Người phụ nữ này chính là bà mẹ 2 con xinh đẹp Phạm Thuỳ Trang, 29 tuổi. Hiện Trang đang sống cùng chồng và 2 con yêu của mình ở Tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hãy cùng trò chuyện với người phụ nữ này để biết tại sao chị lại lựa chọn cách: gác lại sự nghiệp để tập trung lo vun vén gia đình và chăm sóc con cái nhé!
Chào Trang, nghe một người bạn nói, nhà Trang là một gia đình mà ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ: vợ chồng hạnh phúc, chồng chiều vợ, 2 con đủ nếp đủ tẻ xinh xắn và kinh tế khá giả. Trang có thấy cuộc sống như vậy là quá ưu ái cho bạn không?
Chào chị, đúng là khi nhìn vào cuộc sống gia đình mình hiện tại mọi người sẽ nói mình là một người phụ nữ may mắn khi cuộc đời có phần hơi ưu ái nhiều như vậy.
Bản thân mình cũng tự nhận mình là người may mắn so với nhiều người khi có một gia đình mà chồng thương yêu vợ, con xinh xắn ngoan ngoãn, kinh tế tương đối ổn định.
Bà mẹ 2 con xinh đẹp Phạm Thuỳ Trang năm nay 29 tuổi
Tất nhiên, cuộc đời không cho ai quá nhiều và cũng không lấy hết của ai mọi thứ. Khi nhỏ, vì bố mình mất sớm, mình thiếu sự chăm sóc, che chở của bố nên thiệt thòi hơn so với các bạn cùng lứa. Bù lại giờ mình được bố mẹ chồng quý, chồng yêu chiều, gia đình đầm ấm hạnh phúc.
Để có được cuộc sống hiện tại, cả hai vợ chồng mình cũng phải cố gắng rất nhiều trong quá trình chung sống chứ không phải tự nhiên cuộc đời lại ưu ái cho mình như vậy.
Là một phụ nữ, từ khi chưa kết hôn đến khi chính thức làm vợ, làm mẹ, Trang thấy cuộc sống của mình có thay đổi nhiều không? Những thay đổi ấy là gì thế?
Trong suốt quá trình từ khi còn độc thân đến khi lấy chồng, sinh con cái mình thấy cuộc sống của mình cũng không thay đổi nhiều lắm. Vì từ trước đến giờ mình vốn là người sống hướng nội, thích cuộc sống gia đình ổn định.
Hơn nữa mọi việc đến với mình cũng rất từ từ, tự nhiên nên mình không bị bất ngờ, từ việc lấy chồng rồi sinh con. Có chăng sự thay đổi lớn nhất trong quá trình này là mình đang từ một người đi làm thành một bà nội trợ thôi.
Trước đây, nghe nói, bạn học Đại học Ngoại thương, rồi đi làm ở ngân hàng với mức lương hấp dẫn. Vậy tại sao sau khi sinh con xong, bạn lại chấp nhận nghỉ việc ở nhà chăm con cái và thu vén gia đình?
Với Trang, ban đầu nghỉ việc ngân hàng ở nhà chăm con chỉ là việc bất đắc dĩ nhưng sau đó, người phụ nữ này thấy việc hi sinh đó cũng xứng đáng
Đúng là lúc trước khi sinh con mình cũng có nhiều dự định và hoài bão cho sự nghiệp lắm. Nào là đi học cao học nước ngoài, học thêm một số chương trình để có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp... Thế rồi đến khi có con, mình cũng tạm gác lại những dự định đó sang một bên để dành thời gian chăm sóc con cái.
Ban đầu, nghỉ việc ngân hàng để ở nhà chăm con cũng là việc bất đắc dĩ bởi hồi đó con còn quá bé, nhà lại không có người giúp việc, 2 vợ chồng ở riêng nên không thể nhờ ông bà được.
Sau đó mình thấy việc hi sinh đó cho con cái và gia đình cũng xứng đáng vì con có được sự chăm sóc, dạy dỗ tốt nhất, gia đình mình có sự ổn định để anh xã yên tâm tập trung cho công việc.
Với nhiều phụ nữ, dù bận rộn con cái, gia đình nhưng họ vẫn kiên quyết không chịu nghỉ làm. Bởi họ cho đi làm không chỉ cho họ một công việc, mối quan hệ xã hội và quan trọng là “cái thế” của mình trong gia đình. Vậy ở nhà trông con, “kiêm làm ô sin”, bạn có suy nghĩ và gặp nhiều khó khăn không?
