Tình yêu đẹp của Lan và Nam kéo dài suốt 4 năm đại học. Dự định khi ra trường, công việc ổn định sẽ làm đám cưới. Lan cũng đã về nhà Nam nhiều lần và được coi như dâu con trong nhà. Thế nhưng, trong một lần đi công tác xa, Nam bị tai nạn và bất ngờ ra đi. Cú sốc làm Lan suy sụp.

Cô khóc triền miên, thậm chí nhiều lần còn có ý định tự tử. Nơi Lan làm việc có Hòa, người vốn thích cô từ ngày mới vào làm. Nhưng vì lúc đó thấy Lan đã có người yêu, anh đành dấu kín tình cảm. Từ khi biết người yêu của Lan mất vì tai nạn, Hòa hay lui tới tâm sự, đi chơi cùng để giúp Lan khuây khỏa.

Dần dà, anh đã trở thành điểm tựa cho cô từ khi nào không biết. Dù rằng suốt mấy năm trôi qua Lan vẫn chưa thể quên hẳn được Nam, nhưng vì tuổi đã lớn, cô quyết định làm đám cưới với Hòa.

Sau tuần trăng mật, Lan xót xa nhận ra rằng mình quá nặng tình với người cũ. Trong lòng cô luôn đau nhói vì nhớ Nam. Hòa nhiều lần gặng hỏi nhưng vợ không chịu nói. Giận lên, có lúc anh gắt gỏng “cô lại nhớ tới tình yêu cũ à”. Câu nói của Hoà làm Lan bị tổn thương và nỗi đau về cái chết của Nam lại hiện về.
 

Thời gian trôi qua, dù Lan đã cố làm tròn trách nhiệm một người vợ, nấu nướng và chăm sóc chồng chu đáo, nhưng lâu lâu Hòa vẫn bắt gặp vợ lấy nhật ký ra đọc và buồn bã ngồi một mình khiến anh rất khó chịu. Đến ngày giỗ của Nam, Lan vẫn ra mộ thắp nhang. Hòa không nói thẳng rằng đang khó chịu về điều này mà mang những cơn ghen vào trong bữa ăn, giấc ngủ bằng những hành động chì chiết vợ một cách vô cớ.

Nhiều lần Lan cố gắng nhường nhịn và bồi đắp tình cảm giữa hai người nhưng vẫn không tránh được những trận cãi vã, to tiếng. Sự ghen tuông của Hoà ngày càng trầm trọng hơn. Anh liên tục say xỉn, đi sớm về khuya. Về đến nhà lại dùng những lời lẽ cáu gắt với vợ. Cuộc sống vợ chồng mỗi lúc một nặng nề và không lối thoát. Cuối cùng, Lan làm đơn ly hôn.

Gặp hoàn cảnh tương tự như Lan, Hiếu và Yến từng yêu nhau và đã tính đến chuyện cưới xin. Thế nhưng, hôm hai người đưa nhau về quê gởi thiệp thì bất ngờ gặp nạn. Hiếu bị thương nặng nhưng thoát chết, còn Yến thì mất ngay lúc đó. Cảnh người yêu chết ngay trước mắt mãi ám ảnh anh. Suốt mấy năm trời, Hiếu không thể mở lòng để yêu bất cứ cô gái nào, dù tuổi đã ngoài 30.

Ba mẹ nóng ruột vì thấy chuyện buồn cũng đã qua khá lâu mà con trai không chịu có bạn gái mới. Thêm nữa, anh lại là con trai độc nhất càng làm ông bà lo lắng. Sau nhiều lần nghe lời khuyên của bố mẹ, Hiếu đồng ý đi xem mắt một cô gái tên Hoa. Qua một thời gian tìm hiểu, anh và Hoa đã kết hôn.

Hoa ngoan ngoãn, trẻ, đẹp nhưng khổ nỗi rất ghen. Cứ có ai nhắc tới, hay tình cờ nghe chồng nhắc lại tên Yến là cô lên cơn giận, im lặng, không thèm nói gì và bỏ vào phòng không ăn uống.

