Ghét làm "nai" vẫn phải giả "nai"

Hân sexy, đã thế lại còn cá tính, mạnh mẽ, từ chuyện ăn mặc đến những chuyện khác, cô thích gì là làm, không thèm đếm xỉa đến chuyện thiên hạ nhìn nhận việc đó ra sao. Đến mẹ cô còn kêu: "Mày thế này có ma nó rước". Ấy thế mà đàn ông thích cô nhiều vô kể.

Hân yêu từ tuổi 16, đến nay sang tuổi 25 thì đã trải qua ba bốn mối tình, nhưng đến khi gặp Lâm thì cô gái "bất kham" này cảm thấy mình không còn là mình nữa: cô muốn làm vợ, điều mà trước đây cô nghĩ chỉ có thể xảy ra khi đã ngoài 30 tuổi.

Yêu mấy anh chàng trước đây, Hân bị bố mẹ họ phản đối, thậm chí còn gặp mặt để cảnh báo là khôn hồn thì buông tha cho con họ, nhưng cô chẳng thèm bận tâm. Cô yêu người nào thì chỉ biết đến người đó thôi, gia đình họ chả có ý nghĩa gì, có thích cô cũng chẳng ích gì mà ghét cô thì cũng mặc kệ.

Thế mà giờ yêu Lâm, Hân bắt đầu nghĩ về chuyện bố mẹ anh có chấp nhận mình không. Cô bắt đầu hỏi anh và bạn bè anh về tính tình, quan điểm của bố mẹ. Những người bạn của Lâm, hầu hết đều rất quý Hân, cho cô biết, bố mẹ anh sống rất chuẩn mực, cổ điển và nghiêm khắc. Trước đây Lâm từng vài lần dẫn bạn gái về nhà nhưng cô nào cũng bị ông bà chê bai, đối xử lạnh nhạt.

"Thằng Lâm nó toàn thích tuýp phụ nữ sắc sảo, cá tính như em", một anh bạn Lâm giải thích, "mà những cô như thế thì làm cho ông bà chướng mắt lắm. Ông bà chỉ thích thằng Lâm lấy một cô học sư phạm, tóc dài, nền nã, hiền lành dễ bảo kiểu gái nhà lành, ông bà bảo phải như vậy mới làm vợ tốt, mẹ tốt được".

Giả gái nhà lành hòng "qua mặt" mẹ người yêu 1
Ảnh minh họa.

Đến hôm Lâm nói chủ nhật tới sẽ đưa cô về ra mắt gia đình, Hân thấy lo thực sự. Nhìn cô, chắc chắn bố mẹ anh sẽ "gạch tên" không thương tiếc. Lần đầu tiên, cô nghĩ đến chuyện "giấu mình" bằng cách thay đổi vẻ bề ngoài. Hân đi nối mái tóc ngắn trông rất "láo" của mình thành tóc đen dài, buông xõa, mua quần âu, áo sơ mi tử tế.

Đến ngày hẹn, cô mặc bộ đồ đó, trang điểm nhẹ nhàng, bỏ hết những thứ vòng tay, vòng cổ "hầm hố" để đeo sợi dây chuyền mảnh mai nền nã, những chiếc móng tay sơn màu sẫm cũng đã được xóa, chỉ tô một lớp bóng hồng hào. Và gương mặt ngày thường trang điểm sắc với đường eyeline đen đậm kiểu mắt mèo thì nay chỉ đánh chút phấn nâu nhẹ nhàng.

Đến đón người yêu mà Lâm suýt không nhận ra: "Em đi dự hội hóa trang đấy à?", anh cười ha ha hỏi. Hân gắt: "Em cũng ghét nhất kiểu con gái nai tơ nhạt hoét thế này, nhưng mà các cụ thích thế. Đi nhanh đi kẻo đứa nào quen nhìn thấy em nó cười em mấy tháng chưa xong mất". Lâm bảo: "Ừ, chịu khó tí cho bố mẹ duyệt cái đã. Anh đi ngay đây, kẻo bạn em nhìn thấy, đảm bảo chúng nó sẽ bị đột quỵ ngay tức thì".

