Phần lớn thời điểm năm 2020, Indonesia dường như đã giữ được Covid-19 nằm trong tầm kiểm soát của mình. Nhưng mọi chuyện giờ đã đổi thay một cách chóng mặt.
Ở thời điểm hiện tại, đảo quốc 270 triệu dân của Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch mới nhất tại châu Á, với số ca nhiễm và tử vong trong làn sóng dịch bệnh lần 2 còn nhiều hơn cả Ấn Độ bây giờ. Với hàng vạn ca nhiễm mới mỗi ngày, các chuyên gia đang lo sợ rằng hệ thống y tế của đất nước có thể bị đẩy vào bờ vực thảm họa, nếu như virus vẫn tiếp tục lây lan không ngừng như hiện tại.
Dịch bệnh của Indonesia - tại sao xảy ra?
Những ca nhiễm bắt đầu tăng tại Indonesia kể từ cuối tháng 5, sau lễ hội Eid Al-Fitr đánh dấu sự kết thúc tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Rất nhanh chóng, mọi chuyện trở nên mất kiểm soát.
Một phần lý do của câu chuyện này - theo các chuyên gia y tế - còn nằm ở Delta, biến chủng đang được xem là hoàn hảo nhất của Covid-19, với khả năng lây nhiễm mạnh hơn, nhanh hơn và độc lực cũng cao hơn.
Những con đường đông đúc của Jakarta ngày nào nay trở nên vắng lặng
"Mỗi ngày chúng ta phải chứng kiến cảnh Delta hướng đất nước đến bờ vực của một thảm họa," - Jan Gelfand, trưởng phái đoàn Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) nhận định vào cuối tháng 6.
Có những ý kiến chỉ trích nhắm đến chính phủ Indonesia khi đã phản ứng quá chậm trễ trong việc quyết định phong tỏa từ cuối năm 2020, cũng như quá trình truy vết và xét nghiệm không đáp ứng được nhu cầu.
Tính đến ngày 20/7/2021, Indonesia ghi nhận tổng cộng gần 3 triệu ca nhiễm, hơn 76.000 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng con số thực tế phải lớn hơn như vậy, do đất nước đang thiếu hụt bộ xét nghiệm.
Hơn nữa theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, việc không thể tích cực xét nghiệm sẽ là một vấn đề lớn. Ước tính, 50% các tỉnh của Indonesia có tỉ lệ xét nghiệm dưới tiêu chuẩn của tổ chức. "Khi không xét nghiệm đủ, nhiều tỉnh sẽ không thể cách ly kịp thời các ca nhiễm."
Người mẹ khóc thương con trai thiệt mạng vì Covid-19 tại Indonesia
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết vào đầu tháng 7, nhà chức trách đã không lường được việc virus có thể lây lan nhanh đến mức kinh khủng như vậy trong làn sóng dịch lần này. Hiện tại, các hòn đảo như Java và Bali đã được áp lệnh phong tỏa khẩn cấp từ ngày 3/7, cùng với nhiều thành phố khác nữa. Việc di chuyển trong nội địa bị hạn chế hoàn toàn, chỉ có ngoại lệ cho những ai có giấy xét nghiệm âm tính.
Ngày 20/7, chính phủ Indonesia ra quyết định kéo dài thời hạn giãn cách đến ngày 25.
Những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất
Đó là 2 hòn đảo đông cư dân nhất - Java và Sumatra. Cả hai đều chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh kể từ khi làn sóng dịch lần 2 xuất hiện.
Tại huyện Kudus thuộc Trung Java, số ca nhiễm tăng tới 7600% trong vòng 4 tuần kể từ sau lễ Eid Al-Fitr - theo ghi nhận của Reuters vào ngày 11/6. Các bệnh viện tại Java đều rơi vào tình trạng bế tắc, khi số ca nhập viện tăng nhanh còn lượng oxy dự trữ ngày càng xuống thấp. Hệ quả, giá oxy y tế cũng tăng không kiểm soát.
Người dân xếp hàng mua oxy
Hơn 60 người đã chết tại một khu điều trị ở Java vào đầu tháng 7, sau khi bệnh viện cạn kiệt oxy. Dẫu vậy, người phát ngôn của bệnh viện không khẳng định rằng toàn bộ số người tử vong đều là vì Covid-19.
