Không khí bẩn từ các phương tiện giao thông, các nhà máy sản xuất, nhà máy điện đã cướp đi sinh mạng của 8,8 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Con số này còn nhiều hơn gấp 2 lần so với những gì mà các quan chức y tế toàn cầu dự báo.
Các nhà khoa học cho biết, hít thở không khí độc hại gây ra bởi chất thải từ những phương tiện giao thông, nhà máy sản xuất, nhà máy điện là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong hơn so với thói quen hút thuốc lá.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó ước tính, ô nhiễm không khí "chịu trách nhiệm" cho khoảng 4,5 triệu trường hợp thiệt mạng trên toàn cầu. Nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học Đức đã tính toán lại các dữ liệu hiện có và phát hiện ra con số còn khủng khiếp hơn thế rất nhiều, đúng ra là 8,8 triệu người. Với mức gần 9 triệu người vĩnh viễn ra đi, ô nhiễm không khí trở thành "kẻ giết người" tàn bạo ngang với bệnh tim.
Với mức gần 9 triệu người vĩnh viễn ra đi, ô nhiễm không khí trở thành "kẻ giết người" tàn bạo ngang với bệnh tim.
Trong khi đó, cũng theo ước tính của WHO, số người chết do hút thuốc lá năm 2015 là 7,2 triệu người.
Giáo sư Thomas Munzel, Đại học Medical Centre Mainz, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Hút thuốc lá thì có thể ngăn ngừa được chứ ô nhiễm không khí thì chịu rồi".
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu hiện đang kêu gọi nhiều quy định nghiêm khắc hơn về các hạt siêu mịn (bụi mịn) có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (PM2,5) trong không khí, vốn có thể luồn lách sâu vào phổi khi hít phải.
Hiện nay, ngưỡng an toàn trung bình cho các hạt PM2,5 ở châu Âu là 25 microgram/m3 không khí - nhiều hơn 2 lần so với khuyến nghị của WHO (10).
"Nhiều quốc gia khác, như Canada, Mỹ và Australia, sử dụng chỉ dẫn về ngưỡng an toàn trung bình cho các hạt siêu mịn trong không khí của WHO", Giáo sư Munzel cho hay. "Châu Âu đang bị bỏ lại rất xa phía sau xét trên khía cạnh này".
Giáo sư Jos Lelieveld, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thêm, chất lượng không khí nghèo nàn và mức độ ô nhiễm đậm đặc là nguyên nhân khiến châu Âu trở thành nơi có số lượng ca tử vong vì ô nhiễm cao. Tính riêng châu Âu, các nhà nghiên cứu chỉ ra con số thực về số người chết do ô nhiễm không khí là 790.000 người - gấp 2 lần so với ước tính trước đó.
Để có được kết quả này, các nhà khoa học đã phân tích trên máy tính cách hóa chất tự nhiên và nhân tạo phản ứng với không khí như thế nào. Sau đó, họ ứng dụng vào các dữ liệu về mật độ ô nhiễm không khí, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và nguyên nhân tử vong hiện thời.
Xét trên phạm vi thế giới, không khí ô nhiễm gây ra thêm 120 ca tử vong tính trên 100.000 người mỗi năm – theo số liệu của European Heart Journal. Bức tranh ở châu Âu còn thảm đảm hơn thế, với 133 trên 100.000 ca tử vong do hít phải các chất bị ô nhiễm.
Tại Anh, ô nhiễm không khí khiến 40.000 người thiệt mạng. Chính phủ Anh liên tục bị kiện ra toà vì vi phạm các ngưỡng an toàn. Nhưng với dữ liệu mới được tính toán lại, con số thực sự là 64.000 người thiệt mạng vì ô nhiễm không khí vào năm 2015. Còn bệnh tim là thủ phạm gây ra cái chết của 17.000 người.
Các nhà khoa học cho biết, hít thở không khí độc hại gây ra bởi chất thải từ những phương tiện giao thông, nhà máy sản xuất, nhà máy điện là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong hơn so với thói quen hút thuốc lá.
Hơn 29.000 ca tử vong khác ở Anh liên quan tới ô nhiễm không khí dưới dạng một loạt bệnh như ung thư, tiểu đường, phổi mãn tính. Tuổi thọ trung bình của người dân Anh cũng giảm 1,5 năm do ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, người dân Anh vẫn chưa phải là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng ô nhiễm không khí, như một số quốc gia châu Âu khác.
Ở Đức, ô nhiễm không khí cướp đi mạng sống của thêm 124.000 người vào năm 2015, suy giảm tuổi thọ 2,4 năm.
Cũng trong năm 2015, ước tính 81.000 người chết vì ô nhiễm không khí ở Italia, 67.000 người ở Pháp và 58.000 người ở Ba Lan.