Buổi ra mắt của Hân hôm ấy có thể gọi là thành công. Bố mẹ Lâm tuy vẫn để ý xét nét nhưng nhìn chung chưa chê bai gì cô cả.

Khéo giấu vẫn "lòi đuôi"

Bố mẹ Lâm có vẻ ngày càng hài lòng về nàng dâu tương lai. Cô không đến chơi nhiều (vì Hân biết càng đến nhiều càng dễ bộc lộ mình, lại còn phải chịu đựng quá sức vì phải đóng vai một người không giống với bản thân) nhưng lần xuất hiện nào cũng tỏ ra là con nhà có giáo dục, từ đi lại ăn nói đều nhẹ nhàng, nết ăn mặc đi đứng cũng đoan trang, hiền dịu. Hân nấu nướng lại rất khá và sáng tạo nữa.

Nhưng rồi "tai nạn" vẫn xảy ra. Thường Hân mặc quần âu hoặc quần jean khi đến nhà người yêu. Nhưng cái quần hôm ấy của cô có cạp hơi trễ. Đứng không sao, khi cô ngồi xuống để lau dọn sàn bếp, mẹ chồng tương lai nhìn thấy lấp ló một phần của hình xăm dưới thắt lưng cô. Thấy sắc mặt bà bỗng nhiên đổi khác, Hân đang băn khoăn thì bà hỏi luôn: "Cháu nghĩ gì mà đi xăm mình, lại xăm cái chỗ khó coi thế?".

Chỉ trong vòng chục ngày sau đó, mẹ Lâm đã "điều tra" và biết được "chân tướng" cô bạn gái của con trai mình. Bà không cho phép cô đặt chân đến nhà mình thêm lần nào nữa. Bà nói với con trai: "Nó chẳng những là đứa con gái sống ăn chơi, hoang tàng mà còn là kẻ dối trá. Nó nghĩ sẽ đóng kịch được mãi sao? Dù không nhìn thấy cái hình xăm ấy thì chẳng lẽ cuối cùng không người nào tình cờ cho mẹ biết ngày thường nó sống thế nào?".

Lâm và Hân vẫn xác định đến với nhau và cố gắng chinh phục phụ huynh một lần nữa. Nhưng vì đã có cái dớp "dối trá", con đường của họ sẽ còn nhiều gian nan.

Thu Huyền cũng lâm vào cảnh phải đóng vai gái nhà lành mỗi lần gặp bố mẹ bạn trai. Cô từng xông pha rất nhiều vũ trường, các cuộc vui khác nếu không qua đêm thì cũng khuya lơ khuya lắc, uống rượu như uống nước lã, chơi với đàn ông phóng khoáng như là người cùng giới. Lối sống đó hoàn toàn không phù hợp với nếp nhà của Doanh, bạn trai cô, có bố mẹ toàn là giáo viên. Vì thế, cô phải giả vờ mình cũng "công dung ngôn hạnh" khi xuất hiện ở nhà họ.

"Bản thân em cũng thấy mình mất cả tự trọng khi nghe bố mẹ anh ấy khen mình, và dè bỉu cái lũ con gái ăn mặc hở hang, nhậu nhẹt say sưa cùng với cánh đàn ông. Em phải cố tán thưởng những câu chuyện hai bác ấy nói, mặc dù quan điểm của họ không giống em", Huyền chia sẻ.

Nhiều lần, Huyền cũng thử làm bố mẹ người yêu thay đổi quan điểm bằng cách đưa ra những câu thăm dò kiểu: "Cháu nghĩ không phải cô gái nào ăn mặc như thế (hay có thói quen giải trí như thế) cũng là người xấu..." nhưng ông bà kiên quyết dập ngay. Theo họ, những cô gái như vậy chẳng những không tử tế gì mà còn có nhân sách sa đọa, đáng khinh bỉ.

Sau một thời gian chừng gần 1 năm, Huyền hiểu rằng cô không bao giờ được chấp nhận trong gia đình này, ngay cả khi cô thay đổi cho đúng mẫu bố mẹ Doanh mong muốn, nếu ông bà biết cô là ai.

