Vợ! Hôm nay anh thực sự oải khi cả ngày phải “nhập vai”, một mình loay hoay với cỗ bàn, tiếp khách và “đánh vật” với thằng nhóc con lên 2 của chúng mình… Lúc này đây, tay vừa quệt mồ hôi, tay xoa lưng bóp gối, anh mới biết thế nào là “mệt rã rời”, thế nào là “3 đầu 6 tay” và thế nào là “có phép thần thông biến hóa”. Lúc này anh cũng mới nhận ra: Vợ quả thật là siêu nhân! Nghĩ về những gì em đã phải trải qua trong suốt những năm tháng sống cùng anh, anh thấy mình… dở tệ!

Vốn dĩ trước đây, anh tự cho mình cái đặc quyền ngồi rung đùi thưởng trà, đọc sách, xem tivi trong khi em quẩn quanh xoay xở với nấu cơm, lau nhà, con khóc, bố mẹ gọi… Trong suy nghĩ của anh đó là việc đàn bà và em là đàn bà của anh thì tất nhiên em cứ tự nhiên mà thu xếp. Anh vẫn vỗ ngực tự đắc với bạn bè rằng mình có uy, át được vía vợ. Anh hùng hồn tuyên bố kể cả anh bắt em đi hâm nước mắm, đun đá thành nước sôi em sẽ ngoan ngoãn tươi cười một dạ, hai vâng. 

Ngày cưới em về, anh vẫn nhất mực quyết tâm đảo ngược “chân lý” mà đám bạn đã rỉ tai anh trước khi bước vào phòng tân hôn “Nghe vợ là sống lâu, đội vợ lên đầu là trường sinh bất lão”. Anh lập mục tiêu khiến em phải thức tỉnh với chân lý của riêng anh rằng: lúc yêu và khi đã về chung nhà là hai thế giới chênh nhau như cái bập bênh mà đầu bên kia là một kẻ béo ị. Anh lôi em thoát khỏi cái thế giới màu hồng chỉ có yêu chiều, nâng nựng. “Đầu bù, tóc rối, một nách hai con, xa xa là chồng, bốn bề bận bịu” chính là cái thế giới đa sắc màu mà anh đã đưa em vào.

Vợ ơi anh biết lỗi rồi! 1
Lúc này anh cũng mới nhận ra: Vợ quả thật là siêu nhân!

Thực ra gần 6 năm chung sống với nhau, chưa bao giờ vợ chồng tanh bành, lớn tiếng. Bởi chỉ cần anh trừng mắt là em đã nín thở, lặng thinh. Anh vẫn thường hả hê về xỉ nhục những gã bạn chấp nhận để vợ đôi co với mình. Anh hiếu thắng tuyên bố “Thằng này mất tư cách đàn ông khi để vợ trừng mắt cự cãi lại”; “Thằng này mặc váy khi lúi húi rửa bát, cho con ăn”… Nói chung anh thấy khó chấp nhận khi nghĩa vụ của đàn ông và đàn bà trong nhà bị lẫn lộn. Và nghiễm nhiên anh về nhà buộc em phải tuân thủ cái quy tắc bất di bất dịch của riêng anh. Em cứ thế quay vòng với cái lịch kín mít toàn những việc trời ơi suốt cả ngày. Thời gian mới cưới son mà không rỗi nhanh chóng qua đi khi em có bầu rồi lần lượt sinh hai đứa con.

Sáng – khi anh còn quắp thằng nhóc con ngủ thì em đã lọ mọ dậy từ bao giờ. Lúc anh vẫn ở trạng thái ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở ra khỏi giường thì nhà đã sạch tinh, sáng loáng, mùi thơm phức của đồ ăn từ trong bếp thoảng ra. Con gái đầu của chúng ta cũng đã chỉnh tề trong bộ đồng phục đang kì cạch phụ mẹ dọn bàn ăn.

Trưa: Nhà gần cơ quan nên em tất tưởi, tranh thủ về để đảm bảo cho cái dạ dày của anh và cả nhà. Sau khi dọn dẹp xong xuôi, em chỉ kịp ngước nhìn đồng hồ rồi lại phóng xe quay lại với công việc, trong khi anh vẫn còn dư thời gian ngồi uống nước, đọc báo.

Chiều: Em trở về xoay vần với đón con, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Có việc đột xuất lại phải cân đo thời gian tranh thủ làm gấp. Từ cái dáng hình thon gọn nhẹ nhàng, hành xử đủng đỉnh, giờ em dáng sề, giống như cơn lốc khổng lồ cứ thoăn thoắt cuốn hết việc này đến việc khác. 

