Đó chỉ là vài trường hợp "dở cười dở mếu", thậm chí rơi nước mắt trong thực tế tác nghiệp của các hòa giải viên cơ sở.
Hòa giải viên "huy động" người "gỡ khó"
Nhắc lại những câu chuyện hòa giải bất thành, chị Lê Thị Thơm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội, không khỏi buồn phiền. Nhiều cặp đôi gặp trục trặc hôn nhân, các hòa giải viên thôn xã đã cố gắng áp dụng cả nhu, cương để “điều trị” thì kết quả đạt được vẫn không như mong muốn.
Có nhiều trường hợp mà các cặp đôi thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau đến nỗi tổ hòa giải phải nghĩ hết cách này đến cách nọ thì mới có thể dàn xếp. Cũng có một số trường hơp hòa giải viên bất lực và chuyện về các gia đình ấy đong đầy nước mắt.
Chị Thơm vẫn nhớ trường hợp hòa giải cho một cặp đôi và bị người chồng vác dao dọa chém. Anh chồng này có vẻ ngoài bình thường, thậm chí còn bị hở hàm ếch, so với chị vợ thì nhan sắc có phần kém cỏi hơn.
Vợ anh ta rất sắc sảo, chồng không giỏi làm ăn buôn bán nên một tay chị gây dựng cơ đồ cho nhà chồng. Mặc dù chỉ đi buôn đồng nát song nhờ có duyên và nhanh nhẹn hoạt bát nên thu nhập hằng ngày của chị rất khá. Số tiền kiếm được nhờ biết dành dụm nên chị xây được ngôi nhà khang trang.
Mặc dù chồng bất tài nhưng chị vợ lại rất yêu và chiều chồng. Hầu như bữa nào chị cũng mua đầy đủ đồ nhắm để chồng uống rượu.
Có lẽ vì được chiều chuộng quá nên anh chồng “sinh hư”. Không phải là trụ cột kinh tế gia đình nhưng cứ rượu vào lời ra, anh ta lại nói năng lảm nhảm rồi chửi bới vô cớ. Vì lẽ đó nên hai người cũng rất hay cãi vã.
Bình thường mẹ chồng nếu hiểu lý lẽ thì sẽ bênh vực con dâu. Thế nhưng bà lại rất chiều con trai nên hễ xung đột xảy ra là "bênh con trai chằm chặp". Mâu thuẫn được đẩy cao và chuyện hai vợ chồng to tiếng, cãi vã không phải chuyện hiếm.
Trong một lần cãi vã, anh chồng đuổi đánh chị vợ khiến thôn xóm nhốn nháo, ban hòa giải của thôn, xã đã tìm đến khuyên can. Thế nhưng, vừa nhìn thấy các cán bộ hòa giải, anh chồng hung dữ chạy vào nhà vác ra con dao to, mắt long sòng sọc, cầm dao chỉ thẳng vào mặt những người làm công tác hòa giải: “Chuyện gia đình tao, tao giải quyết, không khiến ai can thiệp”.
“Biết rằng anh ta lúc đó đang nóng nên không ai nói gì, tự động lùi ra xa. Tổ hòa giải biết được anh này sợ bà cô của mình, nên đã gọi bà cô đấy đến. Anh này rất sợ cô nên khi bà này sang thì mọi chuyện được yên ổn”, chị Thơm nhớ lại.
Đây là một trong những "ca" khó mà tổ hòa giải đành suýt "bó tay”.
Những kỷ niệm vui khi làm hòa giải viên
Có một cặp vợ chồng, cô vợ xinh gái, buôn bán giỏi giang, chồng hay ghen thỉnh thoảng hay cãi cọ nhau nhưng thực chất anh này rất tình cảm , câu nào cũng "anh anh em em" rất ngọt ngào, bản tính lại hay sỹ diện. Đến lúc cãi cọ, chị vợ muốn mời tổ hòa giải.
Thấy vợ hay mời người hòa giải trong những lần hai vợ chồng cãi vã. Người chồng đã dặn vợ rằng: "Nếu những lần anh có to tiếng thì em chỉ mời chị Thơm đến khuyên can anh thôi nhé".
