Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Trần Văn Tuấn (SN 1953) và bà Lê Thị Thủy (SN 1958, ngụ thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Hai tâm hồn đồng cảm ấy cùng động viên nhau xây dựng một cuộc đời mới trên mảnh đất nghèo. Đúng là ông trời không phụ lòng người khi họ đã có một gia đình yên ấm với hạnh phúc giản đơn. Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Trần Văn Tuấn (SN 1953) và bà Lê Thị Thủy (SN 1958, ngụ thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Tình yêu sau song sắt  1
Vượt qua quá khứ, ông Tuấn và bà Thuỷ đến với nhau bằng tình yêu chân thành. Ảnh T.G.

Tìm thấy nhau trong những tháng ngày tội lỗi

Ông Trần Văn Tuấn quê gốc ở huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) là con thứ hai trong gia đình nghèo có bốn anh chị em. Mới 12 tuổi, ông phải hứng chịu bi kịch quá lớn, khi cả cha lẫn mẹ đột ngột qua đời. Để sống qua ngày, ông Tuấn và các em của mình phải dựa vào sự cưu mang của họ hàng, làng xóm. Về sau, khi cuộc sống nơi quê nghèo quá khó khăn, ông bắt đầu bỏ xứ tha hương khắp nơi.

Trong thời gian đó, ông cũng không nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu nơi, làm những nghề gì để tồn tại. Nhưng đoạn kết của cuộc mưu sinh tàn khốc đó, cuối cùng lại dẫn ông đến với những công việc bất chính, miễn sao kiếm được tiền bằng mọi giá. Tiền có được từ các việc làm ăn bất minh, ông theo bạn bè nướng tất cả vào rượu chè, cờ bạc và các cuộc tình một đêm chóng vánh. Sống triền miên trong chuỗi ngày tăm tối tưởng chừng không có lối thoát, nhưng ngã rẽ cuộc đời bắt đầu đến với đại ca giang hồ này, đúng thời điểm ông Tuấn… bị bắt đi cải tạo.

Đó là trong một buổi tối năm 1982, đám bạn rủ ông cùng đến con phố sầm uất nhất Đà thành thời bấy giờ để tìm "bướm đêm" "đổi gió". Không may cho ông khi cùng hôm đó, công an TP. Đà Nẵng mở chiến dịch truy quét các ổ chứa mại dâm. Ông và nhóm bạn bị bắt. Tại Cơ quan điều tra, sau khi được xác minh rõ lý lịch bất hảo, từng gây ra hàng loạt vụ trộm cắp trên địa bàn, ông đã bị đưa vào trại cải tạo.

Những ngày sám hối cuộc đời trong trại, ông Tuấn tình cờ gặp bà Lê Thị Thủy cũng là một phạm nhân đang phải cải tạo. Lần đầu nhìn thấy người phụ nữ có vẻ bề ngoài ưa nhìn, ông như bị hút hồn. Qua tìm hiểu, ông Tuấn biết, bà Thủy sinh ra trong một gia đình ở Hà Tĩnh, cũng từng có một tuổi thơ cơ cực. Bà đã phải bước ra xã hội tất tả mưu sinh lúc tuổi còn nhỏ.

Cái cách mà bà chọn để giúp cha mẹ nuôi các em là con đường buôn lậu hàng hóa dọc các tỉnh miền Trung. Những chuyến xe, chuyến tàu từ TP. Đà Nẵng ra Hà Tĩnh đều được người phụ nữ này tận dụng để vận chuyển hàng hóa "chui" để qua mặt cơ quan chức năng. Những loại hàng hóa mà bà Thủy buôn bán chỉ là những thứ đồ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Liên tiếp nhiều năm, bà Thủy đã thực hiện hàng loạt phi vụ trót lọt. Thế nhưng, bà không thể ngờ được, từ lâu, công an kinh tế đã đưa mình vào tầm ngắm. Bà Thủy bị bắt trong một chuyến vận chuyển hàng lậu từ Đà Nẵng về Hà Tĩnh.

Đó là quá khứ không mất tốt đẹp của hai mảnh đời mà giờ đây họ đã trở thành vợ chồng. Hiện nay, họ đang sống chung trong một căn nhà chẳng phải nhỏ ở huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, đối với hai con người một thời lầm lỗi, họ chỉ cần có vậy. 

Ở đây, lương tâm họ luôn được thanh thản, không phải sống trong tâm trạng bất an của những tháng ngày lầm lỗi của quá khứ. Khi chúng tôi hỏi chuyện ngày xưa hai người đến với nhau như thế nào, cả ông Tuấn và bà Thủy cười ngượng ngùng. Nhìn nhau âu yếm, họ kể lại chuyện tình cảm của mình bằng ánh mắt rực lửa như hồi mới yêu nhau.

Hạnh phúc giản đơn

Ông Tuấn năm nay đã 60 tuổi. Hơn 30 năm sinh sống ở mảnh đất Hòa Bắc đã giúp ông quên đi quá khứ lầm lỗi của mình. Ông Tuấn cười hiền hòa nhắc về những kỷ niệm của ông bà hồi mới quen nhau: "Hồi đầu, tôi thấy bà ấy dễ thương, nổi bật nhất trong nhóm lao động nữ. 