Lâu lâu cô lại kiểm tra điện thoại của chồng. Mỗi lần thấy những lời yêu thương một thời của anh với Yến còn lưu giữ trong máy, cô lại hậm hực và cho rằng, như thế là chồng đã ngoại tình tư tưởng và không giành trọn tình cảm cho cô.

Có đêm, Hoa xô Hiếu ra khỏi phòng ngủ một cách vô cớ và ở trong phòng kể lể. Cô cho rằng mình đã phải chịu bao thiệt thòi khi lấy một người như anh. Cô kết tội anh lấy cô chỉ để có người thay thế hình bóng cũ chứ chẳng yêu thương gì, bằng chứng là anh vẫn giữ những lời nhắn tin yêu thương của người yêu đã khuất. Mặc cho Hiếu nhiều lần giải thích rằng giờ chỉ nghĩ đến mình cô, nhưng hãy cho anh một chút "tri ân" dành cho người đã khuất. Nhưng sự ghen tuông của Hoa vẫn không hề thuyên giảm.

Cuối cùng, không thể chịu được cảnh cãi vã như cơm bữa, Hiếu và Hoa dắt nhau ra tòa.

Theo ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn tổng đài 1088 TP HCM, những trường hợp như trên cần nhìn nhận từ hai khía cạnh. Trước hết, xét từ phía người đang còn nhớ nhung người đã chết. Có thể là do người này vô tình nghĩ rằng, thể hiện sự nhớ thương sâu sắc với người đã chết là muốn khẳng định với người đang sống rằng, em (hoặc anh) là một người rất chung thuỷ. Nhưng họ không biết chính điều này vô tình làm đối phương khó chịu, tổn thương, đồng thời bỏ quên nguyên tắc "trong trái tim chỉ được quyền có một người mà thôi".

Hoặc cũng có thể là do tình cảm của họ dành cho người đã khuất quá sâu đậm, không kiềm chế được nên biểu lộ ra ngoài khiến người kia cảm thấy buồn, hụt hẫng và có cảm giác mình chỉ là người thay thế.

Trường hợp này, bạn cần phải hiểu rằng, dù sao thì người kia cũng đã chết còn thực tại mình đang sống với người vợ hoặc chồng hiện hữu. Bạn phải có trách nhiệm yêu thương và không được quyền làm nửa kia buồn.

Muốn vậy, bạn vẫn có thể thực hiện lời hứa của mình với người đã khuất, vẫn có thể hương khói, tưởng nhớ… song bạn cần khéo léo hơn trước những cảm xúc của người chồng/vợ hiện tại.

"Chẳng hạn, bạn không nhất thiết phải đến thắp hương cho anh ấy đúng ngày nữa. Hãy đến trước một ngày chẳng hạn. Cũng không cần rùm beng để cho đối phương biết. Bạn cứ âm thầm làm một chốc lát, chỉ cần chừng ấy cũng quá đủ thể hiện tấm lòng thành của bạn. Đâu nhất thiết phải cả ngày, cả buổi khiến cho chồng hoặc vợ bạn cảm thấy không được tôn trọng", chuyên gia tư vấn.

Về khía cạnh người đang ghen, theo ông Sĩ, ghen là chất lửa để giữ tình yêu, nhưng ở mức độ vừa phải thì tốt, còn nếu đi quá giới hạn sẽ gây ra hậu quả ngược.

Nhiều người, vì ghen quá đáng, chỉ cần một hành động nhỏ của người kia, chẳng hạn có chút tưởng nhớ về người đã khuất cũng có thể nổi giận đùng đùng, ngăn cấm đối phương... Điều này là không nên. Vì làm như vậy, chính bạn đã khiến cho nửa kia cảm thấy mình thật nhỏ nhen, ích kỷ và càng ngày họ càng xa lánh bạn.

“Để vượt qua những trở ngại trên, vợ chồng cần phải có sự thông cảm, độ lượng và cần thiết thì nên chia sẻ thẳng thắn với nhau. Có thế mới vun đắp được hạnh phúc lâu bền”, ông Sĩ nói.
 
Theo Vnexpress