Vợ hỏi tiền, chồng lảng tránh
Thông thường trong gia đình, việc chi tiêu luôn được các ông chồng đóng góp hàng tháng. Nhưng vẫn không hiếm các bà vợ trẻ kêu ca chồng không đưa tiền chi tiêu gia đình. Đa số các bà vợ chung tâm trạng chán nản và thiếu tôn trọng chồng.
Vợ hỏi tiền, chồng lảng tránh
Gọi điện thoại đến Tổng đài điện thoại 1088, chị Thanh Mai, làm nghề trình dược viên ở Hà Nội kể, từ ngày lấy chồng đến nay, hầu như một mình chị phải lo việc trả mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Chồng chị là kỹ sư công nghệ viễn thông, tổng thu nhập hàng tháng gần 10 triệu đồng, nhưng không bao giờ đưa tiền về cho vợ.
Khi mới lấy nhau, chị không thắc mắc gì vì nghĩ mình đủ khả năng để chi trả. Nhưng từ ngày giá cả leo thang, bất đắc dĩ, phải nhắc chồng về trách nhiệm đóng góp. Anh Thiệp, chồng chị Mai đồng ý nhưng chỉ đóng 600.000 đồng/tháng. Chị ngỡ ngàng và đành phải “chẻ hoe” mọi chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày với chồng. Trong đó, số tiền của anh chỉ đủ mua một hộp sữa ngoại cho con. Tưởng nói ra sẽ được chồng thông cảm nhưng ngược lại, anh Thiệp đã chỉ trích vợ hoang phí: “Có mỗi việc chi tiêu mà không lo nổi, còn nói chuyện gì. Tất cả đồ đạc trong nhà, từ cái ca múc nước đến máy giặt, tủ lạnh... đều một mình tôi lo chứ cô thì lo được gì”.
Vừa giận, vừa thất vọng về suy nghĩ của chồng, sau nhiều lần cãi vã không mang lại kết quả, chị Mai bắt đầu ghi chi tiêu hàng ngày vào sổ sách, chi tiết từng mớ rau, củ hành, gói muối, cuối tháng đưa cho chồng xem. Nhưng rồi vẫn không thấy chồng đưa thêm tiền, mà ngược lại mỗi lần chị hỏi là anh lại lảng sang chuyện khác, bỏ đi hoặc cáu giận vô cớ. Chị đã áp dụng nhiều “chiêu” moi tiền chồng từ bạn bè, nhưng cuối cùng đành bó tay.
|
Chị Phan Cẩm Tú ở Thạch Thất, Hà Nội kể, chồng chị kiếm tiền rất giỏi nhưng chẳng bao giờ đưa tiền chi tiêu cho vợ. Mỗi lần lấy được ít tiền từ chồng, chị phải vận dụng đủ mọi cách. Thấy quá mệt mỏi và mất nhiều thời gian trong việc “xin tiền chồng”, chị chán nản bỏ cuộc. Chị bảo, thời gian đó chị đi kiếm tiền còn hơn.
Chị Phạm Thị Hồng, Đống Đa, Hà Nội cũng từng trải qua những năm tháng không hạnh phúc với người chồng thiếu trách nhiệm trong vấn đề tài chính. Sau hơn hai chục năm chung sống, khi hai đứa con đủ khôn lớn thì chị đề nghị ly hôn. Lúc này, chị mới dám nói thật với mọi người rằng: “Sống với một người đàn ông vô trách nhiệm về tài chính trong gia đình quả là một cực hình. Từ ngày ly hôn, tôi cảm thấy cuộc sống nhẹ nhõm và vui vẻ hơn”.
Phải quán triệt ngay từ đầu
Nghệ thuật tiêu tiền là tổng hòa sự quan tâm thỏa đáng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần của gia đình. Dù kinh tế gia đình eo hẹp đến đâu, vẫn phải nhớ đến những chi phí thỏa đáng cho các sinh hoạt tinh thần. Bởi đó là chất men say cho cuộc sống, chất lãng mạn, thăng hoa giúp vợ chồng vượt qua khó khăn, không cảm thấy quá mệt mỏi, buồn chán khi phải đối phó với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Mai Hoa, Trung tâm tư vấn kỹ năng và cuộc sống, mọi mâu thuẫn về trách nhiệm tài chính trong gia đình thường do không có sự trao đổi thẳng thắn với nhau về chuyện tiền bạc trước khi kết hôn.
Mặt khác, ngoài bản tính “vô lo vô nghĩ” của các ông chồng, một phần lỗi cũng thuộc về các bà vợ. Ngay từ đầu, người vợ đã thả lỏng trách nhiệm và vai trò của người chồng khiến các ông chồng thấy rằng, không có tiền đóng góp cũng là chuyện bình thường.
Ngoài ra, một số bà vợ cậy mình có khả năng kiếm tiền, không cần chồng đóng góp, điều đó vô hình trung đã tạo nên thói ỷ lại và vô trách nhiệm của chồng.
Dựa trên các số liệu điều tra về quản lý tài chính thành công ở các gia đình, các chuyên gia tư vấn đưa ra lời khuyên nên tập trung mọi khoản thu nhập trong gia đình về một mối. Đồng thời, hai vợ chồng phải thống nhất với nhau về kế hoạch quản lý và chi tiêu số tiền. Sự đồng thuận chính là nền tảng tạo dựng hạnh phúc.
Ngoài ra, vợ chồng cũng có thể dành ra một quỹ chung của gia đình, phần còn lại được tự do dùng riêng. Tuy nhiên, phải thật khéo léo để chuyện tiền nong không ảnh hưởng đến tâm lý của “đối phương”. Các chuyên gia cho rằng, việc thảo luận thẳng thắn những vấn đề về tài chính sẽ giúp hai vợ chồng tìm ra giải pháp thích hợp mà không làm tổn thương đến nhau. Bên cạnh đó, phải minh bạch với nhau về các khoản chi thu trong gia đình, ngay cả trong những dịp có nguồn thu nhập bất thường hoặc phát sinh những chi tiêu ngoài ý muốn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn:
Phải mềm dẻo và hết sức kiên trì
Trên thực tế, có mẫu đàn ông thích được giữ tiền trong gia đình. Họ là mẫu người rất căn cơ và tiết kiệm. Với mẫu người này, người vợ phải thật tinh ý trong vấn đề chi tiêu. Nếu người vợ chi tiêu “thoáng” hoặc mua sắm không tính toán, sẽ khiến họ lo sợ về những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà mình kiếm được không được sử dụng “hiệu quả”. Trong trường hợp này, để buộc chồng thực hiện trách nhiệm tài chính trong chi tiêu, các bà vợ nên tạo niềm tin cho chồng trong vấn đề chi tiêu. Nếu phải mua một món đồ đắt tiền nào đó, cần tham khảo ý kiến của chồng. Một trong những tính cách của phụ nữ là hay mua sắm, có khi tính cách này trở thành nỗi kinh hoàng đối với những ông chồng bủn xỉn. Do vậy, để chung sống được với dạng đàn ông này, người phụ nữ cần phải biết mềm dẻo và hết sức kiên trì. |