Bạn bè xung quanh đều có một nhận xét về tôi như thế này: Vừa nhìn vào liền biết tôi rất giàu có, hoặc ít nhất cũng phải xuất thân từ gia đình có của ăn của để.
Nhưng trên thực tế không phải như vậy! Mặc dù cuộc sống hiện tại đã ổn định, nhưng tôi cho rằng bản thân không giàu. Ngay cả gia đình ở quê cũng rất bình thường, chỉ mới tạm ổn kể từ khi tôi đi làm kiếm tiền và tự lập.
Song, tôi biết vì sao họ lại nghĩ như vậy. Tôi cho rằng ấn tượng về một người giàu có thật sự không phải đơn thuần là ăn mặc bên ngoài, mà chính là tố chất bên trong. Bạn giàu thì cốt cách tỏa ra phú quý đến choáng ngợp. Nhưng đã nghèo nàn mà giả vờ thanh cao giàu có thì làm gì cũng không thoát khỏi hơi thở bần cùng.
Tôi cho rằng ấn tượng của bạn bè xuất phát từ 7 điều này và bạn cũng nên học hỏi, chọn lọc để xây dựng tố chất cho riêng mình:
1. Ăn nói hằng ngày
Nói chuyện tâm sự hoặc trong các buổi tụ họp, hãy là người lắng nghe trước, nhanh chóng nắm bắt trọng tâm vấn đề, hiểu được điều mọi người đang quan tâm. Nếu không hiểu, hãy hỏi lại một cách chân thành. Nếu đã hiểu vấn đề, có thể đưa ra quan điểm phù hợp, càng sâu sắc càng tốt, thêm ví dụ để lập luận chắc chắn hơn, động thời chủ động cởi mở để mọi người cùng bàn luận.
Qua mấy lần như vậy, người khác ít nhất sẽ có ấn tượng rằng bạn là người có kiến thức.
2. Cách sống nguyên tắc
Đầu tiên, hãy xác định rõ phạm vi của sự việc, cái nào quan trọng, cái nào không. Điều gì nên hứa thì hãy hứa. Đã hứa thì phải làm được. Làm không được thì có thể giải trình rồi tìm điều kiện dễ hơn để hoàn thành.
Chuyện gì nên từ chối thì cứ việc từ chối. Đây chính là giới hạn của mỗi người. Đừng để đối phương nghĩ rằng giúp đỡ là trách nhiệm của bạn.
Như vậy, người khác sẽ nghĩ bạn là người dứt khoát, có chủ kiến, có thể kết giao.
3. Quan niệm chi tiêu
Đồ quá đắt hoặc không muốn mua thì trực tiếp nói “không”, “mua không nổi”, “tôi không hợp với thứ này”...
Nhưng đồ cần thiết thì hãy mua, dứt khoát và không do dự. Đi mua sắm với bạn bè, tìm được chiếc áo mình rất thích, thấy giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại, vậy thì mạnh dạn chi tiền. Nếu số tiền vượt quá mức chi cho phép, thế thì dứt khoát đặt chiếc áo xuống quay người bước đi.
Thứ gì nên chi thì rộng rãi, thoải mái. Thứ không cần thiết thì một đồng cũng không được chi ra.
Nhờ đó, bạn trong mắt người khác là giàu có nhưng biết tính toán, khá tiết kiệm.
4. Phong cách ăn mặc
Đương nhiên là phải chú trọng chất lượng. Quần áo không cần nhiều, thậm chí là không cần phải đủ mọi kiểu cách. Chỉ cần quần jean, áo thun, giày thể thao cũng đủ phối lên nhiều phong cách đẹp.
Sau tiêu chí chất lượng thì đến khâu giữ vệ sinh. Cố gắng quần áo ra đường luôn sạch sẽ, thẳng thớm. Như vậy, quần áo không đắt tiền cũng có thể giúp bạn toát lên sự tinh tế, thể hiện người có nguyên tắc, sống chỉn chu.
5. Đối nhân xử thế
Lấy bản thiện làm gốc, nhưng vẫn phải có chừng mực. Hiểu rõ bản chất của các mối quan hệ là trao đổi giá trị, nhưng không quá hà khắc.
Dùng phương châm sống: Mình chân thành với người khác, họ cũng sẽ chân thành ngược lại với mình. Nhưng ngộ nhỡ lòng người bạc bẽo, cũng không có gì đáng oán trách, chỉ cần tránh xa. Người đã không hợp thì không cần nhiều lời, duy trì khoảng cách, hạn chế tiếp xúc.
Khoan dung cũng là phẩm chất tốt khiến ai cũng yêu thích. Nhưng quá rộng lượng lại trở thành người dễ dãi, bị người khác lợi dụng. Đến đây tiếp tục khoan dung hay không lại là sự lựa chọn của bạn.
6. Học tập với trái tim rộng mở
Người có hiểu biết và tri thức bao giờ cũng khiến đối phương nể phục, kính trọng. Nhờ đó, lời nói, hành động có trọng lượng và uy tín hơn.
Không ngừng tiếp thu tri thức giúp con người luôn tiến bộ, đổi mới để phù hợp với thời đại. Một khi đã có tri thức thì ấn tượng của bạn trong mắt người khác đã cao hơn một bậc.
7. Khí chất
Sống tự tin, vì đây chính là điều kiện cốt lõi tạo nên khí chất của một người. Tự hào và tin tưởng bản thân để tự tin. Cải thiện ngoại hình để tự tin. Xây dựng thế giới nội tâm phong phú để tự tin. Hãy cố gắng để bản thân trở thành người tự tin, bất chấp tuổi tác, nhan sắc.
(Nguồn: Zhihu)