Chiều đó, chuông điện thoại ở phòng tư vấn tâm lý đổ chuông réo rắt. Từ đầu dây bên kia, tiếng cô gái gấp gáp: “Các anh chị ơi, anh ấy đang đòi ly hôn. Em phải làm sao bây giờ?”.
Không cần giới thiệu, các chuyên gia cũng nhận ra đó là Thanh - một khách hàng đã từng đến văn phòng tư vấn tâm lý cách đây chưa lâu. Tuy nhiên, lúc trước, cô rất tự tin vì cho rằng, có cho tiền, Toản - chồng cô cũng không dám bỏ cô. Giờ thì cô chỉ một hai nhờ các chuyên gia “gỡ rối” để Toản nghĩ lại mà thay đổi quyết định.
Chuyện của cô thế này…
Cô từng là một hoa khôi trong trường đại học. Ngày đó, cô nổi tiếng về sự trẻ trung, duyên dáng. Quanh cô có rất nhiều người theo đổi. Toản là một trong số đó. Phải nói, Toản thuộc diện si mê cô. Nghe cô kể, có lần, Toản còn “dám” đứng trước cổng nhà cô suốt đêm chỉ để trở thành người đàn ông đầu tiên tặng hoa hồng khi cô sinh nhật 20 tuổi. Cảm động trước tấm chân tình của Toản, cuối cùng cô cũng nhận lời yêu anh với điều kiện, lấy nhau rồi thì anh phải ở lại thành phố cùng cô.
Toản vốn là trai tỉnh lẻ, sau khi anh đỗ đại học ở Hà Nội, gia đình muốn anh học xong thì trở về quê lập nghiệp. Anh dù gì cũng là con trai trưởng trong nhà. Bố mẹ anh đều đã già cả, không dựa vào anh thì vào ai. Nghe tin anh yêu con gái thành phố, thực tâm bố mẹ anh không mấy bằng lòng. Nhưng, vì yêu cô mà Toản bỏ qua tất cả. Anh chấp nhận làm trái ý gia đình. Cưới vợ xong, anh còn bỏ qua cả sĩ diện đàn ông, đồng ý về ở rể nhà vợ.
Có một người chồng si mê mình, cô tự tin lắm. Sự kiêu hãnh ấy cũng có cơ sở. Cô bảo, nếu so sánh thì anh còn kém cô nhiều. Anh xuất thân bần hàn, nhà cô lại khá giả. Hình thức anh cũng bình thường. Còn cô thì sang trọng, kiêu kỳ. Lấy được cô, anh nhìn chung là “ngư ông đắc lợi”.
Nhiều năm trời, Toản đã làm tròn vai người chồng đảm đang, thương vợ chiều con và người con rể hiền trong nhà vợ. Toản thật lắm, anh chỉ biết hàng ngày đi làm. Chiều đến là về thẳng nhà với vợ con. Chẳng mấy khi cô thấy anh làm trái ý nhà vợ. Vợ chồng có khúc mắc, thường thì Toản chủ động đứng ra làm lành trước, bất luận lỗi đến từ ai. Cô biết, Toản thực tâm yêu cô, coi cô như vật báu.
- Thế mà bây giờ, anh ấy lại thay đổi 180 độ. Anh ấy không còn sợ em nữa. Hôm rồi, anh ấy đã chủ động đưa đơn ly hôn cho em ký - qua điện thoại, giọng cô gái nức nở.
Lúc nào cô ấy cũng chỉ biết bo bo giữ chồng các anh chị ạ (Ảnh minh họa).
Để giúp cô cởi gỡ vấn đề, chuyên gia đã hẹn gặp Toản. Đúng như cô nói, Toản bề ngoài rất lành. Anh nói năng nhỏ nhẹ và biết điều. Hóa ra, trong Toản cũng chất chứa rất nhiều tâm sự. Anh kể:
- Em rất yêu vợ nhưng cô ấy dường như đang ỷ thế rồi sống ngày một quá đáng. Em cũng có quê quán gia đình, có bố mẹ, anh chị em… Thế mà chưa bao giờ, cô ấy coi họ là người thân của mình. Lúc nào cô ấy cũng chỉ biết bo bo giữ chồng các anh chị ạ.
