Giận đến mức không thèm nhìn mặt, giận đến mức có khách cũng nhấm nha nhấm nhẳn với nhau, giận đến mức… ra giêng còn giận.

 
Mà không giận sao được cơ chứ, việc nhà thì đăng đăng đê đê ra đó. Tthế mà anh, chiều cuối năm nào cũng nhậu ngoắc cần câu. Nào tiệc cơ quan, nào tiệc bạn bè, nào tiệc đối tác… Anh bảo không có cái nào cho qua được. Thế là hôm nào cũng vậy,cho đến tận 29,30 cứ 9,10 giờ tối mới về, người đầy mùi bia rượu, chân nam đá chân xiêu. Cho dù lúc ấy anh có cười giả lả đến bao nhiêu, xin lỗi bao nhiêu, cho dù bao nhiêu bài học của mẹ: “Lúc chồng xỉn, đừng có gây chiến, đợi nó tỉnh hãy nói”, “Giận thì giận, đừng để nó phải ra khỏi nhà”… tôi vẫn không thể nào đánh phấn đánh son lên cái bộ mắt bừng bừng sát khí của mình. Nào đi siêu thị, nào đi chọn hoa, nào sắm thêm bộ đồ mới, nào lễ Tết gia đình hai bên… Toàn những chuyện lớn, chưa kể chuyện mạng nhện giăng trong nhà, cửa kính bụi hàng lớp, bồn hoa xơ xác trong những ngày bận rộn cuối năm. Chẳng lẽ chỉ có mình tôi thui thủi chuẩn bị. Ai mà chịu được.
 

Lại còn… không giận sao cơ chứ, khi mà hỏi anh: "Mua gì cho bố anh, mẹ anh? Biếu ông bà bao nhiêu tiền? Chuẩn bị lì xì cho các cháu thế nào?", anh cứ: “Em muốn làm sao thì làm”. Ừ thì nhà anh tôi “muốn làm sao thì làm” cũng được. Vì tôi cũng đã biết nên làm sao. Nhưng bố mẹ tôi, tôi muốn tự anh ôm dưa hấu, tự anh bê giỏ quà, tự anh đưa tiền biếu bố mẹ, cho tôi nở mày nở mặt. Nhưng anh cũng gạt phắt: “Em cũng như anh mà, tiền bạc tính toán giao hết cho em rồi, lễ mễ làm gì”. Thế là chờ anh hết bữa này đến bữa khác để cùng về Tết bố mẹ, đến ngày hết, giờ tận trước Giao thừa, tôi mới lôi cổ được anh sang nhà bố mẹ mình. Mà chao ơi, lúc đó, anh cũng đã chẳng còn mấy tỉnh táo sau chầu nhậu cuối cùng ở công ty cùng với các sếp.Thế nên sang nhà bố mẹ, anh cũng chẳng ăn nói được câu nào cho ra hồn, thế là mẹ lại an ủi tôi: “Thôi, ba ngày Tết, không ai bắt lỗi ai đâu con ạ”. Nhưng tôi thì ấm ức lắm.

Sếp lớn, sếp nhỏ, bạn bè anh bạn bè tôi, người anh kêu biếu quà thì tôi không thích, người anh bảo biếu làm gì thì tôi ưa. Thế là cũng “ông chẳng bà chuộc” chẳng ra làm sao cả. Chuyện ấy cũng có thể cài nhau to được luôn.

Nhưng đó có vẻ còn là những chuyện lớn, ngay cả những chuyện nhỏ nhỏ, chúng tôi cũng có thể cãi nhau: Anh thích chưng hoa mai Tết, thích cây to đùng lên tới… nóc nhà. Anh bảo thế mới thể hiện năm cũ phong lưu, năm mới phát tài. Tôi thích phong lan vài chùm, nhẹ nhàng, tinh tế, thích bình hoa lys thơm ngào ngạt đầu năm để cả năm được thanh thản nhẹ nhàng. Anh thích mua bia chất đầy nhà, bạn bè đến dzô dzô cho khí thế, tôi chỉ thích vài chai vang đỏ đầu năm sóng sánh cho may mắn, đẹp mắt.

Hỏi anh mua gì ăn tì anh bảo "Tùy em". Hỏi anh đãi bao nhiêu khách khứa, anh bảo ai mà biết được. Thế là năm đầu mùng hai mùng ba, nhìn rau rác hư thối, đồ ăn ê hề phát ngán không ai đụng đũa, anh cằn nhằn tôi lãng phí, thế là mới mùng đã cãi nhau um nhà. Năm thứ hai, anh nói tôi: "Bộ anh không đưa tiền em hay sao mà đến hạt dưa đãi khách cũng thiếu". Đụng chạm chuyện tiền bạc là tự ái, thế là lại cãi nhau. Nói chung là sở thích, cách sống vợ chồng tôi nhiều lúc hoàn toàn trái ngược nhau nên ba ngày trước Tết trong nhà lúc nào cũng như sẵn sàng bùng nổ chiến tranh, năm ngày sau Tết, không khí âm u như sang đến chiến tranh lạnh.

Năm nay, rút kinh nghiệm, tôi tỉ tê bàn bạc với anh từ đầu tháng Chạp. Tôi phân công cho anh những công việc ...rất đàn ông, tôi đưa ra kế hoạch chi tiêu Tết kỹ lưỡng, mua gì, biếu ai, mừng tuổi cha mẹ hai bên, lì xì con cháu thế nào. Thậm chí, tôi còn tổng kết cho anh xem, sau Tết, vợ chồng mình để dành được bao nhiêu để lo chuyện đại sự tháng 5 này. Mà lạ, anh năm nay "ngoan" thế, nhận hết nhận hết, còn giành cả việc của tôi. Anh bảo tôi cứ nghỉ ngơi đi cho khỏe, anh… lớn rồi, anh tự lo được.

Anh xách giỏ đi chợ rồi, tôi mới ngồi xoa bụng thì thầm: “Nhờ con, ba mẹ mới lớn đó nghe con”.