Là một bà mẹ trẻ, Hà (Hà Đông, Hà Nội) có thói quen chiều cậu con trai thái quá, bé đòi bất cứ thứ gì cũng được mẹ đáp ứng ngay lập tức. Trong mắt Hà, cậu con trai của cô là thông minh, ngoan ngoãn nhất. Mỗi lần đến chơi, mẹ chồng Hà thường hay phàn nàn về việc con dâu chiều cháu thái quá, dễ khiến trẻ hư. Nhưng nói nhiều lần mà Hà vẫn chẳng quan tâm, cô chỉ đáp cộc lốc: “Con trai con, con tự lo được”.

Nhiều lần tâm sự với con trai, bà khuyên con nên cứng rắn hơn để… dạy vợ, dạy con. Ấm ức vì mẹ chồng hay nói xấu, Hà bế cháu về nhà ngoại để…  mẹ chồng, “biết thế nào là lễ độ”. Theo Hà, khi bị cách ly với con, với cháu, chồng cô khổ một thì bà Duyên – mẹ chồng phải đau tới mười. Y như rằng, cả chồng lẫn mẹ chồng đều “ngấm đòn đau”, chỉ sau một ngày xa con, xa cháu là ngày hôm sau phải sang tận nhà ngoại đón hai mẹ con về.
 
Nhiều mẹ chồng... sợ con dâu một phép

“Chồng là con một, cháu trai đầu lòng lại là cháu đích tôn của cả dòng họ. Vì thế nên ai cũng phải cưng chiều, bản thân mình chiều con một chút cũng có sao đâu, chẳng nhẽ phải để con khổ sở, thiếu thốn như mấy đứa trẻ nghèo khác? Mình luôn bất đồng quan điểm với mẹ chồng trong cách dạy con, nhưng mình biết, trước sau gì mẹ chồng cũng nín nhịn cho qua, dù gì mình cũng sinh cho gia đình một thằng cháu đích tôn”. Hà nói.

Sau hai ngày trừng phạt, thấy chồng buồn, Hà cũng xao lòng, nhưng vẫn kiên quyết: Muốn Hà mang cháu về, thì bà phải thực hiện đúng năm điều kiện: Móng tay bà luôn cắt ngắn, bà nội chỉ được cho cháu ăn, uống những thứ có trong danh sách mà Hà đã đưa ra, dụng cụ cho cháu ăn, bà phải tráng nước sôi trước khi sử dụng, bà chỉ được bế cháu hai lần/ngày, sau khi bà tắm và thay đồ mới, bà cũng không được chơi trò… “ú òa”, làm cháu hết hồn!
 
Nhiều bà mẹ chồng làm lành với con dâu để giữ hạnh phúc cho con trai mình

Chấp nhận điều kiện và được con dâu “khoan hồng”, khi bế cháu trên tay, bà Duyên thừa nhận: “Thật ra, những điều nó muốn, về lý thì không sai, nhưng về lễ, thì thật quá quắt. Đúng là thời thế thay đổi, mẹ chồng giờ sợ con dâu một phép”.

Những nàng dâu dám đặt “điều kiện” với mẹ chồng như Hà đang ngày càng phổ biến. Thậm chí, không ít cô gái còn kén cả… mẹ chồng.

Dù đã nín nhịn con dâu để giữ hòa khí trong nhà, nhưng bà Liên (Xuân La, Hà Nội) vẫn liệt kê những điều “ngứa mắt” của mẹ chồng đối với nàng dâu thời hiện đại: “Ai đời có con dâu kiểu này không, cô ta đặt điều kiện cho mẹ chồng như sau: Con ít nấu ăn vì bận việc, con thường đi sớm về khuya cũng vì bận việc, ăn mặc hở hang chút là do công việc, tiêu tiền kiểu “vung tay quá trán” để tạo dựng các mối quan hệ… Chỉ cần có ý kiến, góp ý nhẹ nhàng với con dâu vài câu là con dâu đã giận dỗi nói: “Các cụ cổ hủ rồi, có hiểu được chúng con đâu””. Bà Liên thở dài nói.

Con dâu bà, chị Nhung là một phụ nữ sắc sảo và sành điệu. Nhung sống biết điều nhưng cũng rất ghê gớm. Ai động chạm đến cô, dù là một chút quyền lợi nho nhỏ, cô cũng giành giật lại cho bằng được. Từ trước tới giờ, cô chưa chịu thua ai cái gì.