Đêm: Mặc dù mệt đến độ chỉ cần đặt lưng xuống giường là em có thể ngủ ngon lành nhưng em vẫn hào hứng khi anh “khều tay, nháy mắt”. Anh luôn tự hào rằng mình là người đàn ông nghiêm túc bậc nhất thiên hạ vì chưa bao giờ “tòm tem” bên ngoài. Chưa bao giờ anh nghĩ lý do khiến anh phong cho mình danh hiệu đó là bởi em luôn biết chiều anh một cách chu đáo.
                         
**********

Nhưng rồi bỗng dưng chuyện không hay bùng nổ khi đêm đó em nhất định từ chối anh. Mặc cho anh khều tay, xoay mình, vờ vuốt tóc đụng chạm, em chỉ ậm ừ rồi nhất định xoay lưng vào tường. Cái thói gia trưởng ích kỷ nổi lên, anh lỡ miệng chê em không còn là người phụ nữ đẹp đẽ năm nào. Anh bảo em xuống sắc, thay đổi nhiều, suốt ngày chỉ biết tính toán tiền nong, bỏ bẵng chồng. Anh truy vấn em “tằng tịu” với ai mà không còn muốn gần chồng… Lúc em ôm mặt khóc, anh vẫn sôi máu và đập vỡ cái đồng hồ báo thức em mua từ dạo mới cưới.

Vợ ơi anh biết lỗi rồi! 2
Nghĩ về những gì em đã phải trải qua trong suốt những năm tháng sống cùng anh, anh thấy mình… dở tệ! (Ảnh minh họa).

Sáng hôm sau khi anh thức dậy thì được mẹ thông báo “Vợ anh dọn đồ về nhà ngoại rồi. Vài ngày nữa là có giỗ, anh liệu mà tính toán, lo toan”. Nghe giọng điệu của mẹ, anh thấy có điều gì đó không bình thường. Mẹ không tức giận mà ngược lại bà có vẻ hả hê khi anh bị em đối xử như thế. 

Chí anh hào nổi lên, anh thầm tuyên bố “Không có cô thì tôi vẫn sống tốt!”. Thế nhưng sau đó, anh đã phải hối hận ngay. Không có bữa sáng, cũng chẳng còn bữa cơm trưa thịnh soạn. Sau hai ngày vật vờ ăn vội ngoài hàng quán. Do đồ ăn không quen, anh trở thành vận động viên siêu tốc của chặng phòng ngủ và nhà vệ sinh. Mệt lả người vì tiêu chảy, đêm đến thằng nhóc lại quấy khóc vì tìm mãi không thấy ti mẹ đâu. Sau 3 ngày vợ về bên ngoại, anh trở thành con gấu trúc với 2 quầng thâm ở mắt vì thức đêm, trà không được thưởng, tivi không được xem và sách rồi cũng sẽ mốc meo.

Một mình xoay vần chuẩn bị cỗ bàn, tiếp khách, giải thích với họ hàng sự vắng mặt của em trong đám giỗ. Những việc đó khiến anh toát mồ hôi hột, lưng đau, chân mỏi. Có điều kì lạ là mẹ không hề trợ giúp gì anh. Cũng không càu nhàu, trách mắng em không về. Cho đến khi nghe mẹ thầm thì to nhỏ với chị Oanh lý do bà bao che cho em. Mẹ chê anh là thằng khờ ích kỷ cần phải dạy cho bài học. Anh vẫn cố cứng cỏi cho đến trước khi loáng thoáng nghe được câu “Vợ ốm, vợ bệnh mà không hay biết” anh mới tá hỏa, năn nỉ. Hóa ra, em không cho anh gần em là vì thế… Vì sợ cái bệnh phụ nữ sẽ khiến em “mất điểm” trong mắt anh.

Vợ ơi! Anh biết lỗi rồi. Gần 6 năm rủ nhau về chung giường, chung mâm, chung nhà… anh nhận ra mình “bạc đãi” vợ quá. Anh hi vọng cả buổi chiều lượn lờ nhà sách, đọc những kiến thức nằm ngoài tầm của anh về cái bệnh biết chắc anh cả đời không mắc – bệnh phụ khoa, anh sẽ đích thân tháp tùng em đến gặp bác sỹ sẽ giúp anh phần nào “ghi điểm”, chuộc lỗi với em.