Sau hơn 18 giờ giải cứu máy bay Vietjet trượt đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng ngành hàng không đã có báo cáo đầy đủ quá trình xử lý, cứu hộ máy bay đưa vào hangar để sửa chữa, giải phóng đường băng và giải phóng sân bay sau nhiều giờ phải dừng hoạt động.
Máy bay trượt dài 650m ngoài lề cỏ, may không bốc cháy
Thông tin từ Tân Sơn Nhất cho biết lúc 12 giờ 22 ngày 14/6, trực ban trưởng sân bay nhận được thông tin máy bay Airbus A321, số hiệu VNA657 của Vietjet từ Phú Quốc về TP.HCM bị trượt ra khỏi lề phải đường băng 25L/07R (đường băng 25 trái). Cơ trưởng chuyến bay là phi công có quốc tịch Ấn Độ, cơ phó là phi công quốc tịch Sri Lanka
Ngay khi nhận tin báo, trực ban trưởng triển khai khẩn nguy hoàn toàn đến các đơn vị liên quan, đồng thời huy động Vietjet và Công ty dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) khẩn trương cho xe kéo, thợ máy, xe thang, xe buýt ra giải tỏa khách khỏi máy bay.
Thời điểm 12 giờ 24, xe cứu hỏa tiếp cận máy bay nhưng không có dấu hiệu cháy nổ. Đến 12 giờ 41, xe thang ra tiếp cận máy bay nhưng do nền đất cỏ bị lún nên phải yêu cầu thang kỹ thuật của thợ máy ra hỗ trợ. Sau 9 phút, thợ máy có mặt kiểm tra và dùng thang thang kỹ thuật tiếp cận để đưa các hành khách đầu tiên xuống máy bay.
Đến 13 giờ 50, toàn bộ 217 hành khách (có 6 trẻ em) xuống khỏi máy bay an toàn, lên xe buýt vào ga đến quốc nội. Lúc 14 giờ 05, toàn bộ hành lý từ máy bay được đưa vào nhà ga.
Qua kiểm tra, các đơn vị xác định: vị trí máy bay bắt đầu xông ra lề bắc đường băng 25 trái là ở tấm bêtông số 428. Máy bay chạy dọc theo lề đường băng kéo dài 650m rồi dừng lại tại vị trí ngang hàng tấm bêtông 320. Toàn bộ máy bay dừng trên lề cỏ, càng chính máy bay cách tim đường băng 25 trái 54m, càng mũi máy bay cách tim đường băng 50,6m.
Tổ xử lý sự cố cũng thu tại hiện trường 3 mảnh kim loại có kích thước 72x45cm, 23x19cm, 37x15cm được tìm thấy tại khu vực lề cỏ giữa đường lăn NS 1 và E 1, nghi ngờ là bộ phận cánh tà của máy bay.
Rải đá lên nền đất, lu lèn và lắp tấm ghi để kéo máy bay ra
Cùng lúc với giải tỏa hành khách, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã yêu cầu Vietjet lập, triển khai phương án dùng kích, thay lốp máy bay bị vỡ để di dời máy bay.
Đồng thời, Trung tâm Khai thác khu bay Tân Sơn Nhất phối hợp với Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không - ACC, vận chuyển các tấm ghi, triển khai nhân sự lắp đặt đường tạm để cho máy bay có thể di chuyển.
Đến 22h15, sân bay Tân Sơn Nhất và Hãng Vietjet phối hợp với sư đoàn không quân 370 triển khai thêm lực lượng quân đội, nhân viên thi công, xe xúc, xe chở đá, xe chở tấm ghi tiến hành rải đá lên nền đất, lu lèn và lắp đặt ghi để thiết lập đường tạm kéo máy bay.
Đến 1 giờ ngày 15/6, Công ty SAGS đưa xe kéo đẩy, cần đẩy kết nối vào máy bay để chuẩn bị kéo tàu. Nhưng trong 35 phút tiếp theo việc kéo máy bay được tiến hành 3 lần nhưng không thành công do cần đẩy bị gãy chốt và lốp càng chính của máy bay bị lún sâu xuống nền đất.
Bắt đầu từ 1 giờ 40 đến 3 giờ 40 ngày 15/6, Vietjet tiếp tục thay lốp càng chính để kéo lại và sư đoàn không quân 370, Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không hỗ trợ xúc đất, rải đá, lắp đặt thêm tấm ghi để cho lốp càng chính di chuyển.
