Cả họ nhà Tuyền ở quê ai cũng bảo số Tuyền may mắn, chẳng những lấy được người chồng yêu thương mà còn giàu có, nhà lại tận Thủ đô. Con gái trong họ ai cũng mang Tuyền ra mà so sánh, ao ước. Chẳng ai biết rằng, làm dâu nơi xứ người trong căn nhà sang trọng ấy Tuyền đã bao lần khóc thầm vì tủi hổ.

Cũng vì ngăn cản không thành mà ngày hai gia đình gặp gỡ, bà Miên – mẹ Hưng cứ nhấp nhổm chẳng dám ngồi xuống ghế nhà Tuyền vì sợ cái bẩn của ngôi nhà đặc chất nông dân, quê mùa. Mẹ Tuyền trông thấy, vội lấy cái khăn trắng tinh, lau cho bà thông gia ngồi. Nhìn cảnh tượng đó, Tuyền thấy bị xúc phạm ghê ghớm.

Thực ra bố mẹ Tuyền cũng chẳng phải thấy Hưng con giàu mà ham hố. Ông bà sinh con ra, cái ao ước lớn nhất là con mình được hạnh phúc. Nay thấy con được chàng trai hiền lành, tử tế yêu thương thì thôi cũng đành nhẫn nhục mà chiều lòng người ta cho con mình về đó dễ bề sinh sống. Ông bà đâu muốn lợi dụng giàu sang của con rể mà phải khom lưng, quỳ gối! Vì con gái, bố mẹ Tuyền đã phải nuốt tủi hờn vào trong. Nhưng bà Miên thì khác. Bà luôn nghĩ, một đứa con gái nhà quê, vớ được chồng giàu khác nào chuột sa chĩnh gạo. Có lạy lục cũng là chuyện thường, bà có quyền được “vênh” với nhà thông gia và cô con dâu nghèo kiết xác đó.
 

Thấy gia đình vợ thiếu thốn, trước ngày cưới, Hưng đưa cho Tuyền chút tiền sắm sửa đồ đạc, Tuyền từ chối nhưng Hưng một mực dúi tiền vào tay vợ: “Vợ chồng còn so đo, khách sáo làm gì”. Bà Miên không rõ ngọn ngành, biết chuyện, càng thấy cô con dâu đúng là cái gai: “Biết ngay mà, chưa gì đã giở trò đào mỏ”.

Những ngày đầu về làm dâu, một điều, hai điều bà gọi “chị”, xưng “tôi” mỗi. Dù Hưng có nói mãi bà vẫn không suy suyển. Hễ có chuyện gì, bà Miên cũng bắt đầu bằng câu: “Ôi dào, cái thói nhà quê thì lạ gì, đã hiểu biết kém lại toàn tham tiền”. Mỗi lần như vậy, Tuyển chỉ biết cúi mặt cố ngăn không cho nước mắt lăn xuống. Mọi việc trong nhà bà Miên có ý như dò xét, chỉ sợ con dâu dấm dúi “lấy đồ nhà này gửi về cho ông bà già ở quê”. Hàng xóm có khen con dâu tốt, ngoan ngoãn thì bà Miên chép miệng: “Nó về nhà tôi sướng, gào lên còn chẳng kịp. Thân nó sướng đã đành, giờ cả bố mẹ, anh chị em nhà nó cũng được nhờ. Còn nói được gì mà chả ngoan…”.

Từ ngày Tuyền đi lấy chồng tới nay đã hơn hai năm nhưng chưa bao giờ bố mẹ Tuyền dám tới thăm con. Phần vì thì đường xá xa xôi nhưng quan trọng hơn là vì ngại bà thông gia. Nấn ná mãi, cho tới khi Tuyền sinh con được đầy tháng, hai ông bà mới quyết định thăm con một chuyến. Thế nhưng vừa nghe con trai thông báo, bà Miên tỏ vẻ khó chịu ra mặt.
 

Đêm đó nằm, Tuyền đắn đo mãi, cô định điện thoại nhắc mẹ mình một chút về thói quen của gia đình để bố mẹ không vô tình làm họ phật ý. Nhưng cô lại sợ bố mẹ tủi thân, nghĩ con mình mới lên thành phố mà bố mẹ đến nó đã phải dặn dò tỉ mỉ, coi bố mẹ như người không biết gì nên cô lại thôi. Sáng hôm sau, bà Miên đánh rửa sạch sẽ hai đôi dép cũ rồi để ra cửa. Bà nói sợ bố mẹ Tuyền đi dép từ quê lên đầy bùn đất không lau nhà được.

Bố mẹ Tuyền khệ nệ mang lên từ quê một bao gạo nếp với hai con gà. Mẹ Tuyền đon đả: “Chẳng có gì làm quà, có chút gạo nếp ngon của nhà trồng được với hai con gà mái tơ, vợ chồng tôi mang lên biếu bà với hai cháu”. Bà Miên chẳng thèm ngó quà, mắt nhìn đi chỗ khác, nói lời ráo hoảnh: “Ông bà mang lên làm gì cho vất vả, trên này có thiếu gì đâu mà phải lặn lội mang vác. Thôi, ông bà ngồi chơi, tôi lên phòng có chút việc”.

Giờ chỉ còn có bố mẹ với Tuyền. Cô thực sự chỉ muốn gục đầu vào lòng mẹ mà khóc nức nở. Khóc vì thương thay cho cái số “may mắn” được làm dâu cửa nhà giàu. Cô thương mình thì ít mà xót xa cho bố mẹ thì nhiều.
 

Buổi trưa hôm đó một bữa cơm thân mật diễn ra, Hưng hào hứng gắp hết món nọ món kia mời bố mẹ vợ. Bà Miên thì không ngớt lời giới thiệu: “Cái này là đặc sản đấy, ở quê chắc không có đâu nhỉ, ông bà ăn cho biết”. Miếng ăn nghẹn đắng trong cổ họng mà bố mẹ Tuyền vẫn phải gượng cười.

Lúc bố mẹ Tuyền ra về, Bà Miên ngó nghiêng như giám sát, bà chỉ sợ con dâu sẽ giấu giếm gì đó đưa cho bố mẹ. Tiễn mẹ ra tới cửa, Tuyền chỉ chực khóc. Bà nắm lấy tay con nói nhỏ: “Con ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe, sống cho phải đạo. Chẳng biết bao giờ bố mẹ mới lên thăm con được nữa. Gắng sống tốt, vì chồng vì con, con ạ”.

Bà quay vội đi sợ con nhìn thấy những giọt nước mắt. Nhìn dáng bố mẹ khuất dần sống mũi Tuyền cay cay và nơi đầu lưỡi chát đắng.