Từ ngày lấy chồng, lúc nào Nhung cũng lớn tiếng quát tháo. Chỉ vì Nam trót một lần đánh bạc mà Nhung không tiếc lời đay nghiến. Khổ nỗi, chồng Nhung lại nhu nhược nên cô mặc sức tung hoành.
Gia đình vốn khá giả, từ bé đến lớn Nhung không phải động tới việc nhà, chuyện cơm nước cô nấu dở tệ.  Hôm nào đến bữa cơm, Nhung cũng uể oải đi chợ, làm cơm, món nào cũng khó ăn nên mẹ chồng lại thường xuyên vào bếp thay cho con dâu.

Bố chồng nhắc nhở thì Nhung nói: “Bố thấy đấy, nhà con có làm được việc gì đâu. Một mình con phải đi làm, kiếm tiền vất vả. Đồng lương còm cõi của anh ấy, anh ấy chẳng đem thiêu vào lò bạc từ lâu rồi. Còn lấy cả tiền chi tiêu của gia đình. Con không làm thì thử hỏi ai kiếm tiền cho cái nhà này? Việc nhà, con sẽ thuê ô sin, không phiền đến mẹ đâu mà bố lo”.
 
Mẹ chồng, con dâu nên phải có thứ bậc và sự tôn trọng lẫn nhau

Mẹ Nam cũng chẳng nói gì, chỉ cặm cụi làm việc. Bà lo lắng hết mọi việc trong nhà như một ô sin. Bà cũng chẳng bắt con dâu động vào bất cứ thứ gì. Chẳng khác gì cảnh “mẹ chồng đi làm dâu”.

Thấy vợ quá đáng, Nam nói nặng vài câu. Sau một hồi tranh cãi là cái tát vợ đau điếng trước mặt bố mẹ chồng. Ngạc nhiên, sững sờ trước thái độ của chồng, cô ôm mặt khóc.

Ngày hôm sau, Nhung bỏ về nhà mặc cho Nam xin lỗi. Mấy ngày thấy con trai buồn bực không cơm nước, mẹ Nam tỏ ra vô cùng lo lắng. “Tôi nghĩ con dâu chỉ hay to tiếng chứ thực tâm cũng là một người tốt vả lại con trai tôi rất yêu vợ. Lỗi trong chuyện này cũng do bà một phần. Thôi thì có thế nào bọn trẻ nó sống với nhau, mình già rồi, sống đâu được lâu nữa mà gây chuyện cãi vã làm gì cho mệt. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”.

Vậy là bà liền chủ động sang nhà thông gia, xin lỗi con dâu: “Vì mẹ mà các con xích mích. Mẹ cũng chẳng có ý gì, chỉ vì thằng Nam nóng tính. Con cố gắng về bên đó, vợ chồng hòa thuận là tốt nhất con ạ!”.
 
Để giữ gìn hạnh phúc của gia đình, nhiều mẹ chồng chịu nhịn con dâu

Thấy mẹ cũng dễ chịu, lại sang tận nơi nên Nhung lại xách vali về nhà chồng. Từ sau sự việc ấy, Nhung bỗng nhận thấy mẹ chồng cô bao dung đôn hậu. Tình cảm gia đình trở nên thân thiết hơn nhiều.

Nhiều bà mẹ chồng cũng rơi vào hoàn cảnh giống như mẹ chồng Nhung. Nhiều người cũng chỉ vì hạnh phúc của các con, vì nhẫn nhịn và chịu xin lỗi con dâu chỉ để mong cho con trai mình có được cuộc sống yên ổn. Thế mới biết, hạnh phúc gia đình là thứ vô cùng quý giá và cần trân trọng. Mỗi người biết hi sinh và nhường nhịn một chút, không quá đề cao địa vị của mình thì hạnh phúc ấy sẽ bền lâu.

Không còn những câu chuyện ám ảnh về mẹ chồng – con dâu khiến các cô gái trẻ e dè, giờ đây không ít cô dâu bỗng trở thành “mẹ chồng trẻ” trong nhà. Mẹ chồng giờ đây phải… chịu thua con dâu một phép, vai vế trong nhiều gia đình hiện đại cũng đổi thay…