Chị Thơm lấy làm vui khi được sự tin tưởng từ anh chồng đó, nhưng chị cũng thấy hài hước là tại sao người chồng biết dặn vợ thế nhưng vẫn to tiếng và gọi chị tới thường xuyên.
Một lần anh chị to tiếng với nhau, thì chị Thơm và mấy người hòa giải nữa cùng đến. Người vợ nhờ cô Thơm và tổ hòa giải lập biên bản, làm người chồng nổi khùng lên đòi đánh. Biết người chồng có tính sỹ diễn nên chị Thơm đã bảo "có gì đâu mà lập biên bản, chuyện vợ chồng có khúc mắc thì nói rõ là xong thôi mà", khi đấy người chồng mới nguôi giận, và ngồi xuống giãi bày nỗi niềm.
Sau vụ đó, hai vợ chồng lại hòa thuận. Chị vợ còn mua tặng chị Thơm và chi hội trưởng phụ nữ thôn mỗi người một chiếc áo.
Lại có cặp vợ chồng đã đông đủ cháu nội cháu ngoại nhưng chồng hay say xỉn nên chồng đánh vợ như cơm bữa. Cô Thơm phải đến tận nhà để nói chuyện với ông chồng, lúc đến thì bát đũa, nồi niêu đang vứt loẻng xoẻng ngoài sân vì ông ta vừa say rượu và đánh vợ xong.
Biết tình thế không thể ngồi nói chuyện phân bua khúc mắc giữa hai vợ chồng này, chị Thơm đã đưa luật bạo hành gia đình ra để phân tích mức độ vi phạm nặng nhẽ. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ phân tích gãy gọn, ông chồng đã nhận lỗi và hứa sẽ không đánh vợ nữa.
Câu chuyện đẫm nước mắt khiến hòa giải viên day dứt
Có một số vụ việc hòa giải không thành đều khiến chị Thơm trăn trở. Nhưng có lẽ vụ việc khiến cô buồn và “sốc” nhất là chuyện chồng rượu chè thường xuyên đánh đập vợ, dẫn đến, người vợ "tức nước vỡ bờ", không làm chủ được hành vi đã “xuống tay” giết chồng.
Người vợ trong câu chuyện tên Minh (sinh năm 1963), ông chồng tên Hòa (sinh năm 1958), cả hai đều là người thôn Bãi, xã Cao Viên.
Theo lời chị Thơm thì bà Minh là người phụ nữ rất đảm đang, tháo vát. Lấy nhau, sinh được được một bé gái thì bà Minh không thể chịu đựng nổi tính tình côn đồ, thường xuyên rượu chè, đánh đập vợ của ông Hòa. Bà bỏ chồng, đi tận Hòa Bình làm ăn. Đứa con chung của hai người ở cùng bố không lâu thì mất.
Ông Hòa đi lấy vợ hai thì sinh thêm được một con gái. Nhưng với bản tính của ông Hòa, dường như khó có người phụ nữ nào chung sống được lâu dài. Thế nên chỉ sau một thời gian ngắn gắn bó, ông Hòa và vợ hai chia tay. Ông lên Hòa Bình đón bà Minh về “nối lại tình xưa”. Vì vẫn còn tình cảm với ông Hòa nên bà Minh về sống cùng, sau đó sinh được thêm 2 người con.
Là người giỏi thu vén nên kinh tế trong gia đình đa phần do một tay bà Minh dựng dạo. Ông Hòa vốn bê tha rượu chè nên không chỉ không giúp đỡ kinh tế cho vợ mà còn thường xuyên bị “ma men” điều khiển, đánh đập vợ con.
Bà Minh cứ sắm sửa được cái gì, ông lên cơn say là đập nát hết. Những lần mới cãi vã, người trong thôn trong xóm còn tới can thiệp, khuyên giải, ban hòa giải cũng vào cuộc nhiều lần nhưng hòa thuận được mấy hôm rồi vẫn “đâu đóng đấy” nên không ai còn thiết tha với chuyện cãi nhau như cơm bữa của gia đình ông Hòa bà Minh nữa.