Mặc dù khi đó, bà rất khó tính nhưng vì yêu mến, nên tôi quyết định lân la làm quen. Thú thực lúc đó, không chỉ mình tôi mà rất nhiều anh em trong trại cũng có ý định với Thủy. Tôi còn nhớ từng lần tỏ tình bị vợ từ chối. Nhưng vốn là người gan lì, tôi quyết lấy cho bằng được Thủy làm vợ dù thế nào đi chăng nữa".

Tình yêu sau song sắt  2
  
Vậy là cứ mỗi lần cán bộ trại giam cho ra vườn rau lao động, ông Tuấn đều kiếm cớ để được làm gần người mình yêu mến. Ông chẳng khéo nói chuyện với phụ nữ, không giỏi nói những lời có cánh nhưng có việc gì nặng, ông đều ghé vai giúp nữ phạm nhân dễ thương. "Mưa dầm thấm đất", hai năm sau, vì cảm tấm chân tình ấy, bà Thủy đồng ý làm vợ ông Tuấn. 

Năm 1984, một đám cưới giản đơn được tổ chức ngay trong trại. Trong niềm hạnh phúc hân hoan, chính các cán bộ đã đứng ra tác thành cho hai người. Nói là đám cưới "cho oai" chứ thực ra đó chỉ là một bữa cơm bình thường mà họ gọi là cái lễ để tác hợp, để hai người chính thức trở thành vợ chồng.

Ngồi bên cạnh chồng, bà Thủy nhớ lại giây phút làm cô dâu của mình: "Ngày ấy vào trại cải tạo này toàn là những người có quá khứ lầm lạc. Thú thực, ngay cả trong những giấc mơ, tôi cũng chẳng dám nghĩ rằng mình sẽ có một gia đình khi đang sám hối cuộc đời sau song sắt nhà tù.

Thế nhưng ngày đó, ông Tuấn cứ bám sát và làm việc cũng như chia sẻ mọi chuyện nên tôi dần dà nảy sinh tình cảm. Những lần chồng ngỏ lời trước đó, tôi từ chối vì xem tình cảm của ông mãnh liệt đến đâu. Tôi sợ rằng trong trại chỉ vì thiếu thốn tình cảm, ông ấy mới ngỏ lời yêu mình. Sau đó, nhìn lại thấy mình cũng không còn trẻ và nhận ra rằng ông Tuấn là một người đàn ông tốt, tôi gật đầu đồng ý. Có lẽ, chính ông trời đã xe duyên cho tôi được gặp ông. Ngày làm đám cưới, tôi thực sự rất hạnh phúc nhưng cũng lo lắng sau này với quá khứ lầm lạc, vợ chồng mình sẽ làm gì để mưu sinh".

Một thời gian sau khi đám cưới được tổ chức, hai vợ chồng ông Tuấn được ra trại. Trước ngày về với cuộc đời tự do, các cán bộ đã giúp đỡ, nhờ chính quyền cấp cho ông bà một mảnh đất để dựng túp lều nhỏ ngay trong thôn Lộc Mỹ. Những bữa cơm đầu khi ra trại chỉ toàn là khoai với sắn. Vất vả là thế, nhưng hai vợ chồng luôn động viên nhau làm việc. 

Ông Tuấn là người có sức khỏe. Ai thuê làm bất cứ việc gì dù nặng nhọc, ông cũng gật đầu. Thời gian rảnh rỗi, không ai thuê mướn, ông lên núi đốn củi mang đi chợ bán. Bà Thủy cũng theo những người trong làng đi làm củi về bán đổi lấy đồ ăn. Những ngày mưa không có việc, vợ chồng ông bà phải ăn rau rừng chấm với nước muối pha loãng. Không ai nói ra, nhưng họ luôn lo lắng sẽ không chịu nổi cuộc sống khó khăn và quay lại với quá khứ đầy rẫy lỗi lầm.

Thế nhưng, ông Tuấn khẳng định: "Một lần lầm lỡ đã là không thể chấp nhận được. Tôi không muốn mình và vợ quay về con đường cũ". Đến nay, bà Thủy cũng thừa nhận rằng, thời điểm đó, khi cuộc sống quá khó khăn, bà cũng nghĩ đến chuyện bỏ đi. Thế nhưng, tận mắt chứng kiến sự nỗ lực của chồng, ý định đó lại biến mất hoàn toàn. Rồi thời gian trôi, những đứa con xinh xắn lần lượt chào đời. Bà chuyên tâm ở lại với ông, hai vợ chồng cùng các con xây dựng cuộc sống mới bằng những giọt mồ hôi và nước mắt.

Một kết thúc có hậu cho những nỗ lực làm lại cuộc đời bằng sức lao động chân chính. Ông Tuấn và bà Thủy đã có một gia đình thật hạnh phúc. Nó được làm nên bởi những điều giản dị. Hai người con gái lớn của họ đã có gia đình riêng. Hai người con trai nhỏ rất ngoan ngoãn và hiếu thảo. Đến nay, công việc lao động trong gia đình của ông bà đã được các con san sẻ bớt.