Củ Chi, TP.HCM) theo về làm dâu nhà chồng, sống dưới một mái nhà với 8 người nữa, đều là anh, em ruột, dâu rể nhà chồng. Bất tiện, phiền phức, ra riêng thì không thể vì hai vợ chồng không đủ điều kiện kinh tế.
Nhưng đâu chỉ có nỗi mệt mỏi vì những va chạm lặt vặt giữa dâu với nhà chồng, giữa những cặp vợ chồng cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Một lần đang tắm, chị Trâm phát hiện mình bị "theo dõi". Cảm giác có người đang nhìn lén mình, chị khoác vội tấm khăn, mở cửa nhà tắm nhìn ra thì thấy bóng người đàn ông chạy vụt đi.
Sự thương tổn về mặt tinh thần, cảm thấy mình bị xúc phạm đến nhân phẩm, các nạn nhân có thể mắc các hội chứng suy nhược, đau đầu, mệt mỏi…
Chị bàng hoàng không nhìn rõ là anh kế hay anh hai của chồng. Nhưng từ đó, đi tắm chị đành cẩn thận nhìn trước ngó sau.
Chưa kể, nhà thì chật, phòng vợ chồng không có, chỉ có cái giường treo tấm rèm ngăn cách, thế mà các ông anh chồng cứ viện cớ này cớ nọ, ngang nhiên vén rèm hỏi han, mấy lần suýt bắt gặp chị thay đồ.
Nhiều lần, quán rèm lại thật chặt để không ai kéo được thì chị lại cảm giác như ai đang lén nhìn qua kẽ rèm… Chuyện gây mệt mỏi, ức chế, nhưng chưa có gì nghiêm trọng nên chị không dám kể với chồng.
Chị Lê Mỹ Ly, ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai thì phát khổ vì cậu em chồng. Có lần, đi làm về sớm, chị phát hiện ra cậu em mới lớn đang lục lọi, giấu giếm gì, cuối cùng hoá ra là... đồ lót của chị. Vì tế nhị và cũng sợ chồng phiền lòng nên chị không kể với chồng, thế nhưng chú em ngày càng quá đáng, tìm mọi cách để xáp vào chị, rồi những cử chỉ đụng chạm, vờ như vô tình làm chị rất tức giận.
Một lần, chú em chồng vờ như đi không thấy đường, vấp té để nhào vào ôm chị, chị Ly đã tức giận hất ra và chửi thẳng mặt, chuyện sàm sỡ mới bớt đi, hay nói đúng hơn là chuyển từ công khai sang... lén lút.
Anh chồng, em chồng còn dễ đối phó, chứ như chị Phan Thị Huyền (Thống Nhất, Đồng Nai) mới khổ. Bố chồng chị có cái tính rất quái ác là mỗi lần chị cho con bú, ông đều tìm cách quanh quẩn để... xem cho bằng được. Nhà chật, mà muốn cho con bú, chẳng lẽ cứ phải chờ ông bà đi vắng?
Chị nói thẳng với bố chồng thì ông thản nhiên trả lời: Bố xem con cho thằng bé bú có đúng cách không. Trẻ con mà không cho bú đúng cách thì sặc sữa, không đủ thì nó còi xương. Chị nghe đành chịu thua ông bố chồng...
Chuyện những nàng dâu phải khổ sở vì máu "ba lăm" của những người nhà chồng là không hiếm. Vì hoàn cảnh, họ phải chịu đựng mà không thể ra riêng, thế nhưng, liệu cách xử sự im lặng, đè nén có phải là giải pháp tốt nhất?
Khi uất ức dồn nén
Chị Lê Mỹ Ly ở Xuân Lộc, vì ngại đã không dám kể với chồng về những cư xử trái đạo lý của em chồng "yêu râu xanh" mà chị suýt phải hối hận vì điều này. Vào đêm chồng và mẹ chồng chị đi ăn cưới người bà con ở huyện khác chưa về kịp, chỉ còn chị và em chồng ở nhà.