Có những lúc thầy gia đình bà Minh "lặng lẽ", chị Thơm vẫn ghé qua để trò chuyện với bà Minh và ông Hòa. Chị có tâm sự với họ nhiều thứ, khuyên giải và mong muốn hai vợ chông ông Hòa và bà Minh cố gắng làm ăn, sinh thêm mụm con. Nhất là ông Hòa không còn rượu chè nữa, hãy tu chí làm ăn giúp đỡ bà Minh. Nghe chị Thơm nói, cả hai ông bà đều gật đầu quyết chí. Nhưng lại được mấy hôm chị Thơm lại phải chứng kiến cảnh vợ chồng ông bà cãi vã, xô xát nhau.
Khi “con giun xéo lắm cũng quằn”, trong một lần bị chồng đánh đập, chửi bới rồi đem hết quần áo của mình ra sân đốt, bà Minh đã cầm kéo đâm chồng khiến nạn nhân tử vong.
Có những vụ hòa giải tưởng thành công nhưng cuối cùng vẫn không cứu vãn được hạnh phúc các cặp đôi... Đó là chuyện của một cặp đôi trẻ tuổi xích mích chỉ vì anh chồng hiền lành luôn nghe lời mẹ khiến cô vợ không chịu nổi uất ức đã để lại lá thư đầm đìa nước mắt rồi bỏ đi giữa đêm khuya; chuyện cặp vợ chồng mâu thuẫn vì tính “lả lơi” của chị vợ, lần hòa giải đầu thành công, tưởng như sợi dây hạnh phúc được nối lại nhưng cuối cùng kết thúc cho cuộc hôn nhân ấy vẫn là lá đơn ly hôn có đủ 2 chữ ký...
Luôn nỗ lực để "gương vỡ lại lành"
Còn ông Nguyễn Xuân Phượng (70 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) thì đã làm công việc của người “vác tù và hàng tổng” được 10 năm nay. Trong quãng thời gian đó, ông đã giúp đỡ không biết bao đôi vợ chồng hiểu nhau, sống đầm ấm hơn. Công việc không có lương nhưng niềm hạnh phúc khi chứng kiến những cặp vợ chồng “gương vỡ lại lành” ấy khiến ông có động lực để tìm hiểu và tiến hành các vụ hòa giải.
Ông cho biết, xã hội càng hiện đại thì dường như chuyện tan vỡ gia đình ngày càng phổ biến hơn. Trước ở làng ở quê hiếm lắm mới thấy có đôi trục trặc dẫn tới bỏ nhau song hiện giờ số vụ đã nhiều hơn. Mỗi năm, ông đều tham gia các vụ hòa giải từ to đến nhỏ: ghen tuông, cãi vã cho tới việc quyết định ly hôn.
Cái khó của những hòa giải viên cơ sở như ông Phượng, cô Thơm chính là người dân ở nhiều thôn quê, làng xã trình độ dân trí còn thấp, vẫn "trọng nam khinh nữ", người đàn ông quen sống gia trưởng, người phụ nữ luôn luôn chịu nhịn nhục, để người chồng hành hung. Hoặc là người phụ nữ vì quá uất ức, quẫn trí nên đã có những hành động thiếu suy nghĩ....
Để hòa giải các cặp đôi "sứt mẻ" thành công, hòa giải viên phải bàn họp, nghĩ nhiều cách khác nhau.
Các hòa giải viên mong muốn giúp những cặp vợ chồng trong thôn quê của mình hiểu rõ về pháp luật, nhất là luật bạo hành gia đình. Họ chịu nghe lời của các hòa giải viên để sống tốt hơn, đầm ấm hơn. Ngoài ra chị Thơm cũng mong muốn các ban ngành phối hợp với nhau can thiệp sớm vào các vụ việc để không có những hậu quả đau lòng xảy ra, vì chị cho rằng hòa giải viên cũng chỉ giúp được một phần nhỏ vào việc hàn gắn các gia đình đang "sứt mẻ".