Tôi làm giáo viên dạy Toán ở một trường trung học phổ thông. Với công việc thuận lợi như vậy, tôi dễ dàng kiếm được một tấm chồng tài giỏi. Tuy nhiên, bố mẹ tôi chỉ có hai cô con gái. Em tôi lấy chồng xa, bố mẹ tôi đã già yếu. Ông bà lại không có lương hưu. Vậy nên, cuộc sống của ông bà trông cậy cả vào tôi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, ai lấy tôi phải chấp nhận ở rể.
Bạn bè, đồng nghiệp của tôi, ai cũng giục tôi mau chóng lấy chồng. Con gái gần 30 tuổi cũng đâu còn trẻ nữa. Tôi vẫn phân vân, sợ không tìm được người vừa yêu thương mình, vừa hết lòng với bố mẹ mình. Cho đến khi tôi gặp anh, một người đàn ông mẫu mực. Anh làm ở thành phố, nhưng nhà anh lại ở huyện ngoại thành. Vì đi làm xa bất tiện nên anh phải ở trọ gần chỗ làm, rất gần khu phố tôi.
Từ lúc mới quen nhau, tôi đã nói ngay điều kiện của mình. Anh vui vẻ đồng ý, còn nói đùa tôi rằng lấy tôi rồi anh đỡ phải ở trọ. Sợ tôi còn ngờ vực, không ít lần anh nhắc với tôi chỉ cần chúng tôi yêu thương nhau thì chuyện khó mấy cũng sẽ vượt qua. Ít lâu sau, chúng tôi mau chóng làm đám cưới, anh ở rể nhà tôi.
Từ lúc con gái tôi được 2 tuổi, tôi thấy anh thay đổi nhiều. (Ảnh minh họa)
Thời gian đầu, chúng tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi mang bầu rồi sinh cháu gái đầu lòng. Anh rất chiều con và tôi. Cuối tuần nào anh cũng dành thời gian đưa hai mẹ con đi chơi. Bố mẹ tôi đau yếu nên thỉnh thoảng anh còn mua thuốc bổ để biếu. Từ một người từng lo ngại về hôn nhân của mình, khi ấy tôi lại thấy tự hào với mọi người.
Nhưng mọi chuyện không hề tiếp diễn êm đẹp như vậy. Từ lúc con gái tôi được 2 tuổi, tôi thấy anh thay đổi nhiều. Anh hay la cà quán xá, nhậu nhẹt đến say mềm người mới về. Tiền lương hàng tháng anh đưa tôi ngày càng ít. Nhiều lúc, anh bực dọc bởi tôi đi dạy cả ngày, tiền lương không được bao nhiêu. Đã thế, việc tôi thường xuyên phải chu cấp cho bố mẹ khiến anh tỏ ra khó chịu. Tôi suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu lí do khiến chồng mình đổi khác như vậy.
Không khí trong nhà căng thẳng như thế suốt một thời gian dài. Những trận cãi vã xảy ra nhiều hơn. Nguyên nhân chính đều từ việc tôi phải chịu ràng buộc từ phía bố mẹ, anh cho rằng ông bà làm cuộc sống vợ chồng tôi trở nên "khó thở". Dĩ nhiên, tôi không hề chịu thua anh, cãi lại cho bằng được. Thế rồi, câu chuyện nào cũng có kết thúc.
Ngày chủ nhật ấy, khi tôi đang chơi với con thì nghe giọng anh từ phòng khách. Anh muốn nói chuyện gì đó với tôi, có vẻ quan trọng lắm. Tôi gửi con cho ông bà ngoại rồi dặn ông bà cho cháu sang hàng xóm chơi. Xong xuôi đâu đấy, tôi trở vào ngồi đối diện, chờ đợi anh nói trước.
Anh lấy cớ không thể sống và chịu đựng trong nhà này nữa, muốn… ly hôn. (Ảnh minh họa)
Đó là cuộc đối thoại mà tôi không bao giờ quên. Anh lấy cớ không thể sống và chịu đựng trong nhà này nữa, muốn… ly hôn. Tôi quá bất ngờ với quyết định này, nhưng cố không phản ứng mạnh. Tuy vậy, mắt tôi ngấn nước, tôi lạc giọng hỏi lại anh. Vẫn với thái độ đó, anh tỉnh bơ trả lời tôi đã giam hãm anh trong một cuộc sống không có tự do, không hề sung sướng. Anh đã không được làm chồng đúng nghĩa khi cưới tôi. Hóa ra tất cả những gì tốt đẹp trước đây anh thể hiện đều chỉ là gắng gượng.
Có lẽ do tôi ngây thơ nên mới tin tưởng chồng quá mức như vậy. Cố nén sự đau khổ trong lòng, tôi viết đơn ly hôn rồi nói anh kí. Anh xách vali khỏi nhà tôi ngay ngày hôm sau mà không đoái hoài đến con. Ra tòa, tôi giành được quyền nuôi con. Tôi vẫn sống cùng con gái và bố mẹ trong căn nhà đó. Anh thì cưới cô vợ mới không lâu sau đó.
Bạn bè, họ hàng, láng giềng ai cũng ngạc nhiên trước cảnh nhà tôi. Về sau, họ cũng dần hiểu ra, tỏ ý muốn mai mối giới thiệu cho tôi đám khác. Thế nhưng, tôi vẫn chưa thoát khỏi sự sợ hãi về những thứ ẩn sâu trong suy nghĩ đàn ông. Có lẽ tôi sẽ ở vậy nuôi con, chăm sóc bố mẹ đến hết đời thôi các chị em ạ.