Thời gian đầu khi ở nhà chăm con mình không thấy có vấn đề gì. Nhưng một thời gian dài sau đó, có những lúc mình rơi vào khủng hoảng tâm lý khi bị ảnh hưởng bởi những lời nói không thiện ý của vài người xung quanh.
Thỉnh thoảng đi ra ngoài có ai hỏi mình làm gì, mình nói ở nhà nội trợ thì họ thường bảo “chồng nuôi”. Mình thường bị tự kỷ ám thị rằng họ đang cười khẩy mình là đứa ăn bám. Thế rồi về nhà mình lại buồn rầu, suy nghĩ.
Những lúc đó chồng lại an ủi động viên. Anh thường nói: “Người ngoài đường có nói gì thì mặc họ. Em chỉ cần biết là nếu không có công sức của em chăm lo cho bố con anh để anh yên tâm ra ngoài đi làm thì sao mình có gia đình hạnh phúc ngày hôm nay, con cái mình đâu được thông minh, khỏe mạnh, ngoan ngoãn như vậy. Mọi thứ anh làm ra đều có sự đóng góp một nửa là của em”.
Có lúc mình buồn và tâm sự với chồng: “Em thấy mình lạc hậu và kém cỏi, bạn bè em ai cũng có sự nghiệp đàng hoàng. Thế mà em thì suốt ngày chỉ biết tới sữa, bột, bỉm, cơm nước...”.
Lúc ấy chồng mình bảo: “Hạnh phúc của người phụ nữ là lấy chồng xong phải được làm vợ. Sự nghiệp cũng tốt, nhưng mỗi người có sở trường riêng, thành tựu vĩ đại nhất của em là xây cho bố con anh một tổ ấm”... Cũng may là mình luôn có chồng bên cạnh an ủi và tiếp thêm sức mạnh nên mình cũng thấy bớt khó khăn với việc ở nhà làm “ô sin”.
Hãy kể về một ngày hiện nay của bạn?
Hiện giờ mình cũng đã quen với cuộc sống ở nhà nên cũng không cảm thấy nhàm chán. Bên cạnh đó mình cũng biết tự chăm sóc cho bản thân nên mỗi ngày của mình trôi qua rất nhanh.
Thường thì mình thức dậy lúc 6 giờ sáng, dành 30 phút tập thể dục rồi chuẩn bị đồ ăn cho các con. Sau đó, chồng đưa con lớn đi học, mình đi chợ. Thỉnh thoảng anh lại rủ vợ đi làm cùng rồi đi ăn sáng với nhau hay hẹn hò ăn trưa bên ngoài để đổi gió, cũng là một cách để hâm nóng tình cảm vợ chồng.
Buổi chiều đón con về, tắm táp cho 2 con xong rồi cho chúng ăn uống. Sau đó cả nhà mới ăn cơm. Hôm nào anh xã về đúng giờ thì ăn sớm rồi đưa trẻ con đi chơi, đến thăm ông bà nội hoặc nếu có điều kiện là 2 vợ chồng trốn con đi xem phim.
Những hôm chồng phải tiếp khách thì buổi tối mình ở nhà chơi với các con vừa tranh thủ ngồi thêu thùa, đọc sách hay là lượt quần áo. Nói chung cũng là làm các công việc nhà nhưng mình may mắn có được một người chồng rất tâm lý nên mình không bị bù đầu trong bếp.
Giờ con cũng lớn nên mình có thể yên tâm cho con ở với người giúp việc để thỉnh thoảng ra ngoài gặp gỡ bạn bè hay dành cho mình một tuần một lần đến spa thư giãn.
Dù ở nhà chăm con, là hậu phương vững chắc cho chồng, nhưng cuộc sống của bà mẹ 2 con này không buồn tẻ và luôn tươi mới
Nhiều phụ nữ ở nhà chăm con thường thấy cô đơn và dễ bị xuống cấp trầm trọng về nhan sắc. Còn bạn thì ngược lại. Bạn vẫn đẹp, vẫn vi vu du lịch. Tại sao bạn lại làm được điều rất ít phụ nữ làm được thế?
