Ngày 17/10, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã công bố phán quyết sau khi nghe các cuộc tranh luận vào tháng 4 và tháng 5, với ba trong số năm thẩm phán cho rằng vấn đề này nên được quốc hội quyết định.
Chánh án Dhananjaya Yeshwant Chandrachud nói: "Kkhi thực hiện quyền giám sát tư pháp, tòa án phải tránh xa các vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách, thuộc lĩnh vực lập pháp".
Thay vào đó, tòa án đã tán thành đề xuất của Chính phủ Ấn Độ về việc thành lập một hội đồng để xem xét cấp một số quyền và lợi ích nhất định cho các cặp đôi đồng giới.
Ông Chandrachud cho biết, các bang nên cung cấp một số biện pháp bảo vệ pháp lý cho những cặp đôi đồng giới, lập luận rằng việc từ chối "các lợi ích và dịch vụ" dành cho các cặp đôi dị tính là vi phạm các quyền cơ bản của họ.
Ông nói: "Việc lựa chọn bạn đời là một phần không thể thiếu trong việc lựa chọn con đường sống của một người. Một số người có thể coi đây là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Quyền này là gốc rễ của quyền sống và quyền tự do theo Điều 21 (hiến pháp Ấn Độ)".
Chính phủ Ấn Độ cũng nên thực hiện các bước để đảm bảo rằng người LGBTQ không phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bao gồm việc thiết lập đường dây nóng và nhà ở an toàn cho những người dễ bị tổn thương và chấm dứt những thủ tục y tế nhằm thay đổi bản dạng giới hoặc xu hướng tính dục.
Phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ được đưa ra sau một bản kiến nghị cho rằng việc không công nhận các cặp đôi đồng giới đã vi phạm các quyền hiến định của người LGBTQ.
Phán quyết hôm 17/10 được đưa ra 5 năm sau khi Tòa án Tối cao nước này bãi bỏ lệnh cấm quan hệ tình dục đồng tính từ thời thuộc địa.
Tại châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal là hai nơi duy nhất trong khu vực công nhận hôn nhân đồng giới.
Mặc dù đồng tính luyến ái ở Ấn Độ đã được hợp pháp hóa kể từ năm 2018, các nhà hoạt động LGBTQ nói rằng những người thiểu số về tính dục thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày của họ.