Tôi cứ mắc kẹt với nỗi đau ở quá khứ, cái ngày mà mẹ mất nhưng tìm mãi chẳng thấy bố đâu
Tôi mãi mãi mắc kẹt ở tuổi 18 kể từ ngày mẹ mất.
Cho 2 bé mèo ăn xong thì chuông đồng hồ gõ báo 10h tối. Bố vẫn chưa về như mọi ngày. À không, là 6 năm qua bố vẫn thế chứ. Ông luôn bận một cách khó hiểu, còn tôi cũng cố gắng lao đầu vào bận bịu để quên đi nỗi đau mất mẹ...
Nhà tôi không hề nghèo, bởi bố tôi là một người đàn ông giỏi giang. Ông chăm chỉ, tháo vát, và đặc biệt luôn hi sinh mọi thứ vì gia đình. Lúc mới cưới mẹ, tài sản của 2 người chỉ có mỗi chiếc xe đạp. Nhưng mẹ chưa từng phải lao động vất vả, cũng chưa phải nhịn đói bữa nào. Bố là người làm nhiều hơn nói, chưa bao giờ bố thất hứa với bất kỳ ai. Ấy thế mà sau khi mẹ qua đời, ông thay đổi thành một người hoàn toàn khác.
6 năm trôi qua nhưng tôi vẫn cứ mắc kẹt trong tâm hồn của một nữ sinh 18 tuổi. Thời gian của tôi mãi dừng lại ở buổi chiều hôm đó, khoảnh khắc khi tôi vừa đi học về. Mẹ chuẩn bị sẵn bữa lót dạ là bánh chuối với sữa mà tôi thích. Gần thi Đại học nên tôi khá căng thẳng, lúc nào cũng chỉ muốn ngủ. Mẹ đón tôi ở cổng như mọi ngày, dắt xe đạp giúp tôi và giục vào nghỉ ngơi.
Mới qua 2 bậc thềm nhà, tôi nghe tiếng rầm sau lưng. Mẹ ngất xỉu ở sân, xe đạp lẫn cặp sách của tôi bay vương vãi. Tôi hoảng sợ lay mẹ dậy nhưng mắt bà cứ nhắm nghiền, nụ cười ấm áp mãi mãi không còn dành cho tôi nữa...
Đám tang của mẹ diễn ra vội vã, trời mưa xối xả một cách lạ kỳ. Họ hàng kéo đến đông như kiến, tôi nghe loáng thoáng có vài câu hỏi không hề liên quan: "Cô D. có để lại tài sản gì không?", "Cô D. có nhắc chú trả nợ tiếp thay cho bác không?", "Cô D. có sổ tiết kiệm hay vàng tiền để cho nhà ngoại không?"...
Bố bực tức hét lên rằng nhà tôi chẳng có gì cả, nhưng ông ngoại lại mắng bố trước mặt bao người:
- Mày xây nhà to như thế mà bảo không có gì? Bố mẹ anh em bên vợ khó khăn hỏi vay tiền mày toàn tránh, mượn ô tô cũng không cho. Tưởng giàu mà kiêu à, loại con rể như mày tao không thèm!
- Bố đừng ăn có nói không như thế. Chúng con cưới xong khổ sở đủ bề, bố có nhớ bố đã đuổi vợ con đi thế nào khi cô ấy sang vay gạo không? Anh trai cờ bạc nợ nần, em trai bỏ học ăn bám, cái gì cũng đến xin xỏ vợ con. Cô ấy đi đẻ, con tới nhờ mẹ sang chăm còn bị nhốt ngoài cổng, có ai quan tâm đến gia đình con không? Chúng con cực nhọc thế nào mới có thể xây nhà mua xe cho con gái có cuộc sống tốt, tại sao mọi người cứ tìm đủ cách bòn rút thế? Vợ con chết đột ngột cũng không ai khóc, đầu mọi người chỉ có tiền thôi sao?!?
Mưa nặng hạt nên một góc rạp sập xuống, tất cả đều im lặng như tờ. Tôi chẳng quan tâm đến chuyện người lớn cãi nhau, chỉ ngắm mãi nụ cười của mẹ trên di ảnh. Vừa mới hôm qua khi tiễn tôi đến trường mẹ còn bảo nếu đỗ Đại học sẽ cho tôi đi chơi, ra nước ngoài du lịch. Chiếc bánh chuối mẹ rán vẫn còn nguyên trong bếp, chẳng còn chút hơi ấm nào. 18 năm tôi sống trong sự nuông chiều của mẹ, bố bận làm nên chỉ có mẹ luôn ở bên. Bà hiền lành xinh đẹp biết bao nhiêu, chưa từng có ai nấu ăn ngon như mẹ.
Hàng vạn ký ức ùa về khiến tôi gục ngã, khóc đến quặn thắt lồng ngực. Đến khi tỉnh táo lại thì không thấy bố đâu, tôi hỏi bà nội thì bà nói cơ quan có việc gấp nên bố đi rồi. Tôi hoang mang giận dữ không hiểu lúc ấy có thứ gì quan trọng hơn đám tang của mẹ? Bố luôn nói yêu thương mẹ nhất, ấy thế mà qua tận ngày hôm sau khi đưa mẹ đi hỏa táng, tôi gọi cả trăm cuộc ông cũng không bắt máy hay quay về!
Mãi đến 2 ngày sau tôi mới nghe tiếng cổng mở, bố mệt mỏi lên phòng vào lúc 1h sáng. Bà nội ngủ lại với tôi vì nhà chẳng còn ai, tôi quá đau buồn nên cũng không thể đi học. Nhìn thấy bố cơn phẫn uất trong lòng trào lên, tôi gào khóc túm áo ông hỏi tại sao bố lại bỏ đi, tại sao bố không tiễn mẹ ngày cuối cùng, tại sao bố lại bỏ mặc con ở nhà một mình nấu cơm thắp hương cho mẹ, tại sao bố lại coi trọng thứ khác hơn vợ mình?...
Ông chỉ im lặng, rồi quay lưng đi.
Kể từ đó bố con tôi không nói chuyện với nhau nữa. Tôi cố nén nỗi đau mất mát để thi Đại học, đỗ vào trường mình muốn rồi lao đầu kiếm việc làm thêm trang trải học phí. Mỗi tháng bố chuyển cho tôi 10 triệu nhưng tôi không đụng tới, bà nội bảo rằng hãy thông cảm cho bố vì áp lực cơm áo gạo tiền, mong tôi tha thứ cho bố vì sự thật không phải bố vô tâm. Chỉ là đàn ông nên bố không thể yếu đuối, cú sốc mất vợ khiến bố chẳng còn thiết tha gì. Ông sợ về nhà sẽ nhớ mẹ tôi phát điên, sợ nhìn tôi sẽ nhầm là gương mặt của mẹ, sợ những kỉ niệm trong căn nhà này sẽ bóp nghẹt trái tim ông.
Thế còn tôi thì sao, chẳng lẽ tôi không sợ hãi như bố chắc! Không vượt qua được nỗi đau năm 18 tuổi, tôi cũng chẳng biết mình đang sống vì gì...