Đúng là rất nhiều chị em khi ở nhà chăm con đều lơ là chăm sóc cho bản thân. Có lẽ một phần cũng phải thông cảm cho các mẹ vì không có thời gian dành cho mình nữa.
Cũng may là gia đình có điều kiện kinh tế và quan trọng hơn cả là mình có anh xã rất tâm lý, yêu chiều vợ. Biết vợ ở nhà mãi cũng buồn nên anh ấy luôn động viên mình ra ngoài gặp gỡ bạn bè, đi tập thể thao, đi làm đẹp.
Tranh thủ lúc rảnh thì lại đưa vợ con đi chơi, có ít thời gian thì đi chơi gần, về nhà ngoại. Nhiều thời gian thì đưa vợ con đi du lịch đây đó mở mang đầu óc. Thậm chí có những lúc anh ấy đi công tác xa cũng rủ mình đi cùng luôn làm nhiều người nhìn vào lại tưởng rằng mình là bồ nhí chứ không phải là vợ (cười).
Chính vì thế mà cuộc sống của mình luôn tươi mới như hồi mới yêu nhau chứ không hề buồn tẻ. Bên cạnh đó chồng mình cũng có óc thẩm mỹ khá tốt, rất nhiều quần áo của mình đều là do anh ấy mua mỗi lần đi ra nước ngoài công tác. Và điều quan trọng nhất là anh ấy luôn nói lúc nào trong mắt anh ấy, mình cũng đều đẹp, kể cả lúc bầu bí, lúc sồ sề mới sinh hay lúc ốm yếu.
Có thể chỉ là khéo nịnh vợ, nhưng điều đó giúp mình tự tin hơn. Và một phụ nữ tự tin thì sẽ đẹp và hấp dẫn hơn rất nhiều đúng không ạ?
Chấp nhận hy sinh sự nghiệp để ở nhà phục vụ chồng con, bạn đã bao giờ ân hận hay nuối tiếc về điều này. Bạn đã thấy mình được và mất gì khi đã quyết định như vậy?
Trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc không hiểu nhau dẫn đến tranh cãi vì các cụ chẳng bảo bát đũa còn có lúc xô nhau nữa là vợ chồng.
Gia đình mình cũng không nằm ngoài quy luật này. Những lúc cãi nhau mình cũng hay nghĩ ngợi linh tinh và có suy nghĩ hối hận về quyết định nghỉ làm ở nhà của mình, mặc dù chưa bao giờ chồng nói mình là kẻ ăn bám.
Thông thường, khi người ta buồn phiền sẽ hay cả nghĩ. Nhưng sau khi trời yên biển lặng thì mình lại chẳng mảy may nhớ đến điều đó nữa. Tương lai thì không biết sẽ thế nào nhưng hiện tại mình vẫn thỏa mãn với những gì đang có, tự cho mình được nhiều hơn là mất.
Có thể nhiều người sẽ nói mình đánh mất cơ hội trong sự nghiệp, nhưng gia đình và con cái mới là sự nghiệp chính của mình. Thời điểm hiện tại mình tương đối thành công trong sự nghiệp này. Với cá nhân mình thì thành công lớn nhất của người phụ nữ là xây dựng được một tổ ấm vững chắc.
Những lúc Trang mệt việc nhà thì có thể chơi thể thao. Hay thấy áp lực với việc dạy con thì rủ chồng đi trốn...
Với nhiều phụ nữ hiện nay, vì hoàn cảnh riêng họ cũng đang chấp nhận ở nhà chăm con. Đối với các bà mẹ này, thực sự thấy đó là một hy sinh lớn vì không được thoải mái về kinh tế, không được làm việc, gặp gỡ mọi người. Vậy, là người trong cuộc, bạn hãy chia sẻ cách để chị em ở nhà chăm con cảm thấy thoải mái hơn, vui vẻ hơn khi buộc phải ở trong hoàn cảnh ấy?
Mình chưa bao giờ coi nghỉ việc ở nhà chăm con là một sự hi sinh lớn lao cả. Thực ra, nếu cứ nghĩ việc đó là sự hi sinh quá lớn của bản thân thì sẽ làm mình cảm thấy khó chấp nhận nó.
Thay vào đó ta cứ nghĩ, giai đoạn con cái bé bỏng như này rất ngắn ngủi. Chẳng mấy chốc mà chúng lớn phổng lên. Tới lúc đó có muốn chăm bẵm chúng như bây giờ cũng khó vì bọn trẻ con có xu hướng càng lớn càng xa rời vòng tay bố mẹ mà.
