Hành trình “xin” con

Đã 35 tuổi, chị Hiền (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vẫn chưa có gia đình. Ở quê, với tuổi ấy, chị Hiền chỉ có thể trông chờ vào cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại” với người đàn ông đã ly dị hoặc góa vợ. Lo sợ một cuộc sống phức tạp với cảnh “con ông, con tôi, con của chúng ta”, chị quyết định ở vậy suốt đời. Nhưng những lúc mưa gió thất thường, nhìn người ta vợ chồng, con cái quây quần bên mâm cơm, chị lại thấy tủi thân. Chị mong muốn có một đứa con để cửa nhà bớt vắng vẻ. Không thể tự mình có con, chị quyết định đi “xin giống”.

Việc đầu tiên là tìm “bố” cho đứa trẻ tương lai. Không cần phải là người đàn ông cao to, đẹp trai hay thông minh tài giỏi, chị chỉ muốn đó là người lương thiện, có sức khỏe tốt và quan trọng nhất là thông cảm với hoàn cảnh của mình, có thể “cho” chị một đứa con mà không tranh chấp quyền nuôi con với chị. Nếu người đó đã có vợ, chị cam kết không bao giờ làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình của họ.

Tiêu chuẩn rõ ràng như thế nhưng để tìm được người đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng “cho giống” mà không đòi hỏi điều kiện gì không hề đơn giản. Đầu tiên, chị tìm đến anh P, người xóm trên, đã có vợ con đầy đủ. Câu chuyện chưa đâu vào đâu mà vợ anh ta đã phong thanh nghe được tin tức này. Chị ta đến nhà chị Hiền làm ầm ĩ. Mặc cho chị Hiền thanh minh thế nào chị ta cũng luôn miệng mắng chửi chị là kẻ đi cướp chồng, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Đau khổ, ê chề, làng xóm chê cười, người thân ngăn cản… không thể làm cho chị nguôi khát khao được làm mẹ.


Một người quen trên thành phố Thái Bình đồng cảm với hoàn cảnh của chị Hiền đã giới thiệu một người xe ôm “giúp” chị hoàn thành tâm nguyện.

Khác với chị Hiền, chị Minh (37 tuổi, Hà Nội) là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân. Là người độc lập, quyết đoán, chị đã dành cả tuổi trẻ để phấn đấu cho sự nghiệp. Chị Minh thừa nhận một người có cá tính mạnh như mình không hợp với chuyện lập gia đình. Tiền bạc, công danh đều đã đủ đầy, viên mãn nhưng khao khát lớn nhất hiện nay của chị là có một đứa con do chính mình sinh ra. Với lòng yêu con trẻ, khả năng tài chính vững mạnh, chị hoàn toàn tự tin mình có thể đem đến cho đứa con điều kiện sống tốt nhất mà không cần có người đàn ông trụ cột trong gia đình. Điều chị quan tâm nhất là chọn được một người bố xứng đáng cho con mình.

Tính đi tính lại, chị Minh đành nhờ vả một người bạn học cùng phổ thông. Anh này vốn trước đây cũng có tình cảm với chị nhưng không được đáp lại. Không thể cứ trông chờ vào tình yêu tuyệt vọng, sau khi tốt nghiệp đại học được mấy năm, anh lập gia đình với một cô giáo cấp 2. Họ đã có hai con gái và sống khá hạnh phúc.

Người bạn đồng ý “cho giống” mà không đòi hỏi điều kiện gì. Sau vài lần “gặp gỡ”, chị Minh đã mang bầu. Hạnh phúc dường như viên mãn tròn đầy với người phụ nữ sắp ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” này.

Cay đắng cuộc đời làm mẹ đơn thân

Mọi sự không đơn giản như những gì chị Minh liệu tính. Khi chị sinh được con trai, anh bạn “cho giống” bỗng dưng muốn phá bỏ cam kết giữa hai người. Anh muốn được khai sinh là cha đứa trẻ và đứa trẻ phải mang họ của cha. Chị Minh không đồng ý, chị muốn đó là con của riêng chị mà thôi. Hơn một năm trôi qua, không ai trong hai người chịu nhường bước. Mọi chuyện lằng nhằng đến mức đã có lúc chị và anh định nhờ đến pháp luật phân xử.

Trước khi quyết định làm một bà mẹ đơn thân, chị Hiền đã lường trước mọi hậu quả. Nhưng chị không ngờ mình đã phải hứng chịu những luồng dư luận lớn đến thế. Ở quê chị, một người con gái không chồng mà chửa tuy không đến nỗi “gọt đầu bôi vôi” nhưng cũng khiến nhiều người dè bỉu, soi mói. Khi mang bầu, không một ngày nào chị không nhận được những cái nhìn xéo, nụ cười mai mỉa, những lời nói ác ý: “Cứ tưởng ngoan ngoãn, hiền lành lắm!”. Anh trai chị Hiền thậm chí còn từ mặt em, nói em là “Đồ lăng loàn!”, rằng “Đã nhịn được đến tuổi này rồi còn không cố nhịn cho đến chết đi!”. Đau khổ, nhiều lúc khóc thầm trong căn nhà đơn lạnh nhưng nghĩ đến đứa con đang lớn dần trong bụng mình, chị lại cố gắng vượt lên để sống.

Một chị khác tên T. là công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần – Bình Dương còn khốn khổ hơn khi bị gã “chồng hờ” đòi làm chồng thật. Anh này đã có vợ nhưng vẫn muốn chị làm “phòng nhì” của hắn. Chị không chịu thì nhận được lời đe dọa đòi lại con. Bụng mang dạ chửa, người đàn bà lặng lẽ bỏ việc, một mình ngược Nam ra Bắc về quê nhà ở Nam Định chạy trốn khỏi sự theo đuổi của gã chồng hờ.

Lời kết

Làm mẹ là bản năng, là quyền cơ bản của mỗi người phụ nữ. Bất kì phụ nữ nào kể cả những người vì lý do riêng mà chưa có gia đình cũng được quyền hưởng niềm hạnh phúc sinh và nuôi con. Không ai có quyền phê phán, dè bỉu khi người phụ nữ quyết định trở thành một bà mẹ đơn thân. Khát vọng làm mẹ của những người phụ nữ như chị Hiền, chị Minh, chị T. đã khiến nhiều người cảm động.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng: những đứa con của các bà mẹ đơn thân thường có hai xu hướng phát triển: một là dễ hư hỏng vì thiếu sự giáo dục của người cha, hai là sống rất bản lĩnh, nhân hậu và hiếu thảo.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: “Người mẹ dù có chăm sóc con chu đáo đến thế nào vẫn nên có vai trò giáo dục của người đàn ông thì tốt hơn. Người đó có thể là ông, là chú bác, hay ai đó là đàn ông có nhân cách thì sẽ hoàn chỉnh hơn”. Ông cũng khuyên những người phụ nữ trước khi quyết định trở thành bà mẹ đơn thân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về vật chất lẫn tâm lý. Vượt qua những định kiến, mặc cảm không đáng có, vượt qua được những năm đầu gian nan, vất vả, họ sẽ có thêm nhiều niềm vui và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

 
 
Theo B.H
Phunu