Thì ra, cưới nhau mấy năm, lại đã có với nhau một mặt con, nhưng chưa bao giờ cô gái “chịu” về quê chồng. Cô lúc nào cũng dựa vào cái lý, ngày trước gia đình anh không chấp nhận em thì giờ em cũng… không chấp nhận họ. Bố mẹ chồng ốm, cô năm lần bảy lượt viện đủ lý do chỉ để… gọi điện về hỏi thăm suông. Em chồng lập gia đình, cô nói phải trông con nhỏ không về, để mặc Toản một mình tự mua vé đi một mình.
Tuy sống cùng nhà vợ nhưng Toản không thuộc diện ăn bám. Lương hàng tháng của anh cũng cao. Vốn thật thà, Toản chỉ biết kiếm được bao nhiêu là về đưa hết cho vợ, anh chẳng bao giờ có quỹ đen, quỹ đỏ trong nhà. Biết thế, cô tìm mọi cách phong tỏa tiền để chồng không thể có cơ hội giúp đỡ gia đình mình. Bố mẹ chồng sửa nhà, cô tính toán cô đâu có về đó ở nên… coi như không biết và cũng chẳng cần phải đóng góp gì. Cưới em gái, cô nhất quyết cũng chỉ “bỏ phong bì” để chồng mừng như người ngoài vì “nhà mình chỉ ăn một suất”. Toản buồn và cực chẳng đã phải vay mượn bạn bè thêm một khoản gọi là giúp em gái làm vốn. “Mình làm việc đúng mà cứ phải giấu giếm vì vợ không đồng tình, cực lắm anh ạ” - Toản tâm sự.
Từ ngày lấy cô, quan hệ của Toản với gia đình ngày một xa cách. Các anh em Toản - thi thoảng lên thành phố muốn qua nhà thăm anh cũng
chẳng dám vào vì ngại chị dâu nghĩ rằng họ “có việc nhờ vả”.
- Anh bảo, sống kiểu đó thì em còn thiết tha không? Người ta lấy vợ đẹp người thì phải đẹp cả nết. Đằng này, cô ấy chỉ đẹp mỗi người thì có ích gì. Giờ, bố mẹ em đã thực sự coi cô ấy là dâu con trong nhà. Nhưng, hình như, cô ấy thì chưa bao giờ nghĩ mình cũng là con dâu của bố mẹ. Cô ấy chỉ cần có em làm chồng là đủ. Trước, em yêu cô ấy nhiều bao nhiêu thì bây giờ, tình cảm ấy đang mất dần. Em sợ nếu không ly hôn với cô ấy, có ngày, em không còn quê để trở về.
Chuyên gia tư vấn đã gặp lại cô gái để nói chuyện. Ban đầu, cô còn khăng khăng “cãi” rằng : Các anh chị ơi, mấy năm lấy nhau, chưa bao giờ em nhờ vả gì họ hàng nhà nội. Cuộc sống của vợ chồng em đều do chúng em tự tay gây dựng. Vậy thì hà cớ gì cứ bắt em phải thể hiện trách nhiệm với nhà chồng.
Chuyên gia tư vấn đã nói với cô rằng cô đã sai, rất sai. Nếu tính toán như cô, chắc rằng cô còn nợ gia đình Toản một khoản tiền rất lớn. Đó là công bố mẹ anh đã sinh ra anh, nuôi anh lớn. Bây giờ, khi anh công thành danh toại, họ trao anh cho cô, để anh trở thành chồng cô, bố của con cô. Tình nghĩa ấy, liệu cả đời này cô có báo đáp nổi. Vì cô, Toản đã chấp nhận hy sinh nhiều. Nhưng, cô đừng được đà lấn tới. Thật may cho cô là Toản vẫn là người con biết nghĩ. Anh vẫn luôn đau đáu cho gia đình, anh chị em mình.
- Em thử nghĩ xem, nếu Toản cũng như em, tuyệt giao với nhà vợ và đồng tình với em cắt đứt quan hệ với gia đình mình thì các em sẽ sống với ai. Gia đình mình mà mình còn không thương yêu, liệu sau này, em có dám chắc Toản sẽ đối đãi với em tử tế suốt đời không? Muốn được chồng yêu chồng nể, ngoài sắc đẹp ra, em còn cần biết khéo léo cư xử, đối đãi với gia đình chồng, bạn bè của chồng nữa. Sống mà chỉ bo bo biết mỗi chồng thì việc chồng mệt mỏi, muốn ly hôn với mình không sai đâu.
Cô nghe xong thì im lặng.