Khi ở nhà chăm con mình, cũng học được nhiều điều từ con, tình cảm gắn bó hơn và mình được dạy dỗ con theo cách riêng. Lúc mới có bé đầu, còn nhiều thời gian vợ chồng mình thường xuyên cập nhật những chuyện hàng ngày của con và gia đình, theo dõi từng bước phát triển của con qua blog cá nhân để sau này con lớn có thể đọc lại và biết hồi nhỏ chúng đã từng như thế nào.
Quả thực nhiều khi đọc lại những điều này, chính mình còn không nhớ nổi con mình đã từng như vậy. Có ở nhà với con nhiều mới được chứng kiến những hành động, lời nói ngộ nghĩnh và đáng yêu của con. Những lúc đó mình thấy cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc vô cùng.
Nếu như đổi lại thời gian đó mình ra ngoài đi làm để con ở nhà với người giúp việc chắc mình sẽ ghen tị với người giúp việc lắm.
Gia đình hạnh phúc nhà Trang
Bí quyết để gạt bỏ được những khó chịu của bản thân cũng như lấy được sự cảm thông của chồng và mọi người nhà chồng, cho những mệt mỏi của các phụ nữ khi ở nhà chăm con?
Để mà gọi là bí quyết thì mình không có nhiều, có được bao nhiêu kinh nghiệm thì chia sẻ bấy nhiêu thôi.
Mình luôn cố gắng cân bằng tốt nhất quỹ thời gian để cuộc sống vui vẻ và nhiều màu sắc hơn. Ví như mệt việc nhà thì có thể chơi thể thao. Thấy áp lực với việc dạy con thì rủ chồng đi trốn... Khi tư tưởng và tâm lý thoải mái thì mình sẽ giải quết được mọi vấn đề một cách dễ dàng hơn.
Nhưng điều quan trọng nhất là khi mệt mỏi thì mình hãy tự đặt mình vào địa vị của chồng, hướng sự quan tâm vào “nỗi khổ” của chồng để cảm nhận việc xây dựng lên một ngôi nhà cũng khó khăn như xây tổ ấm vậy. Và như thế, cả 2 sẽ học được cách trân trọng nỗi vất vả cũng như biết quan tâm, thông cảm với nhau nhiều hơn.
Mình không quan trọng người khác nghĩ gì nhiều lắm bởi cuộc sống là của mình. Đâu thể sống chỉ để nghe người khác nói gì. Mình cứ cố gắng làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình thì mọi người sẽ công nhận sự đóng góp của mình vì nó thể hiện rõ ràng qua thành quả là một tổ ấm với những đứa con khỏe mạnh, vợ chồng yêu thương nhau.
Người phụ nữ này luôn cố gắng cân bằng tốt nhất quỹ thời gian để cuộc sống vui vẻ và nhiều màu sắc hơn
Mình rất tâm đắc với câu nói của Bill Cosby: “Tôi không biết chìa khóa của thành công. Nhưng tôi chắc chắn rằng chìa khóa của thất bại chính là cố gắng thỏa mãn tất cả mọi người”.
Đã bao giờ bạn nghĩ tới việc lo cho các con ổn thỏa rồi sẽ đi làm lại không? Lúc này với bản thân bạn, điều gì là quan trọng nhất?
Con cái giờ cũng cứng cáp rồi, mình đã thi tuyển vào một cơ quan Nhà nước để có thể tiếp tục đi làm, không bỏ phí những kiến thức đã được học và để làm mình luôn mới mẻ trong mắt mọi người, đặc biệt là anh xã.
Còn nếu hỏi mình điều gì là quan trọng nhất bây giờ, mình cho rằng khi tuổi còn trẻ, ai cũng cần có nhiều mục tiêu để phấn đấu, nhưng rồi đến khi đi hết nửa cuộc đời chỉ còn hai thứ đáng để khoe đó là sức khỏe và con cái. Như vậy, điều gì là quan trọng?
Cảm ơn Trang và chúc Trang luôn xinh đẹp, gia đình luôn hạnh phúc như bây giờ nhé!
Trò chuyện với người phụ nữ vượt qua sóng gió lớn trong hôn nhân