Tủi thân vì chồng cục tính
Mải xem tivi, làm tràn nồi cháo xuống bếp, Hòa bị chồng quát ầm ĩ. Chưa hết, chồng Hòa còn thẳng tay đổ toẹt nồi cháo xuống bồn rửa bát rồi ném xoong nồi loảng xoảng.
Chuyện chẳng có gì to tát nhưng cách hành xử của chồng khiến Hòa tủi thân, nước mắt ngắn dài. Chồng cô không an ủi, còn quát to hơn: “Khóc cái gì mà khóc” khiến Hòa càng buồn hơn. Hòa biết chồng mình nóng nảy nhưng thực ra rất thương vợ. Chồng Hòa chăm chỉ cùng vợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa đồ đạc trong nhà... Tuy không lãng mạn nhưng anh cũng không để vợ thiếu thứ gì. Tính Hòa vốn hiền lành, ngại to tiếng nên toàn nhịn cho xong. Nhưng những ấm ức trong lòng Hòa không dễ gì giải tỏa. Thà rằng cô phạm tội tày đình, có bị chồng mắng cũng không oan, đằng này những chuyện chẳng may sơ sẩy cũng phải nghe quát tháo. Hòa sợ nín nhịn mãi sẽ bị chồng coi thường. Tuy nhiên, Hòa vẫn chưa tìm ra cách nào trị chồng hiệu quả.
Còn Vân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ở nhà là con út quen được yêu chiều, nhẹ nhàng. Lấy phải chồng coi mình như "con ở" khiến Vân không ít lần mủi lòng. Trời nóng quá, Vân chưa kịp bật quạt là bị chồng mắng. Đi làm về muộn, chưa chuẩn bị cơm nước cho chồng, bị ăn mắng ngay. Thậm chí, gắp cho chồng miếng cá rán cũng bị mắng nốt... Hơi tức cái gì, chồng Vân cũng quát ầm lên. Thấy vợ khóc thì hỏi: “Sao? Có thế cũng khóc” như không phải mình gây ra lỗi.
Bù lại, những lúc khác thì chồng Vân rất thương vợ. Anh không chơi bời, nhậu nhẹt, đàn đúm. Lương lậu được bao nhiêu mỗi tháng đều đưa hết cho vợ. Hàng ngày đưa – đón vợ đi làm đều đặn bất kể hôm đó cơ quan anh được nghỉ. Chính vì thế mà khi bị chồng mắng, Vân thấy ghét chồng, chỉ muốn bỏ cho nhanh. Lúc bình thường, cô lại thấy chồng mình đáng yêu đến thế.
Sống với chồng "thương vợ nhưng hay mắng vợ"
Đợi lúc vui vẻ, người vợ hãy thủ thỉ với chồng về tính xấu này của anh ấy. Sau đó, để chồng phải hứa thay đổi thì dần dần người chồng cũng bớt cái tính này.
Hoặc giận dỗi một tý, giữ thái độ im lặng để qua cơn nóng, người chồng cũng biết mình quát nạt vợ hơi quá và chủ động làm lành. Bản tính tuy tốt, biết đúng – sai nhưng những người đàn ông kiểu này thường nóng nảy, khó kiềm chế, ăn nói bột phát khiến người vợ tủi thân, buồn phiền. Khi thấy thái độ giận dỗi của vợ, người chồng biết ăn năn và từ từ sẽ bớt nóng nảy hoặc tránh được những lời nói làm tổn thương người khác.
Tuy nhiên cũng có những anh không tinh ý, không biết phản ứng của mình khiến vợ giận. Trường hợp đó, kiểu giận dỗi của người vợ không làm giảm mà ngược lại, còn khiến xung đột nặng thêm. Lúc này, người vợ có thể viết email, nhắn tin hoặc tâm sự rằng, bị chồng nạt nộ như thế này, thế kia nên buồn chán và tủi thân. Người chồng sẽ hiểu được nguyên nhân, thông cảm được với vợ và dần dần điều chỉnh hành vi của mình.
Nếu đã là tính chồng thế thì không phải một sớm một chiều là thay đổi được. Vì thế, nhiều người vợ cho rằng, bí quyết để sống chung với những người chồng như thế này là phải biết dẹp bỏ tự ái cá nhân, biết nhu, biết cương đúng lúc. Biết lúc nào thì nên im lặng, lùi lại và lúc nào thì nên tranh đấu. Không để bụng, không chấp nhặt tính cách của người bạn đời. Chính cách ứng xử điềm đạm của người vợ sẽ cải tạo được chồng. Người chồng biết được cái sai của mình và từ đó, cố gắng bù đắp cho vợ.
Theo Me&be