Ghi nhận nhiều trẻ bị ong đốt trong thời gian ngắn
Ngày 21/10/2022, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi N.T.C (12 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) do bị ong đốt.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi bị ong vò vẽ đốt một nốt ở đầu, sau đó 3 phút, bệnh nhi xuất hiện tình trạng khó thở, mẩn đỏ toàn thân và mất ý thức, gia đình ngay lập tức đưa vào viện cấp cứu.
Thời điểm vào viện, bệnh nhi tím tái toàn thân, nồng độ oxy trong máu đo được chỉ còn 80 - 85% (trong khi chỉ số này ở người bình thường là trên 95%); phổi thông khí kém, mạch quay bắt yếu, huyết áp không đo được, trẻ li bì. Bệnh nhi được chẩn đoán phản vệ độ 3 do ong vò vẽ đốt.
Trong giờ điều trị thứ nhất, bệnh nhi được tiêm bắp Adrenalin 3 liều, thở oxy. Sau 15 phút cấp cứu, trẻ đỡ tím tái, nổi ban đỏ toàn thân, phổi thông khí được, tim đều, nhịp nhanh, mạch quay bắt được, huyết áp đo được nhưng còn thấp.
Bệnh nhi được đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch điện giải, duy trì Adrenalin tĩnh mạch 0.1 mcg/kg/phút. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi tỉnh táo hơn, không còn khó thở, tình trạng toàn thân ổn định nên được cho xuất viện về nhà.
Sau đó không lâu, ngày 26/10, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi (trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng rất nặng, nguyên nhân cũng do bị ong đốt.
Khai thác bệnh cảnh được biết, gia đình bệnh nhi có nuôi một tổ ong vò vẽ. Trong khi đang chơi đùa ngoài sân, bệnh nhi bị tổ ong rơi trúng đầu và bị đốt 25 nốt.
Bệnh nhi được chẩn đoán suy gan, suy thận cấp, biến chứng tiêu cơ vân do ong vò vẽ đốt, vùng đầu, mạch cổ có nhiều vết ong đốt, đa mạch cổ hoại tử trung tâm.
Bệnh nhi đã được xử trí đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch điện giải, bài niệu cưỡng bức đồng thời với chăm sóc vết ong đốt.
Sau 5 ngày điều tích cực, tình trạng bệnh nhi ổn định, không còn tiêu cơ vân, chức năng gan, thận đều ổn định nên được cho xuất viện.
Cần làm gì khi bị ong đốt?
Theo thống kê tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trong vòng một tháng qua, khoa đã tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều trường hợp bị ong đốt. Phần lớn các bé nhập viện với các triệu chứng nhẹ như nổi ban, sưng đau tại chỗ… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng ghi nhận một số trường hợp nặng, suy gan, suy thận, sốc phản vệ, tiêu cơ…
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, phụ huynh cần nhanh chóng di chuyển bé tới khu vực an toàn, tránh bị ong đốt nhiều nốt hơn; tuyệt đối không được nặn bóp vết ong đốt vì việc làm này sẽ giải phóng nọc độc của ong. Thay vào đó cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hướng dẫn xử trí đúng.
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ bị ong đốt nhiều nốt, bị đốt vào các vùng đầu, mặt, cổ kèm theo các triệu chứng như: phù nề lan nhanh, sốt, mệt mỏi, khó thở, tiểu ít hoặc dị ứng, mẩn ngứa, choáng váng, chóng mặt… cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần tăng cường giáo dục trẻ, không cho trẻ chơi ở quanh khu vực bụi rậm, có tổ ong. Nếu phát hiện thấy quanh khu vực sống hoặc khu vui chơi của trẻ có tổ ong thì cần nhanh chóng phá bỏ, đảm bảo an toàn cho trẻ.