Có tiếng gọi ơi ới từ ngoài cổng vọng vào, chị tất tả chạy ra mở. Hai vợ chồng cậu em mặt mày ủ ê, vừa trông thấy chị, cô em dâu đã sụt sùi đưa gấu áo lên chấm nước mắt. Chị vội vã kéo chúng vào nhà. Cô em dâu huých vào tay chồng, nháy mắt ra hiệu. Cậu em nhăn nhó: “Chị. Cái sạp hàng của vợ em thuê vỉa hè nhà người ta chính quyền không cho phép bán hàng nữa rồi. Cả nhà mấy miệng ăn, hai đứa còn học hành trông cả vào đó, giờ chưa biết tính thế nào. Em định hay là thuê ki ốt trong chợ cho nhà em làm ăn yên ổn, chị thấy thế nào?”
Chị đưa mắt nhìn vợ chồng em trai, thương xót: “Ừ, tính thế là phải, nhưng tiền nong thế nào, cậu mợ có được bao nhiêu mà đòi thuê ki ốt!”. Cô em dâu nhanh nhảu: “Là thế này chị ạ, vợ chồng em có tiết kiệm được tí chút, bên ngoại cũng cho vay thêm được một khoản không lấy lãi, em còn thiếu chừng mấy chục…, chị xem có giúp được chúng em, thì vợ chồng chúng em được nhờ” rồi lại nước mắt lưng tròng: “Chứ mà có cái nhà, vừa là chỗ nương thân, vừa là nơi thờ phụng ông bà bố mẹ, chúng em dù thiếu ăn thiếu mặc thế nào cũng không nỡ bán đi”. Chị thấy sống mũi mình cay cay, chị gật đầu: “Vậy cậu mợ khoan để chị tính, đừng có nghĩ đến bán nhà bán cửa. Rồi ngày giỗ, ngày Tết, thầy u biết là về đâu…”, rồi như sực nhớ ra điều gì: “À, thế đợt vừa rồi cậu mợ xây lại mộ thầy u xong cả rồi chứ, tiền chị đưa có thiếu không? Đấy, chị cũng còn bấn bíu chưa lên thăm mộ được”. Cậu em giật thột đưa mắt nhìn vợ, bị một cái véo đau nhói, vội gật đầu ậm ừ…
Câu nói thật lòng của Hiền khiến chị tủi thân tủi phận nghĩ đến mình. Cái thời cơ cực, chị vẫn có chồng ở bên. Để rồi khi cuộc sống đã xuôi chèo mát mái, chồng chị làm ăn khấm khá lại bồ bịch trai gái. Lòng tự trọng khiến chị không thể nhắm mắt cho qua. Sau khi lập gia đình cho hai đứa con, chị sống một mình trong ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể được cơ quan cũ phân cho. Hiền thở dài, ôm ngang vai chị, dỗ dành: “Thôi thôi, anh em kiến giả nhất phận, không ai lo mãi cho ai được. Chị là chị cả, chị muốn bao bọc các em là đúng. Nhưng em thấy cũng vừa vừa phai phải thôi, cho anh chị ấy còn biết lo chị ạ. Để em bàn bạc với nhà em đã, rồi có gì em báo lại với chị sau”.
Chị ngạc nhiên thấy mấy chiếc xe máy dựng gần kín khoảnh sân nhỏ trước nhà cậu em. Chị dựng chiếc xe đạp, lách người qua cánh cổng khép hờ tò mò bước vào. Chị đưa mắt nhìn vào trong thấy một đám đông cả đàn ông đàn bà xúm xít trên mấy chiếu tá lả. Chị bực bội toan bước vào, thì tiếng nói bên trong dội vào tai chị nhức nhối: “Thế cái vụ nợ nần lần trước bao giờ trả hết thế hả ông bà? Thấy bảo bà chị cho vay hả? Vợ chồng nhà này tài thật”, giọng cô em dâu hào hứng: “Sắp xong rồi, bà chị chồng hứa cho mấy chục để giải quyết phi vụ, tại hai vợ chồng diễn đạt quá, lại lôi chuyện bán đất đai ông bà ông vải để lại, đánh trúng điểm yếu của chị ấy nên mới thành công đấy. Ây dà, các ông các bà chơi bài thả lỏng tay cho tí chút, chứ mà nợ nần chồng chất không biết lần sau lại viện cớ gì để xin tiền nữa đâu, lần trước đã xin tiền xây mộ ông bà, chưa biết nói năng thế nào với bà chị đây”. Cậu em trai phì phèo thuốc lá, cất giọng “khê” đặc: “Ôi dào, đến đâu tính đến đó. Ít ra trong tay mình vẫn còn cái nhà. Cứ trông vào cái ban thờ này, bà chị cũng chả nỡ để mình đem ra bán chác. Tôi nói thế có phải không các ông?”.
Tiếng cười lại vang lên chát chúa, những quân bài được ném văng xuống chiếu như những nhát dao chém vào lòng chị đau đớn. Nuốt nước mắt và nỗi thất vọng ê chề, chị lặng lẽ ra về. Chiếc xe đạp lọc xọc nghiêng ngả, lắc lư trên đường phố, chị nhìn đâu cũng thấy những quân bài “rô, cơ, bích, tép”, lật ngửa lên trông giống như những mặt người đang cười cợt, phỉnh lừa…