Cấm vận khi mang thai
Chuyện của anh Đ. và chị L. ở Quận 12 (TP.HCM) không là “điển hình tiên tiến” của “cấm vận”, nhưng có thể dùng hai chữ “căng thẳng”. Chị L cấn thai, được “các bậc tiền bối” dạy rằng: “Đừng có mà tí ta tí toáy, động thai, sẩy thai, con ngu đần rồi khổ cả đời đấy!”.
Ông chồng nghe vợ nói thì không dám “manh động”, sợ ảnh hưởng đến cục cưng trong bụng vợ. Anh đưa vợ đi khám thai, tranh thủ hỏi thì bác sĩ bảo “Sau 3 tháng đầu cứ thoải mái đi...”. Anh về sướng quá. 3 tháng chịu cảnh “Mỡ treo mèo nhịn đói”, bây giờ xem như hàng rào cấm vận được dỡ bỏ.
Cấm vận sau sinh con
Con ra đời, niềm vui được làm cha dâng trào, đan xen với mong đợi lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn. “Từ nay mẹ mày khỏi lấy lý do lý trấu rằng sẩy thai, đẻ non, hay con đần độn nhá!”. Ai dè bà già vợ đến ngủ với con gái và cháu ngoại. Bà bảo: “Cái máu gái đẻ là phải kiêng cữ 6 tháng kẻo sau này về già đau nhức, sinh nhiều bệnh khác nữa...”. Thế là anh đành rút lui có trật tự.
Nghe tâm sự, mấy đứa bạn khuyên. Bây giờ cậu nên làm cái “giải mở rộng”, để lâu có ngày máy móc không vận hành nó tịt hẳn thì nguy to. Thế là anh ra đường, kiếm một cô thơm như múi mít “đánh” một trận đã đời. Thói thường đã “nếm” thì muốn ăn tiếp, với lại ăn vụng bao giờ chả ngon! Rồi một hôm anh bị tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, đi bác sĩ mới biết mặt trái của cái “giải mở rộng” là con vi khuẩn lậu, chữa xong còn phải chờ 3 tháng đi xét nghiệm tìm thêm “con” siêu vi B,C và HIV nữa. Khiếp sợ, anh đành “án binh bất động” chịu cảnh “Mỡ treo mèo nhịn đói” tập 2 vậy.
Dỡ bỏ cấm vận
Sau 6 tháng, anh được “giải phóng”. Đêm đó anh mừng húm, tắm rửa sạch sẽ, vào giường nựng con, nựng vợ, hôn hít tưng bừng. Lạ kỳ, động đến chị là chị từ chối. Khi anh phân tích sự chịu đựng đã hết nổi thì chị bảo “Hình như em bị lãnh cảm. Thôi thì anh muốn làm gì thì làm!”.
Trời ạ, cứ tưởng “Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, đi thì mới thấy không hơn đồ nhà” bởi “đồ nhà” không có những con vi khuẩn, nhưng lại thất vọng vì bà xã “cúp cả điện lẫn nước”. Mặc cho anh tha hồ “vật lộn” chị nhà cứ như củ khoai. Nhớ lại kinh nghiệm xương máu khi ra đường, anh đành coi như mình vẫn đoạt “giải an ủi”.
Tại sao vậy?
Theo lẽ thường khi mang thai thì hormone thai nghén làm tăng ham muốn chuyện ấy. Nhưng một số chị bị nghén, có người lại bị ám ảnh rằng “làm ăn” thì con sẽ đần độn, nên cấm tiệt. Lại có chị vốn ham muốn đã ít từ trước nên khi mang thai coi như có cớ để từ chối ông chồng. Khi “vượt cạn” ai chả đau, những chị loại hình thần kinh yếu thì cái đau trở thành khiếp sợ đến mức sợ cả qui trình làm ra “tác phẩm” lẫn “tác giả”.
Cũng có chị quá trình sinh đã làm tổn thương điểm G (nằm trong âm đạo) nên cảm hứng sụt giảm hẳn đi. Trường hợp khác là do suy giảm hormone buồng trứng nên “điện, nước cúp”, người phụ nữ không còn cảm giác ham muốn quan hệ nữa.
Làm sao khôi phục?
Lúc này ông chồng phải là bác sĩ. Theo phát hiện của các nhà tình dục thì phụ nữ có tới 10 điểm G chứ không phải chỉ có một điểm nằm trong âm đạo. Đó là: bộ ngực, mái tóc, vùng gáy, xương đòn, lưng, phần sau đầu gối, lòng bàn tay, dái tai, bàn chân, phần đùi non, khu vực xương chậu. Nếu biết vuốt tóc, sờ lưng, xoa ngực và các vùng khác thì nơi đây có những lưới thần kinh cảm giác cực nhạy, có thể giúp “mở cầu dao điện, nước”. Tất nhiên để lấy lại cân bằng thì ông chồng cần kiên nhẫn. Có ông sẽ hỏi “Kiên nhẫn bao lâu?”.
Thông thường 1 tháng “vận công” mà bà xã vẫn trơ như đá thì cần phải gặp bác sĩ phụ sản, xin định lượng nội tiết. Nếu thiếu hụt thì chỉ cần 1 viên bé xíu đã “làm trỗi dậy” năng lực vốn có của người phụ nữ ngày xưa. Ăn những loại hải sản như nghêu, sò, mực, tôm và các loại hạt như đậu nành, đậu xanh làm giá cũng góp phần tích cực trong việc phục hồi điện nước của các chị.