Cũng phải nói ngay rằng, tình cảm có tính “bão hòa”, tức là khi đến một ngưỡng nào đó, nó có thể chững lại, đi xuống, thậm chí cạn dần. Tình cảm vợ chồng cũng không bất biến. Ngày yêu nhau, cả hai đều cố bộc lộ cái tốt, cái đẹp trước mặt nhau, sau khi lấy nhau, đa số “không cần thiết” giữ “bộ mặt” ấy nữa. Có người “lộ nguyên hình” nhưng phần nhiều là “sống thực” với mình hơn. Vì vậy, có khi bị vỡ mộng nếu người trong cuộc không biết chấp nhận sự thật. Sau khi lấy nhau, áp lực cuộc sống, con cái, các ứng xử họ hàng… khiến người ta không còn nhiều thời gian và tâm trí để lãng mạn như ngày đầu nữa. Thành thử những cách biểu hiện mang tính hình thức, xã giao dần không còn. Tôi nghĩ, đa số các ông thấy đó là bình thường, nhưng nhiều bà vợ lại cho rằng mình không còn được thương yêu, chiều chuộng nữa.
Cũng cần đề cập đến những biểu hiện “say nắng”, thậm chí “lạc đường” của một số ông chồng. Tôi không bào chữa nhưng điều đó không nên đánh giá quá trầm trọng. Tâm lý tìm cái mới có cả đàn ông và phụ nữ, nhưng dường như bản năng trong mỗi người đàn ông vẫn còn khá mạnh nên nhu cầu chinh phục thường dễ bộc lộ. Tôi tin rằng với những người vợ yêu chồng và biết cách yêu chồng thì hãy tin rằng, sau cơn “say nắng”, anh ấy sẽ trở lại trạng thái bình thường; đừng nên thấy chồng “đang say” mà lại đẩy ra đường thì các anh dễ “lạc đường” lắm!
Vậy đó, đàn ông yêu vợ thâm trầm, kín đáo nhưng cũng mãnh liệt. “Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. Nắng cuối ngày tuy có vẻ nhợt nhạt, nhưng cũng rất chói chang. Hãy hiểu đúng và biết trân trọng nó!