Giống hầu hết các vấn đề về sức khỏe gây mất cân bằng hormone, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) dẫn tới một loạt các triệu chứng không mấy dễ chịu như chu kỳ kinh nguyệt không đều, tăng cân ngoài ý muốn và xuất hiện mụn trứng cá. Tuy nhiên, nhiều người lại không ngờ tới một dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng này là rụng tóc.
Rụng tóc hoặc tóc mỏng do PCOS thường được gọi là chứng rụng tóc kiểu hói nữ (FPHL) hoặc chứng rụng tóc nội tiết tố androgen. Nếu bạn đang gặp phải hiện tượng tương tự hoặc băn khoăn về điều này, hãy tham khảo thông tin đến từ các chuyên gia dưới đây:
Tại sao PCOS có thể gây rụng tóc?
Meggie Smith, bác sĩ phụ khoa kiêm chuyên gia về nội tiết và sức khỏe sinh sản ở Nashville, Hoa Kỳ giải thích, tất cả bắt nguồn từ hormone trong cơ thể. PCOS có thể góp phần gây rụng tóc do chúng làm tăng testosterone, hormone ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc. Theo bác sĩ Meggie, rụng tóc có xu hướng xuất hiện quanh thái dương và vùng trán. Hiện tượng này khác với chứng hói đầu ở nam giới, tình trạng khiến chân tóc bị thụt xuống và mất dần trên đỉnh đầu.
Trên thực tế, rụng tóc thực sự không phải là triệu chứng phổ biến của PCOS do tình trạng này thường xuất hiện khi nồng độ androgen ở mức khá cao. Lauren Streicher, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư về sản phụ khoa tại Trường Y Feinberg trực thuộc Đại học Northwestern cho biết, ngay cả khi không mắc PCOS, cơ thể bạn vẫn sản sinh ra các androgen, trong đó bao gồm testosterone. Nam giới thường sở hữu nhiều hormone này hơn phụ nữ nên chúng thường được gọi là nội tiết tố nam.
Androgen có liên quan đến tuổi dậy thì và sự phát triển lông ở vùng da dưới cánh tay. Nếu bạn mắc PCOS, cơ thể sẽ sản xuất thêm chất này, từ đó kích thích mọc lông ở những nơi như mặt, cổ, ngực và thân trên.
Cần làm gì khi bị rụng tóc do PCOS?
Với trường hợp hói đầu ở nam giới, nang tóc bị mất đi hoàn toàn nên tóc sẽ không bao giờ có thể mọc lại một cách tự nhiên. Trong khi đó, nang tóc ở phụ nữ vẫn còn nguyên nên bạn có khả năng kích thích mọc tóc bằng một số phương pháp điều trị nhất định.
Chuyên gia Lauren cho biết, quá trình điều trị rụng tóc liên quan đến PCOS thường được thay đổi sao cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể và mức độ nghiêm trọng. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là dùng thuốc minoxidil, hay còn gọi là Rogaine.
Uống thuốc tránh thai là biện pháp phổ biến khác để điều trị PCOS và ngăn ngừa các triệu chứng do tình trạng này gây ra. Bác sĩ Meggie đã chỉ ra, loại thuốc này giúp giảm testosterone bằng cách tăng globulin liên kết hormone giới tính (SHBG).
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một số phương pháp khác như massage tóc và da đầu hàng ngày hoặc thực hiện liệu pháp laser ở cường độ thấp để kích thích mọc tóc. Spironolactone, loại thuốc từng được sử dụng để điều trị huyết áp cao, cũng có thể được kê nhằm cải thiện chứng rụng tóc nội tiết tố androgen.
Nếu bạn muốn tìm tới các biện pháp tự nhiên hơn để thúc đẩy sự phát triển của tóc, hãy bổ sung vitamin và các chất như biotin, collagen, kẽm. Dù lựa chọn phương pháp nào, mọi người đều cần có sự kiên nhẫn. Theo chuyên gia Lauren, bạn có thể phải mất tới vài tháng để tóc mọc trở lại.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ để điều trị rụng tóc?
Như đã đề cập, ngoài rụng tóc, PCOS cũng kéo theo các các triệu chứng khác như kinh nguyệt không đều, tăng mụn trứng cá hoặc tăng cân ngoài ý muốn.
Khi mắc chứng rụng tóc liên quan đến tình trạng này, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ người có nhiều chuyên môn như bác sĩ phụ khoa kiêm bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết sinh sản. Theo chuyên gia Lauren: “Một số người bực bội vì cảm thấy bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ nội tiết đang điều trị PCOS cho họ không giải quyết những vấn đề như rụng tóc”. Nhiều người không nhận ra rằng bác sĩ da liễu mới là chuyên gia về rụng tóc và có chuyên môn nhất trong việc giải quyết vấn đề này.