Đoxtoiepxki, nhà văn nga, tác giả bộ tiểu thuyết lớn "Tội ác và trừng phạt" nổi tiếng đã phát hiện cho nhân loại một tư tưởng nhân văn vĩ đại là "cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới". Cái đẹp là "mục đích cuối cùng của sinh tồn". Con người tiếp nhận cái đẹp một cách hoàn toàn vô điều kiện, ngưỡng mộ nghiêng mình trước nó chỉ vì nó là cái đẹp, trách sao nó có ích.
Chúng ta nói đến thiên nhiên đẹp, tác phẩm nghệ thuật đẹp nhưng cần phải thấy rằng tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất của thiên nhiên chính là đàn bà. Đàn bà dường như cũng nhận thức được sứ mệnh thiêng liêng của mình nên cứ cố gắng đẹp, đẹp bằng mọi giá, đẹp đến từng "xăng ti mét". Có người đưa ra giả thuyết rằng đàn bà cố gắng đẹp vì đàn ông thích đẹp. Tất nhiên là đàn ông thích đẹp, đàn ông vốn yêu bằng mắt. Đàn ông gặp đàn bà đẹp - trừ kẻ mù và đạo đức giả - ai cũng giương mắt nhìn. Người ta có câu: Anh hùng tự cổ giai hiếu sắc / Bất hiếu sắc giả phi anh hùng (tạm dịch là Anh hùng từ xưa đều thích đẹp / Người không thích đẹp không phải là anh hùng).
Rất ít khi thấy họ lựa chọn một người vợ vì cái lý do mà ngày nay người ta gọi là đẹp (kiểu vì một cái lúm đồng tiền mà cưới nguyên cả một cô gái). Ngày nay, khi đàn ông không được thỏa mãn ngày, đàn ông dễ rơi vào tâm trạng rầu rĩ trầm tư tự xét mình và thấy người mình yêu, người cự tuyệt mình thêm đẹp, thêm hấp dẫn bội phần.
Ở một góc độ khác, có thể thấy bất kỳ cái thỏa mãn thị dục, thỏa mãn mong muốn của đàn ông đều có thể được gọi là đẹp. Khi đàn ông đói, có đem Merylin monroe mặc áo tắm ra bày trước mắt đàn ông cũng ít thấy đẹp nhưng khi đem con gà hay khúc giò ra, đàn ông lại thấy đẹp long lanh. Khi đàn ông tâm sự rằng không thích người mẫu, nhiều đàn bà không tin còn cho rằng đó là đàn ông "con cáo và chùm nho", đàn ông không xơi được lên giọng chê bai rằng người mẫu còn xanh lắm.
Quả thật đàn ông vốn rất thực tế, đàn ông không hơi đâu thích một người mẫu xa vời chẳng làm được gì cho đời, đàn ông thích cô gái ở ngay bên cạnh. Có hẳn một thuật ngữ chuyên môn để chỉ cô gái nhà bên là "The girl next door".
Đôi khi đàn ông cảm nhận về cái đẹp theo bầy đàn. Có thể trong thâm tâm đàn ông không thích cô gái xương xẩu chân dài mà thích cô mũm mĩm chân ngắn. Nhưng vì mọi người coi chân dài là đẹp nên đàn ông cũng chấp nhận như thế và cặp kè với cô gái chân dài đôi khi để lấy số. Chuyện chân dài là đẹp hay không đẹp có thể viết thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bự, chỉ biết là chân dài hình như đại khái có mối liên hệ thần bí với những chuyện gì đó thần bí.
Cái đẹp trong mắt đàn ông đôi khi phải là cái gì đó hài hòa. Ví dụ chuẩn mực cái đẹp của đàn ông phải là "da trắng", môi đỏ, nước bọt ngọt" hay "mỏng mình, thơm thịt, ngọt nước xuýt". Nghĩa là đàn ông không chỉ quan tâm cả mùi vị thơm ngon bên trong và như mọi khi, đàn ông thường thích ngọt.
Đàn ông vốn ích kỷ, trong thâm tâm nhiều đàn ông cho rằng cái làm cho mình thích nhất là chính mình, chính mình là đẹp nhất nên đàn ông ra sức tô điểm cho chính mình. Những người đàn ông sơ khai khi nghĩ tới vẻ đẹp thì nghĩ tới vẻ đẹp của mình hơn là của đàn bà. Có lẽ thế nên thổ dân đực ở châu Úc gần như giữ độc quyền về đeo đồ trang sức để làm cho mình đẹp hơn.
Đàn ông hiện đại quan tâm đến đàn bà đẹp và cũng quan tâm đến vẻ đẹp của bản thân. Đàn ông tin rằng với ngoại hình dễ nhìn hơn, họ sẽ tự tin hơn, năng động hơn, có thể thành đạt hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên đàn ông không cần đẹp đến từng "xăng ti mét". Đàn ông chỉ cần đẹp từng mét một, không mét ở trên thì mét ở dưới.
Theo Mỹ thuật