Trong đám bạn bè cùng học đại học, ai cũng nói Đăng may mắn. Ra trường, cậu xin được vào một công ty nhà nước thu nhập ổn định, đủ chi tiêu. Trong khi đó, nhiều bạn của Đăng loay hoay mãi vẫn chưa có việc làm. Một số ở nhà kiên trì ăn bám bố mẹ, số khác chấp nhận làm những việc lặt vặt trái nghề. Rồi, Đăng cũng là người đầu tiên trong lớp cưới vợ, có con. Ngay cả việc lấy vợ, cậu ta cũng may mắn.

Là dân tỉnh lẻ vào thành phố học đại học, nhưng Đăng lại lấy được Hồng, chẳng những là dân thành phố chính gốc mà còn là tiểu thư con nhà khá giả. Mọi người nói, nhờ thế, cậu ta không chỉ “lạc nghiệp” (có việc làm) mà còn đã “an cư” vì nhờ số tiền mừng kha khá cùng với tiền ba mẹ vợ cho, hai vợ chồng mua được một căn nhà nhỏ trong hẻm. Không chỉ “ông bà nhạc” mà ngay cả gia đình Đăng, rồi họ hàng 2 bên đều nói cậu ta “mèo mù vớ cá rán”.  Tất nhiên tôi cũng nghĩ thế. Còn đám bạn khi ngồi với nhau “tám”, lại mơ được như Đăng, làm sao kiếm một “tiểu thư” để “đổi đời”.

Hôm rồi, tình cờ gặp nhau, Đăng kéo tôi vào quán cà phê hàn huyên. Tôi thành thực khen Đăng: “Cậu lúc nào cũng may mắn: Từ công việc đến vợ con, nhà cửa…, cái gì cũng dễ dàng, làm gì cũng trôi chảy. Còn bọn tớ giờ vẫn đang long đong. Nghe tôi nói thế, Đăng im lặng nhìn đi nơi khác một lúc rồi ngập ngừng: “Thật ra, mình cũng không may mắn như các cậu nghĩ đâu! Ở đời, chẳng có cái gì là hoàn hảo cả”. Thấy tôi ngạc nhiên, Đăng cười buồn, phảy tay: “Lúc nào đến nhà mình chơi, khắc biết!”.

Tò mò, tôi quyết định đến nhà Đăng. Cậu vui vẻ đưa tôi đi tham quan “cơ ngơi”. Ngôi nhà của hai vợ chồng tuy nhỏ nhưng khá khang trang, với đầy đủ tiện nghi như hệ thống tivi, máy giặt đời mới, điều hòa nhiệt độ, máy nước nóng, tủ lạnh… Tuy vậy, có một điều bất ổn là cảnh lộn xộn, bừa bộn khắp nơi. Đây đó, quần áo trẻ con, người lớn vắt ngổn ngang. Đủ thứ tã lót, bít tất, khăn mặt… “rải” trên sa lông, máng trên cửa sổ, trên ghế… Dưới sàn nhà la liệt chỗ này giày dép, chỗ kia sách báo, chỗ nọ đồ chơi… Dưới bếp, nồi niêu xoong chảo chưa rửa, nằm lăn lóc trên bếp, trong bồn rửa… Đó là chưa kể mùi nước đái trẻ con nồng nặc.
 

Đăng vừa hối hả với tay dồn tất cả quần áo, tã lót, sách báo gọn lại, lấy chỗ cho khách là tôi ngồi, vừa phân trần: “Cậu thông cảm nhé! Nhà có trẻ con nên bừa bộn quá!”. Tôi xua tay: “Ôi dào! Cậu yên tâm! Nhà nào có con nhỏ cũng đều bừa bộn thế cả thôi!”. Tôi nói vậy cho Đăng khỏi ngượng, chứ thật ra, nhiều nhà khác có trẻ con chứ đâu một mình cậu ta có con nhỏ. Nhưng chưa ở đâu tôi thấy cảnh nhếch nhác lộn xộn như ở đây.

Thấy có khách, từ trong phòng ngủ, Hồng bế cậu con trai bước ra, đon đả chào tôi rồi nói với chồng: “Chẳng mấy khi bạn anh đến chơi! Em để các anh tự do nói chuyện. Em xin phép đưa cháu sang hàng xóm chơi”. Hồng đi rồi, chúng tôi thấy thoải mái hơn. Bắt gặp ánh mắt tôi đang lướt qua phòng, Đăng lắc đầu, nhắc lại: “Bừa bộn quá thể, đúng không?”. Tôi gật đầu: “Hai vợ chồng son, một đứa con thành bốn! Chẳng lẽ các cậu bận rộn lắm sao?”. Đăng xua tay: “Bận thì cũng bận! Nhưng nếu chịu khó một tí thì đâu đến nỗi… Chẳng qua là… nhà mình bị thiếu nhân công”. “Là sao?”. Tôi thắc mắc. Đăng cười buồn: “Thì… vợ mình là tiểu thư ‘lá ngọc cành vàng’. Nàng đâu có biết làm gì!”. Rồi Đăng kể…

Khi còn yêu nhau, biết Hồng quen được chiều chuộng nên từ nhỏ đến lớn chẳng bao giờ phải động chân động tay làm gì ngoài việc học, nhưng hồi đó, phần thì đang sung sướng do vớ được “vợ giàu”, phần khác, Đăng hi vọng cưới xong sẽ tìm cách “dạy vợ ”. Song, hóa ra cậu hi vọng hão. Hồng không chỉ vụng mà còn lười. Thời gian đầu, Đăng cố gắng vừa khuyên bảo vừa “cầm tay chỉ việc” cho vợ. Song, chẳng những Hồng không chịu “học” mà còn đụng đâu là đổ vỡ đấy. Đã thế, không ít lần, cô làm mình làm mẩy, giận dỗi: “Trước khi cưới, em nói không biết làm việc nhà, anh bảo vẫn chấp nhận cơ mà!”. Thấy thế, Đăng đành làm một mình cho nhanh.

Từ đó,  mọi việc trong nhà, từ dọn dẹp đến giặt giũ đều một tay cậu. Đi làm về, Hồng kêu mệt, chỉ xem ti vi hay đọc báo. Ngay cả chuyện cơm nước cũng là Đăng “phụ trách”. Ăn xong, Đăng không rửa bát thì Hồng cũng mặc kệ. Hôm nào cậu ta có việc bận, không vào bếp, hai vợ chồng lại chở nhau ra quán. Chưa có con còn đỡ, đến khi Hồng làm mẹ, tình hình càng tệ hơn. Thời gian đầu, hai bà nội, ngọai thay nhau đến nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho cháu… Nhưng khi thằng bé cứng cáp, hai bà về nhà chăm ông. Thế là hàng ngày, Hồng chỉ ở nhà bế con, đợi chồng về nấu ăn xong dọn dẹp, giặt đồ… Đó là lý do vì sao nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn như cái tổ quạ. Đăng buồn bã kết luận: “Mình cảm thấy rất chán nản và mệt mỏi. Cậu còn nói mình may mắn nữa thôi?”. Tôi hỏi Đăng sao không thuê người giúp việc? Đăng lắc đầu: “Thuê mấy người rồi! Nhưng chỉ dăm  bữa nữa tháng là họ “bái bai” vì chẳng ai chịu được bà chủ nhà vừa lười biếng vừa vô trách nhiệm như vợ mình”.

Đem chuyện của Đăng kể với đám bạn, ai cũng lắc đầu: “Ôi! Vậy mà cứ tưởng hắn may mắn chứ! Ai dè...”.