Hôm hai vợ chồng anh chuẩn bị về quê vì mẹ anh ốm, thấy vợ chuẩn bị đồ ăn nước uống, thuốc men quà cáp rất cẩn thận, anh trách: “Ở quê thiếu gì mà phải khuân vác cả chợ thế này. Bỏ hết lại đi cho nhẹ” nhưng vợ anh nhanh nhảu: “Bố cho người đánh xe về thì anh lo gì khuân vác. Mà ở xứ khỉ ho cò gáy ấy thì cốc nước uống cũng lợn cợn, em mang vài thùng nước đóng chai về uống dần”. Nghe vợ nói thế, anh Linh dỗi: “Nhà tôi chỉ nghèo khó thế thôi” rồi anh nhất định bắt xe khách, chứ không chịu “hưởng” xe của bố vợ.
Biết vợ lỡ lời và đã xin lỗi nhưng “cục tự ái” trong anh nổi lên, anh Linh tuyên bố: “Không bao giờ đi nhờ xe của bố vợ”. Vợ thuyết phục: “Anh đừng mặc cảm mà làm khổ mình, khổ em. Bao giờ vợ chồng mình tích cóp đủ thì bứt ra riêng thôi. Bố mẹ cũng vì muốn con cháu sum vầy nên vợ chồng mình mới ở cùng” nhưng anh cũng nhất định không nghe. Anh Linh khăng khăng bảo thà lội bộ còn hơn.
Ở vào hoàn cảnh người vợ, Thoa (Hải Phòng) chỉ vì một lần lỡ lời với chồng mà suýt thì ly hôn. Thoa ở thành phố, bố mẹ kinh doanh bất động sản nên khi con gái kết hôn, hai cụ cho của hồi môn là một mảnh đất. Chồng Thoa tuy cùng ở một thành phố nhưng lại ở vùng nghèo. Vì thế, nhà cửa ra riêng đều trông cậy bên vợ.
Bán một nửa mảnh đất được số tiền khá, vợ chồng Thoa dùng để xây nhà trên mảnh đất còn lại. Hôm Thoa muốn dựng bể cá ở chân cầu thang nhưng chồng cô cho là không cần thiết, hai vợ chồng cãi nhau. Thoa gọi thợ đến làm, chồng Thoa đuổi đi. Bực mình, Thoa lớn tiếng: “Đất này của bố em, tiền xây cũng là của nhà em”. Chỉ nói thế, Thoa đã thấy chồng hầm hầm bỏ đi. Tối về, anh viết đơn đòi ly hôn. Biết lỗi, Thoa xin lỗi mãi, chồng cô mới chịu bỏ qua.
Tuy nhiên, từ đấy anh chẳng góp một lời về chuyện xây nhà cửa với vợ. Thoa hỏi chồng sơn nhà màu gì, anh dỗi: “Nhà của em, tiền của bố em mà”. Cứ thế, chồng Thoa đi làm thì thôi, hễ về nhà là im im hoặc vác xe đi chơi thể thao với bạn.
“Bây giờ mọi chuyện trong nhà toàn mình phải gánh vác. Chẳng biết chờ đến bao giờ chồng mình mới nguôi ngoai. Anh ấy bảo, lời nói của mình, anh ấy sẽ nhớ cho đến lúc chết” – Thoa kể.
Người đàn ông nào khi kết hôn cũng muốn làm trụ cột cho gia đình, là cơ sở vững chắc nhất là tài chính cho vợ. Do đó, nếu phải mang tiếng ở rể hoặc nương cậy nhà vợ thì họ sẽ nảy sinh tâm lý mặc cảm. Dù đã ở rể hoặc chấp nhận sự giúp đỡ của nhà vợ thì nhiều người chồng vẫn chưa thực sự thoải mái. Khi ấy, chỉ một câu nói lỡ lời từ vợ hay người xung quanh cũng khiến họ bị tổn thương sâu sắc.
Mâu thuẫn nhỏ ấy có thể làm rạn nứt tình cảm vợ chồng vốn đang tốt đẹp, khiến người chồng có cái nhìn ít thiện cảm hơn với vợ và nhà vợ. Người vợ cho rằng mình chỉ lỡ miệng hoặc trêu đùa, chứ không có ý coi khinh chồng nhưng người chồng lại không nghĩ vậy. Thuyết phục chồng không thành, nhiều người vợ lại cho rằng chồng mình để bụng, hẹp hòi, nhỏ nhen... không đáng mặt đàn ông. Và từ đó, nguy cơ rạn nứt càng cao hơn nếu hai bên không thực sự hiểu và thông cảm cho nhau.
Ở vào hoàn cảnh này, cần nhất là người chồng phải vượt qua được mặc cảm của chính mình. Có thể coi sự giúp đỡ từ nhà vợ là tạm thời, là gạch lát đường để bản thân vững bước. Cũng không nên quá nhạy cảm và suy diễn lung tung.
Còn bản thân người vợ nếu tâm lý thì sẽ tránh cho chồng mình khỏi mặc cảm. Người vợ tránh mang chuyện chồng ở rể làm trò đùa, không chế nhạo sự nghèo khó của nhà chồng, quê chồng, không kể lể với mọi người xung quanh về chuyện giàu có của nhà mình; luôn biết tôn trọng và khích lệ chồng vươn lên... Nên nhớ là một lời nói trong lúc nóng giận có thể làm tổn thương sâu sắc đến người bạn đời. Vì thế, hãy thận trọng khi phát ngôn nhất là khi nửa bên kia đang bị lép vế.