Không ít người từng nói điều khó khăn nhất để giữ vững mái ấm gia đình chính là khoảng cách vợ chồng. Bởi khoảng cách có thể khiến tình yêu của người trong cuộc được thổi bùng lên và cũng có thể khiến tình yêu đó sớm nở tối tàn.

Với hai người phụ nữ trong bài viết này, họ đều có chung một hoàn cảnh đó là sống xa chồng. Quanh năm phải chờ chồng trong nhớ nhung nhưng họ lại gặp nhau ở niềm tin lạc quan vào tương lai. Họ chấp nhận thiệt thòi để chồng đi công tác, một mình tần tảo sinh con, chăm con, vun vén cho gia đình... bởi họ luôn tin tưởng sự hy sinh của mình sẽ được đền bù xứng đáng bằng niềm hạnh phúc khi chồng trở về.
 
“Em sẽ mãi yêu anh, người lính của em”
 
Đó là tâm sự của chị Thanh Nga (30 tuổi, Hải Phòng). Lần đầu tiên chị xa chồng là Tết năm 2006. Lúc đó, anh chị mới cưới nhau được một vài tháng. Khi ấy, đứng trên tầng, nhìn pháo hoa chúc mừng năm mới rộn ràng mà nước mắt chị tuôn rơi.
 
Năm 2010, chồng chị chuyển ra đảo chìm Tốc Tan C. Rồi năm 2012, anh ra Đá Đông C (Trường Sa). Chị nghẹn ngào tâm sự: “Ai cũng nói làm vợ lính vừa vất vả, vừa buồn, mà làm vợ lính đảo thì điều đó còn buồn gấp nhiều lần. Mình không biết có đúng thế không. Chỉ biết là đã qua 6 năm sống cảnh xa chồng, chờ chồng nhưng mình vẫn thấy may mắn khi có anh trong cuộc đời!
 
"Vọng phu sống" đằng đẵng nuôi con, chờ chồng 1
Chị Nga và con gái.
 
Mình còn nhớ cái Tết đầu tiên khi bước chân về làm dâu nhà anh. Đây cũng là cái Tết đầu tiên mình xa bố, xa các em và xa ngôi nhà nhỏ đã lớn lên cùng tuổi thơ mình. Giữa trời đầy pháo hoa, chỉ mình mình đứng trên lan can căn phòng cưới còn thơm mùi sơn mới mà không có anh, nước mắt mình chảy nhiều như lúc mình thấy mẹ trút hơi thở cuối cùng.
 
Lần đầu mình sinh con, cảm giác lo lắng xen lẫn sợ hãi. Vậy mà không hiểu sao mình không hề khóc lóc hay kêu than. Mình ngoan ngoãn nằm trên giường chờ con gái chào đời với cảm giác thật hạnh phúc dù không có anh ở bên. 

Vì lúc đó anh ở đảo, mình cũng chưa từng có cảm giác được nhõng nhẽo hay vòi vĩnh anh mỗi khi ốm đau. Mình tự cho bản thân cái quyền phải mạnh mẽ và vô thức với những mong mỏi xa xỉ đó. Mình cũng chưa được nhìn thấy ánh mắt hạnh phúc của anh khi mình sinh con bởi vì lần nào mình chuyển dạ, anh cũng vắng nhà.
 
Bác sĩ đề nghị ghi số điện thoại của anh vào tờ khai để liên lạc khi cần thiết vì lúc đó mình phải cách ly trong phòng chờ sinh. Như một phản xạ có điều kiện mình ghi luôn số của mình và mỉm cười. Bởi mình biết không thể ghi số của anh, vì anh đang ở ngoài đảo xa. Mình không biết từ khi nào mình trở nên mẫn cảm với quà, với hoa và cả những lời chúc mỗi dịp lễ hay sinh nhật vì với, mình những thứ đó quá xa xỉ khi làm vợ lính...
 
Vậy mà 6 năm đã trôi qua, với vài lần về phép và kết quả mình đã là mẹ của hai đứa con, nhưng anh vẫn vắng nhà. Cũng không biết từ bao lâu rồi mình không có thói quen uống với bạn ly nước cam hay tụ tập ăn uống, mà có lẽ là từ khi vợ chồng mình lấy nhau. Bạn bè mình có khi đã "ghét" mình vì bao lần mình hứa mà không đi tụ tập được với chúng nó. Nhưng biết làm sao được vì mình luôn vội vàng bởi sợ quãng đường xa không có anh đi bên cạnh.
 
"Vọng phu sống" đằng đẵng nuôi con, chờ chồng 2
Vợ chồng chị Nga.
 
Có lần nhìn con gái ngồi buồn khi đi sang hàng xóm về, hỏi ra thì con buồn vì cả nhà họ chở nhau đi chơi. Nhìn con lúc đó, mình chỉ muốn khóc. Biết bao lần mình chạnh lòng nhìn các gia đình đầm ấm, đông vui xung quanh. Mình chỉ có ước muốn khi về nhà nhìn thấy anh đang chơi đùa cùng con. Ước muốn đó quá đỗi bình thường với nhiều người, nhưng với mình và cả những người vợ khác có chồng là lính đảo sao mà lớn lao thế.
 