Giáo sư Munzel cho biết, số người tử vong do bệnh tim mạch liên quan tới không khí ô nhiễm còn cao hơn nhiều so với dự đoán. "Chỉ riêng ở châu Âu, số người chết là gần 800.000 người/năm. Mỗi ca tử vong này cho thấy sự sụt giảm trung bình trong tuổi thọ người dân khu vực này là hơn 2 năm".
Các trường hợp mắc bệnh phổi và bệnh tim mạch chủ yếu do các hạt siêu mịn "PM2,5" len lỏi vào phổi và máu. Các phương tiện dùng diesel là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất tại quốc gia phát triển, như Anh. Các nguồn khác chứa nhiều hạt độc hại, gây nguy hiểm tính mạng còn bao gồm quá trình công nghiệp đốt nhiên liệu hóa thạch, nhà máy điện và sưởi ấm gia đình.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức được công bố sau một nghiên cứu hồi tháng trước về tình trạng gần 2.000 nơi ở Anh vi phạm giới hạn an toàn chính thức về nitrogen dioxide (NO2). Khí độc hại này gây ra bởi xe ô tô, xe buýt, xe tải - đặc biệt những loại dùng năng lượng là dầu diesel – có thể gây ra các cơn hen suyễn, những vấn đề khó khăn về hô hấp.
Điểm nóng về ô nhiễm không khí tồi tệ nhất tại Anh nằm ở ngoài hệ thống tàu điện ngầm Earls Court ở London. Đây là nơi lượng thải NO2 trung bình vào không khí vượt gấp 3 lần ngưỡng của WHO.
Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm giám sát của Cơ quan Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia của Anh – NHS – khuyên các hộ gia đình mới nên xây nhà tránh xa khỏi các trục đường chính.
Viện Quốc gia về Sức khỏe và Chăm sóc Sức khỏe (NICE) khuyến nghị, các ngôi nhà, căn hộ, trường học, cơ sở y tế và nhà dưỡng lão phải được bảo vệ khỏi tình trạng ô nhiễm.
Hồi đầu tuần này, các quan chức Anh cho biết, cha mẹ nên dừng đỗ xe ngoài cổng trường trong lúc vẫn nổ máy vào thời điểm đưa đón con em. Ô tô ở gần cổng trường gây hại cho sức khỏe trẻ em – theo Public Health England. Tổ chức này thúc giục quan chức chính phủ đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn đối với các phương tiện gây ô nhiễm. Họ cũng đề xuất thu phí tắc đường, cấm xe ô tô đỗ quanh trường hợp, cấm xe tải vào trung tâm thành phố và ưu tiên chỗ đỗ xe cho ô tô điện.
Gần đây, tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đưa ra dữ liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) trong Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng này thì Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ ô nhiễm bụi mịnnghiêm trọng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Trong đó, Hà Nội là 1 trong thành phố có mức độ ô nhiễm bụi nặng nề nhất khu vực. Nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội trong năm 2018 ở mức 40,8 μg/m3, thấp hơn một chút so với Jakarta (45,3 μg/m3). Trong khi đó mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO chỉ là (10 μg/m3).
TP.HCM cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng nhưng chỉ số thấp hơn, chỉ khoảng 26,9 μg/m3.
Chỉ số chất lượng không khí là gì?
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là đơn vị đo được sử dụng bởi các tổ chức môi trường và những cơ quan công khác trên toàn thế giới, giúp cho biết mức độ sạch của không khí.
Chỉ số càng thấp, chất lượng không khí càng tốt.
Chỉ số chất lượng không khí cung cấp con số vốn rất dễ để so sánh giữa các chất gây ô nhiễm, địa điểm và khoảng thời gian khác nhau.
Mỗi nước có một cách phân loại chính xác chỉ số này. Mỗi mục trong bảng chỉ số chất lượng không khí tương ứng với một cấp độ khác nhau của nguy cơ đối với sức khỏe.
Kết quả hàng ngày của bảng chỉ số chất lượng không khí được dùng để giúp cộng đồng ước tính về mức độ ô nhiễm không khí. Chỉ số tăng đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm không khí tăng và kéo theo đó là nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Chỉ số chất lượng không khí tập trung vào các tác động đến sức khỏe mà con người có thể trải nghiệm trong vòng vài ngày hoặc vài giờ sau khi hít thở không khí ô nhiễm.
Việc tính toán chỉ số này dựa trên các yếu tố gây ô nhiễm không khí chính, bao gồm: Hạt vật chất (hạt bụi siêu mịn), lớp ozone gần mặt đất, khí thải SO2, NO2 và CO2.
Hạt bụi siêu mịn và các chất ô nhiễm lớp ozone gần đất tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất đối với môi trường và sức khỏe con người.
Với mỗi mục chất gây ô nhiễm không khí trên, các quốc gia khác nhau thiết lập bảng chỉ số chất lượng không khí của riêng mình trong mối liên hệ với các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia khác nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.