Nhìn thấy vợ sa sẩm mặt mày tôi đã hiểu ngay ra vấn đề, chắc món quà lại không đúng ý của bà ấy đây.
 
Tôi đoán quả không sai, cậu ta đã tặng cho vợ tôi một mảnh vải nhung màu tím rất hợp với tuổi tác và vóc dáng của bà ấy nhưng vẫn bị chê là... không biết điều. Chỉ có tôi mới hiểu, bà ấy thích cái gì?
 

Ảnh minh họa

Tháng nào chậm lấy lương, tôi cũng bị vợ dằn vặt suốt ngày vì bà ấy nghi ngờ tôi dùng tiền để làm những việc không liên quan đến gia đình. Có lần tôi bớt lại vài trăm để xăng xe và ăn sáng nhưng cô ấy bảo: "Thì mình cứ để em giữ, lúc nào mình cần, em sẽ đưa cho mình". Nghe những lời ngọt ngào đó, tôi đã tin tưởng trao cả tháng lương và tất cả khoản làm thêm của tôi cho bà ấy giữ, ai ngờ khi cần tiền để đi đám cưới con của bạn hay mừng tân gia cậu em cùng phòng, thăm hỏi đồng nghiệp đau ốm, bà ấy lại giữ khư khư không đưa cho tôi với lý do: "Anh cứ tập trung vào công việc của cơ quan, mọi việc đối nội, đối ngoại cứ để đấy cho em".

Lực bất tòng tâm, cuối cùng tôi đành phải vay tạm một người bạn thân rồi tìm cách làm thêm để trả nợ. Lần khác, cô em gái út của tôi nằm viện, muốn cho em chút tiền gọi là để bồi dưỡng sức khỏe, hỏi đến vợ thì lập tức bà ấy nổi cáu: "Anh tưởng vài đồng bạc lương của anh là đủ chi tiêu trong tháng này hay sao, nếu không có em giữ thì bố con anh làm gì có những bữa cơm ngon, canh ngọt như thế. Hay là từ nay em giao lại cho anh giữ tiền, anh muốn ăn ở đâu thì tùy anh". Biết bà ấy nói dỗi, tôi đã không còn ý định rút tiền từ túi của bà ấy nữa. Nhiều lần như vậy tôi hiểu rằng, vợ tôi là một "ngân hàng" gửi vào thì dễ nhưng lấy ra thì vô cùng khó.

Xưa nay, tôi vẫn được bạn bè khen là "tốt số" vì có một người vợ đảm đang tháo vát, biết lo toan và thu vén cho gia đình. Không ai hiểu nỗi "thống khổ" của tôi và các con mỗi khi bị nàng bóp nghẹt về tài chính. Là đàn ông, thỉnh thoảng cũng phải đi uống bia với anh em bạn bè nhưng lần nào về nhà bà ấy cũng giận dỗi vì cho rằng tôi phung phí, xem trọng bạn bè hơn vợ. Những bộ quần áo tôi mặc, đôi giày tôi đi đều đã quá đát sử dụng nhưng bà ấy vẫn vô tư như không có chuyện gì.

Bao nhiêu tiền tôi đem về, bà ấy đều giữ và vui sướng khi thấy nó tăng dần lên cùng với thời gian. Nhiều lần tôi góp ý để cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho bố con tôi nhưng bà ấy bảo: "Mình ăn tiêu như thế là đủ rồi, lúc có tiền cô ấy phải dành dụm phòng khi đau ốm, nay mai còn gả chồng con cho con Thúy, con Hương nữa". Nghe cô ấy nói ai chẳng cảm thấy có lý nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận, ăn mãi những món ăn đạm bạc, mặc những bộ quần áo lỗi thời, sinh hoạt trong nhà thiếu thốn đủ thứ trong khi bà ấy vẫn bo bo giữ khoản tiền lớn, sung sướng khi thấy nó tăng dần, thật sự tôi không thể chịu đựng được.

Bất cứ thứ gì cô ấy cũng quy ra tiền khiến tôi nhiều khi xấu hổ với anh em, bạn bè. Sau nhiều lần bí bách về vấn đề tiền bạc, tôi mạnh dạn lập "quỹ đen" dùng cho những việc riêng của tôi để tránh không phải năn nỉ xin tiền vợ nữa, không ngờ, chỉ sau hai tháng, kế hoạch của tôi đã bại lộ. Cũng từ hôm đó, bà ấy càng quản lý tài chính chặt chẽ hơn, những bữa cơm cũng tiết kiệm tới mức tối đa khiến ba bố con tôi dở khóc, dở cười. Nhiều hôm nhìn hai cô con gái ngồi chống cằm thở dài thườn thượt, tôi thấy ái ngại vô cùng. Giá như vợ tôi hiểu rằng, tiền bạc làm ra cũng là để phục vụ cho cuộc sống, nó sẽ chẳng có giá trị khi nằm nguyên trong tủ trong khi chủ nhân của nó đang sống kham khổ. Tôi không biết phải làm gì để vợ tôi hiểu rằng, hạnh phúc đâu chỉ cần cơm no áo ấm, mà ngày nay ai cũng muốn vươn lên để tạo lập cho mình một cuộc sống đầy đủ tốt đẹp.
 
Theo Đời sống gia đình