Chồng mình có kể chuyện một người bạn anh có cậu con trai mất khi vừa tròn 2 tuổi. Lần đầu làm cha cũng là khi con mất, vì nhiệm vụ anh ấy không thể về gặp con trai lần cuối. Nghe xong câu chuyện mình thấy sống mũi cay cay bởi mình hiểu được phần nào sự mất mát và hi sinh đó của các anh. Và mình thấy mình vẫn rất may mắn và hạnh phúc so với mọi người.
 
Bạn bè nói mình cứng rắn quá, mạnh mẽ quá, nhưng không phải vậy. Mình vẫn là phụ nữ, mình yếu đuối và luôn cần có một bờ vai để dựa dẫm mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi buồn tủi. Nhưng mình không thể yếu đuối vì bờ vai anh vẫn đang ở ngoài kia, nơi cần anh hơn mình.

Mình vẫn nhớ như in cái cảm giác đón anh về phép sau hai năm xa cách. Buổi chiều hôm đó với mình như là một ngày đẹp nhất trong những ngày đẹp nhất trong năm. Mình tưởng tượng sẽ ôm chầm lấy anh mà khóc. Nhưng không, mình cười tươi nhìn anh bước ra từ nơi anh đợi và bắt tay anh như những người lính vẫn bắt tay nhau mỗi khi gặp mặt. Bởi mình tin, chỉ cần nhìn vào mắt mình, anh sẽ hiểu mình vui như thế nào.
 
Có lần anh hỏi mình có hối hận khi lấy anh không? Rồi bạn bè mình hỏi cho lựa chọn lại, thì mình sẽ làm gì? Mình chỉ cười mà không trả lời. Bởi với mình, có anh trong cuộc đời là niềm hạnh phúc lớn lao và mình vẫn sẽ chọn làm vợ anh, làm vợ của lính”.
 
“Đã có lúc nghĩ sẽ chẳng bao giờ quen được với cảm giác vắng chồng”
 
Cùng chung hoàn cảnh quanh năm phải sống cảnh vò võ bên con chờ chồng đó là Thu Thùy (29 tuổi, Hà Nội). Chị nhớ lại, sau khi sinh bé gái đầu lòng được 7 tháng, chồng chị phải sang Nga để công tác. Chị bảo chưa bao giờ chị khóc nhiều như ngày chia tay chồng đi làm xa. Đã có lúc chị nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể quen được với cảm giác vắng anh.

Chị Thùy tâm sự: “Tính đến nay đã là 6 năm kể từ ngày vợ chồng mình phải sống cảnh xa nhau.

"Vọng phu sống" đằng đẵng nuôi con, chờ chồng 3
Chị Thùy và con gái.
 
Tuy anh hay về thăm nhà, hoặc có lúc mình và bé út sang Nga thăm anh nhưng khoảng thời gian đó với mình vẫn ngắn ngủi vô cùng. Nhiều khi thấy vợ khóc thút thít mà anh cũng trăn trở không yên. 

Có nhiều người bảo hay mình sang đó hẳn với anh. Nhưng điều đó đâu có dễ. Sang đó công việc của mình khó phù hợp, đường xá, giao tiếp hạn chế, sao mình có thể khiến anh thêm gánh nặng. Lần sinh con đầu lòng mình có anh bên cạnh nhưng lần sinh con thứ 2, anh vắng nhà. 
 
May mắn cho mình là được bố mẹ chồng giúp đỡ hết sức. Chăm con, con ốm, chăm sóc gia đình… việc gì mình cũng được bố mẹ chồng phụ giúp.

Mình nhớ như in giai đoạn mang thai bé thứ 2. Khi ấy, ông bà ngoại ở xa, ông bà nội thì chăm giúp mình bé đầu lòng, đi khám thai lần nào cũng chỉ một mình và nằm viện sinh con cũng vậy.

"Vọng phu sống" đằng đẵng nuôi con, chờ chồng 4
 
Lần đó, mình bị ra máu dọa sảy phải nằm viện mất 12 hôm. Nhìn nhà nào cũng có người trông nom tấp nập, có chồng bên cạnh trong khi mình thì không có một ai, mình tủi thân lắm. Ngày sinh con, bà ngoại chưa kịp lên, chỉ có bố chồng vào viện đóng viện phí cho, mẹ chồng bận chăm bé lớn giúp. Mọi người xung quanh nhìn mình với con mắt ái ngại thương cảm, họ còn tưởng mình ‘chửa hoang’ (cười). 

Biết bao chuyện vất vả khi không có anh ở cạnh, khi phải chờ chồng trong nỗi nhớ thương, buồn tủi nhưng mình vẫn cố gắng vững vàng. Mình hi vọng bằng sự cố gắng của mình, anh sẽ an tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ nhanh về với gia đình”.
 



Cuộc "chống chọi" của người vợ trẻ vừa cưới đã phải xa chồng
"Vọng phu sống" đằng đẵng nuôi con, chờ chồng 5