Huyền cho biết: "Em có giỏi thì cũng không đóng kịch được mãi, mà đã biết là không hy vọng rồi, nên cuối cùng em chấp nhận thua cuộc. Em bảo ban trai là anh sẽ không có gan cãi bố mẹ cưới em đâu, em cũng chẳng muốn làm khổ anh thành con bất hiếu, chia tay thôi".

Bố chồng “cởi trói” cho con dâu

Cũng là cô gái có lối sống phóng khoáng, hiện đại và chịu chơi, Kiều Minh rất băn khoăn khi phải về ra mắt bố mẹ bạn trai ở một thành phố miền Trung. Người miền Trung có tiếng là phong kiến, trong khi bố của Hoàng, người yêu cô, lại từng là quan chức. Anh luôn kể, bố mẹ anh dạy con rất nghiêm, anh tuy là con ông cháu cha vẫn phải tự lực từ việc học cho đến công việc. Kiều Minh hình dung, họ sẽ thích kén một nàng dâu theo những chuẩn mực cổ xưa, hoàn toàn không giống cô.

Giả gái nhà lành hòng "qua mặt" mẹ người yêu 2
Ảnh minh họa.

Và để cho mọi chuyện được thuận lợi, cô tạo hình ảnh mà các bậc phụ huynh thường thích. Những lần gặp gỡ giữa Kiều Minh và gia đình chồng tương lai diễn ra thuận lợi. Cô cảm thấy bố mẹ bạn trai yêu quý và tôn trọng mình.

Một lần khi Kiều Minh đang gọt hoa quả sau bữa ăn thì bố chồng tương lai chỉ vào một nhân vật trên màn hình: "Bác nghĩ phục sức theo phong cách này sẽ rất hợp với cháu”. Minh nhìn lên, thấy một cô gái có phong cách rất giống mình ngày thường. Cô ngờ ngợ ra điều gì đó.

Cảm nhận thấy sự cởi mở của bố mẹ bạn trai, dần dần Kiều Minh bớt giữ kẽ hơn, nhưng vẫn thể hiện mình theo hình ảnh mà cô nghĩ các ông bà già sẽ muốn áp đặt cho nàng dâu của mình.

Cho đến một lần, Minh không nhớ nhân chuyện gì, bố Hoàng bảo: “Bác nghĩ người ta mỗi người một vẻ, nhưng cứ là chính mình vẫn hay nhất. Nếu ai hiểu mình thì vẫn sẽ yêu thương và chấp nhận mình, còn nếu không thì chỉ có nghĩa là mình không thuộc về nơi đó, thì sẽ có nơi khác phù hợp hơn đón nhận”.

Minh đem chuyện hỏi người yêu, Hoàng cười: “Em nghĩ bố anh cả đời làm sếp mà không biết nhìn người à? Em không phải ra vẻ nhu mì ngoan ngoãn nữa đâu”. Không muốn đường đột, từ đó về sau Kiều Minh giảm dần mức độ “diễn xuất” cho đến lúc trở về với phong cách thật một cách tự nhiên.

Và cũng một cách tự nhiên, cô trở nên như con cái trong nhà. Cho đến giờ khi đã làm dâu và có một đứa con trai 4 tuổi, Kiều Minh được bộc lộ con người mình với gia đình chồng mà vẫn được yêu quý.

Minh nói: “Tôi thấy mình may mắn vì khi nghĩ đến chuyện lập gia đình thì gặp ngay nhà chồng thấu hiểu, yêu thương mình. Nhưng nếu cô gái nào đó sống thật với bản thân mà bị chối bỏ thì đừng vội nghĩ mình xấu, mà vì họ thuộc về một nơi khác đó thôi”.



Một cô gái thuộc diện khó lấy chồng vì quá thông minh chia sẻ "Có lúc nghĩ mình nên giả nai một tí cho đàn ông họ thích, nhưng không thể làm được"
Giả gái nhà lành hòng "qua mặt" mẹ người yêu 3