Nửa đêm, em chồng nồng nặc mùi rượu xông vào buồng chị định "làm bậy". May mắn chị tông cửa chạy ra và kêu cứu hàng xóm được, nếu không, chuyện không hay có thể sẽ xảy ra.
Ngay sau đó, chồng chị Ly đã tống cổ đứa em trai đồi bại sang nhà chị gái ở. Anh vừa an ủi lại vừa trách vợ: Anh cũng có biết tính nó không đàng hoàng, nhưng nghĩ em là chị dâu nó thì nó cư xử đúng mực, ai ngờ... Sao những lần nó cư xử tệ em không kể với anh để anh trị ngay từ đầu thì làm gì có chuyện này xảy ra?
Còn chị Phương Trâm, sau một thời gian dài sống chung với sự sàm sỡ, rình mò của những ông anh chồng, chị nảy sinh cảm giác bất an, sợ hãi khi sống trong nhà chồng. Khi không có chồng ở nhà, chị làm gì cũng phải nhìn ngó, dáo dác, hễ có tiếng động nhẹ là thót tim, ăn mặc thì kín cổng cao tường đến mức quá đáng. Chỉ khi nào chồng về chị mới thấy cảm giác nhẹ nhõm và đôi chút thoải mái.
Một thời gian dài như vậy, chị mắc chứng rối loạn thần kinh nhẹ, sinh ra những ảo giác khó chịu và luôn trong trạng thái hồi hộp, căng thẳng. Cuối cùng, chị đành thổ lộ hết với chồng và xin chồng ra riêng kẻo chị không còn chịu đựng được nữa.
May mà chồng chị đã hiểu, chia sẻ và cùng chị chuyển ra ở trọ. Kể từ ngày ra riêng, không phải sống chung một mái nhà với các ông anh chồng “dê xồm”, chị thấy mình nhẹ cả người, vui vẻ hẳn, dù đời sống có khó khăn hơn vì phải gánh tiền nhà.
Hậu quả của việc bị sàm sỡ, quấy rối là không nhỏ, nhất là khi “thủ phạm” lại là người thân trong nhà. Bởi thế, giải pháp đầu tiên mà chị em nên lựa chọn, là chia sẻ, tâm sự hết với bạn đời để cùng nhau giải quyết, đừng để đến khi sự đã muộn, tâm lý rơi vào khủng hoảng thì hạnh phúc cũng mất theo.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi những hành vi quấy rối, sàm sỡ như trên lặp đi lặp lại, người phụ nữ sẽ từ trạng thái xấu hổ, bực mình, khó chịu chuyển sang sợ hãi, hoang mang, rơi vào khủng hoảng tinh thần và có những ám ảnh thường xuyên về "yêu râu xanh". Họ mất sự tự tin và lòng tin vào người khác.
Rồi dần dà sự mất thoải mái kèm sợ hãi sẽ tạo nên một yếu tố mới xen lẫn vào đời sống làm thay đổi tâm lý của họ. Sự chịu đựng, ấm ức, buồn tủi làm đầu óc họ bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm, bi quan, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng làm việc.
Sự thương tổn về mặt tinh thần, cảm thấy mình bị xúc phạm đến nhân phẩm, các nạn nhân có thể mắc các hội chứng suy nhược, đau đầu, mệt mỏi… Cộng thêm với sự im lặng, không phản ứng lại, thậm chí thỏa hiệp, để lại những ẩn ức không được giải tỏa nên những hội chứng trên càng thêm trầm trọng. Ngoài tác động đến tâm lý, việc bị quấy rối, sàm sỡ còn ảnh hưởng đến sức khỏe người bị hại. Những tác động tâm lý có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa, đau dạ dày, tăng huyết áp, rối loạn chức năng sinh lý, lãnh cảm ở phụ nữ.
Sốc với những bố chồng "dê xồm"