Ở Jakarta, gần 1/2 trong tổng số 10,6 triệu dân của thủ đô đất nước có lẽ đã nhiễm Covid-19 - theo như một khảo sát thực hiện vào ngày 10/7. Với 5000 mẫu xét nghiệm trong giai đoạn từ 15 - 31/3, 44,5% đã có kháng thể, nghĩa là họ đã từng nhiễm bệnh.
Tại tỉnh Riau (Sumatra), số ca nhiễm mỗi ngày đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 4/2021, lên đến hơn 800 vào giữa tháng 5. Đến đầu tháng 6, tỉ lệ dương tính khi xét nghiệm là 35,8%.
Và theo như WHO, xu hướng dịch bệnh đã tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh của Sumatra kể từ tháng 4.
Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất
Làn sóng dịch lần 2 tại Indonesia ảnh hưởng đến toàn bộ nhóm tuổi, chứ không riêng gì người già. Đáng chú ý, số trẻ em chết vì virus đã tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây.
Kể từ đầu đại dịch, có 550 trẻ em đã tử vong, và 27% số đó ra đi chỉ trong vài tuần đầu tháng 7. Đa số các bậc phụ huynh đã nhầm tưởng triệu chứng Covid-19 với bệnh cảm cúm thông thường và không cho con đi xét nghiệm.
"Đến khi họ nhận ra đó là Covid-19, tình trạng của các cháu đã rất tệ," - Aman B. Pulungan, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia cho biết. "Khi họ đưa trẻ đến bệnh viện, chúng tôi không còn đủ thời gian để cứu các cháu nữa. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên."
Các nhân viên tuyến đầu chống dịch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đầu tháng 7, hơn 350 bác sĩ và công nhân viên y tế tại Java đã nhiệm Covid-19, dù đã tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine Sinovac của Trung Quốc. Đa số không có triệu chứng và có thể tự cách ly tại nhà, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải nhập viện trong tình trạng sốt cao và mức bão hòa oxy trong máu tụt thấp.
Chương trình tiêm chủng
Hiện tại, chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia phụ thuộc vào vaccine Sinovac từ Trung Quốc. Chương trình được triển khai từ tháng 1/2021, ưu tiên cho các nhân viên tuyến đầu chống dịch, sau đó là dịch vụ công, rồi đến đại đa số công chúng.
Nhưng chiến dịch ấy khởi động một cách chậm chạp, một phần vì nghi ngờ hiệu quả của Sinovac với các biến chủng mới, và phần khác ở chỗ nhà chức trách gặp khó trong việc kêu gọi người dân tiêm chủng.
Ngày 14/7, Tổng thống Joko Widodo cho biết vaccine là "niềm hy vọng để khôi phục đất nước khỏi một thảm họa toàn cầu". Nhưng đến ngày 20/7, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của Indonesia mới chỉ đạt 6% mà thôi. Tại Jakarta, hơn 2 triệu người - khoảng 23% dân số thành phố - tiêm đủ 2 liều.
Indonesia đã nhận được hơn 11,7 triệu liều AstraZeneca thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX. Ngoài ra còn có 4,5 triệu liều Moderna do Mỹ viện trợ. Bộ trưởng Bộ Y tế Budi vào ngày 11/7 cho biết toàn bộ các công nhân viên y tế sẽ được tiêm thêm 1 mũi vaccine thứ 3 của Moderna để tăng khả năng miễn dịch.
Đại dịch "Tin đồn"
Một trong những trở ngại lớn nhất của Indonesia vào lúc này là sự lan truyền các thông tin không xác thực. Theo thống kê của UNICEF hồi tháng 5, những tin đồn sai lệch trên mạng xã hội đã vô tình tạo ra nỗi sợ cho cộng đồng, khiến họ ngần ngại tiêm vaccine và không còn tuân thủ giãn cách xã hội.
Một khảo sát khác của Bộ Thông tin Ấn Độ cho thấy 64-79% người tham gia không thể phân biệt được các thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Và đại đa số công chúng cho biết họ chủ yếu tìm kiếm thông tin trên các nền tảng này mà thôi.
"Khi Covid-19 là một dịch bệnh mới, ngay cả các chuyên gia cũng đang phải tìm hiểu," - Rizky Syafitri, chuyên gia từ UNICEF cho biết. "Hệ quả, nhiều người gặp khó trong việc tìm kiếm thông tin cập nhật, tạo điều kiện cho những kẻ nhân cơ hội phát tán tin đồn sai lệch."