Từ 5 giờ 03 đến 05 giờ 25 máy bay được kéo ra khỏi vị trí lún trong lề cỏ và kéo lên đường băng lúc 5h50. Đến 6 giờ 30 ngày 15/6, máy bay bắt đầu được kéo về hangar H1. Sau đó, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất triển khai xe cứu hỏa tiến hành vệ sinh, kiểm tra sân đường để đưa đường băng 25 trái vào khai thác lúc 8 giờ 30 ngày 15/6.
Máy bay A 321 trượt khỏi đường băng đã khiến đường băng 25 trái ngừng khai thác từ 12 giờ 22 ngày 14/6 đến 8 giờ 30 ngày 15/6. Máy bay bị trượt cũng làm 4 đèn lề đường băng bị gãy, 3 đường lăn khác cũng bị gãy đèn lề đường.
Tại thời điểm máy bay trượt khỏi đường băng có 7 chuyến bay đang lăn ra đường băng phải quay lại sân đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất, 20 chuyến bay đang bay đến Tân Sơn Nhất phải chuyển hướng các sân bay khác.
Các chuyến bay còn lại đi/đến Tân Sơn Nhất trong ngày 14/6 bị chậm chuyến đến sau 18 giờ 25 mới khởi hành được.
Do đường băng 25 phải ( 25R/07L) của Tân Sơn Nhất đóng cửa từ ngày 9 đến 17/6 để khảo sát phương án nâng nên sân bay Tân Sơn Nhất tạm thời đóng cửa từ 12h22.
Sân bay này cũng thu gom toàn bộ các dụng cụ khảo sát, làm việc trên đường băng 25 phải ra ngoài lề, trám vá khoảng gần 50 lỗ khoan trên đường băng, tẩy các tín hiệu đóng cửa và vệ sinh toàn bộ đường băng để đưa đường băng này vào khai thác thay thế đường băng 25 trái vào lúc 18 giờ 25 ngày 14/6.
Tình hình khí tượng tại Tân Sơn Nhất trong thời điểm máy bay hạ cánh bị trượt khỏi đường băng: lúc 12h22 ngày 14/6, hướng gió 280 độ, tốc độ gió 13 knot (cấp 4), giật 26 knot (cấp 6), hướng gió thay đổi 200-290 độ, tầm nhìn đường băng 25L trái 1.400m, có mưa rào lớn.
Dự báo đến 12h50, hướng gió 240 độ, tốc độ gió 15 knot (cấp 5) giật 28 knot (cấp 7), tầm nhìn 1.500m, có mưa dông lớn.
Sự cố máy bay trượt khỏi đường băng là đặc biệt nghiêm trọng
“Đây là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu có thể nhận định lỗi lớn ở phi công”, đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 15/6.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khi máy bay hạ cánh, phi công thực hiện theo lệnh cấp phép của cơ quan quản lý bay, nhưng phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không.
Với diễn biến thời tiết phức tạp, phi công cần đánh giá đúng tình hình để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Kể cả khi nhận huấn lệnh hạ cánh thì phi công cũng có thể xin chuyển hướng và thực hiện hạ cánh ở sân bay dự bị hoặc phải bay chờ.
Tuy nhiên, trường hợp chuyến bay VJ322, phi công đã quyết định hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và sự cố đã xảy ra. Tổ điều tra sẽ đọc thông tin hộp đen để làm rõ, đặc biệt là quyết định hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất của phi công Vietjet.
“Nếu kết luận xác định là lỗi của hãng và phi công thì việc xử lý sẽ được thực hiện nghiêm khắc theo quy định”, ông Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay sau đó Bộ GTVT đã yêu cầu Tổ điều tra của Cục Hàng không làm rõ nhóm điều hành bay tại Tân Sơn Nhất, làm rõ lệnh của quản lý bay cho phép phi công hạ cánh, các số liệu liên quan đến chuyến bay, điều kiện thời tiết mà quản lý bay nắm được.
“Công tác điều tra có liên quan tới rất nhiều việc, trong đó quan trọng nhất là đọc thông tin dữ liệu hộp đen, ghi nhận ý kiến đánh giá của chuyên gia, đảm bảo kết quả điều tra chính xác, kịp thời. Bộ GTVT yêu cầu phải khẩn trương điều tra và có kết luận trong thời gian sớm nhất có thể”, ông Thể nói./.